Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tin10 cách thức Nga có thể phát động chiến tranh trong tương...

10 cách thức Nga có thể phát động chiến tranh trong tương lai

Cách thức phát động chiến tranh hiện đại của Nga sẽ dựa nhiều vào kế sách và công nghệ, tiệm cận gần hơn với những gì mà phương Tây từng thực hiện.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-22 của Nga tấn công các mục tiêu khủng bố tại Syria. Ảnh: Sputnik

Trong suốt nhiều thế kỷ, cách thức Nga phát động chiến tranh chủ yếu dựa vào số lượng. Dù đối thủ của Nga là Napoleon, Hitler hay NATO thì Moscow vẫn chỉ đè bẹp họ bằng những “cỗ xe lu” khổng lồ: đông đảo binh lính, xe tăng và pháo binh.

Nhưng ngày đó đã chấm dứt. Cách thức phát động chiến tranh hiện đại của Nga sẽ dựa nhiều vào kế sách và công nghệ, gần hơn với những gì mà phương Tây từng thực hiện, như người Đức trước đây và người Mỹ sau này.

“Mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng từ Liên Xô nhưng cách thức tiến hành chiến tranh của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga hiện nay đã phát triển đáng kể, phù hợp với thực tế mới mà giới lãnh đạo Moscow đang phải đối diện”, một nghiên cứu công bố mới đây của Viện nghiên cứu RAND (Mỹ) nhận xét.

“Đứng trước viễn cảnh tương lai mà ở đó những sức mạnh truyền thống của Nga không còn hoặc còn rất ít tác dụng, các lãnh đạo quân sự Nga đã áp dụng những cách thức mới nhằm bảo vệ tốt hơn tổ quốc của họ, và nếu cần thiết có thể cho phép thực hiện các chiến dịch tấn công có giới hạn ở những vùng thuộc phạm vi ảnh hưởng của họ”.

Theo RAND, các lực lượng quân sự Nga chủ yếu được bố trí theo thế trận phục vụ mục tiêu tối thượng là bảo vệ đất nước, đặc biệt là những trung tâm dân cư và công nghiệp chủ chốt.

“Không có xu hướng nào cho thấy Nga đang tìm cách tiến hành một cuộc xung đột quy mô lớn với các đối thủ có sức mạnh gần hoặc ngang bằng. Dường như các lãnh đạo Nga hiểu được những bất lợi mà họ phải đối diện trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột kéo dài với một đối thủ đẳng cấp, chẳng hạn như NATO”.

10 cách thức phát động chiến tranh của Nga

Từ những nhận xét tổng quan trên, các tác giả thực hiện báo cáo mới của RAND đã liệt kê ra 10 đặc điểm chủ chốt trong cách thức tiến hành chiến tranh của Nga trong tương lai:

1) Quân đội Nga được bố trí theo thế trận bảo vệ tổ quốc và các trung tâm công nghiệp và dân cư quan trọng. Họ sử dụng các hệ thống phòng không tích hợp, nhiều tầng, nhiều lớp và sử dụng nhiều địa bàn xung quanh làm vùng đệm để phân tán không gian và kéo dài thời gian khi đối phó với các đòn tấn công hay xâm lược tiềm ẩn.

Cách thức này giúp Nga tận dụng được các lợi thế truyền thống về không gian và thời gian. Moscow cũng sẽ sử dụng các vũ khí hạt nhân như là vật bảo đảm cho sự toàn vẹn lãnh thổ.

2) Nga muốn bảo vệ lãnh thổ của mình và tránh đối đầu với một đối thủ có sức mạnh ngang bằng hoặc gần bằng qua việc triển khai các hệ thống phòng thủ và vũ khí tấn công có tầm bắn xa. Những tầm bắn này cũng sẽ mang lại lợi thế chiến đấu cho các lực lượng Nga thực hiện các chiến dịch tấn công gần biên giới.

Nga đặt ra mục tiêu sẽ đập tan bất kỳ mối đe dọa nào gần vùng biên giới mà có thể làm bàn đạp để tấn công lãnh thổ mình, chẳng hạn như các tàu sân bay, tàu chiến đủ khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất hay việc các quốc gia lân cận cho phép nước ngoài lập hệ thống phòng thủ tên lửa, căn cứ hoặc triển khai một số dạng máy bay.

Nga đã phát triển nhiều loại tên lửa phóng từ mặt đất, trên không và trên biển để thực hiện mục tiêu này. Trong khi vẫn sẽ sử dụng chiến lược hiệp đồng tác chiến giữa các quân binh chủng và các lực lượng phi thông thường thì lãnh đạo quân sự Nga cũng cho rằng, không quân vũ trụ sẽ là môi trường tác chiến chính trong chiến tranh hiện đại.

3) Cân nhắc tới các điểm yếu thông thường trong một cuộc chiến tranh kéo dài với một đối thủ ngang hoặc gần ngang bằng, Nga sẽ cố gắng áp dụng các chiến lược hành động gián tiếp và đòn đáp trả phi đối xứng trên nhiều không gian chiến trường để giảm thiểu thế mất cân bằng có thể diễn ra.

4) Yếu tố đảm bảo sau chốt cho việc kiểm soát leo thang của Nga là kho vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật. Nga có thể đe dọa triển khai hoặc triển khai các vũ khí hạt nhân đáp trả một cuộc tấn công thông thường đe dọa tới khả năng răn đe hạt nhân của Nga.

Mặc dù đã đầu tư rất nhiều cho việc hiện đại hóa các khả năng tác chiến thông thường, Nga rất có thể sẽ cân nhắc tới các đòn đáp trả hạt nhân đối với các vụ tấn công phi hạt nhân mà Nga cho rằng bộc lộ một mối đe dọa to lớn với sự toàn vẹn và thống nhất lãnh thổ.

5) Một số chiến dịch của Liên Xô và Nga từng được tiến hành bất ngờ nhằm đạt các mục tiêu chiến dịch trong một thời gian rất ngắn. Khả năng này rất có thể sẽ vẫn được duy trì, đặc biệt trong các chiến dịch được lên kế hoạch từ trước. Nga cũng sẽ tận dụng nghệ thuật nghi binh để che giấu công tác chuẩn bị cho các chiến dịch.

6) Những cải cách gần đây của Nga cũng chuẩn bị cho các lực lượng bộ binh mức độ sẵn sàng cao hơn để đối phó với những biến động bất ngờ, diễn biến nhanh.

7) Các phương pháp tác chiến truyền thống và phi truyền thống nhiều khả năng cũng sẽ được phối hợp trong các cuộc xung đột tiềm ẩn tương lai. Các lực lượng đặc nhiệm, bán quân sự và cảm tình viên dân sự có thể tham gia định vị mục tiêu, nhận biết tình huống trên khắp không gian chiến trường.

8) Ở các cấp chiến dịch và chiến thuật, Nga chắn chắn sẽ tập trung vào hoạt động làm tan vỡ, suy yếu, hoặc phá hủy các trung tâm chỉ huy, điều khiển, các khả năng khuếch trương sức mạnh của đối phương thông qua việc sử dụng pháo điện từ, tác chiến mạng/điện tử và hành động trực tiếp bằng các lực lượng cơ động.

9) Nga cũng sở hữu các khả năng không kích chính xác thông thường tầm xa để tấn công các mục tiêu chiến dịch và chiến lược chủ chốt, đặc biệt là ở những địa điểm cố định đã biết trước.

10) Trên mặt đất, các chiến thuật của Nga nhiều khả năng sẽ tập trung vào tấn công hỏa lực ồ ạt gián tiếp (đặc biệt là hỏa lực tầm xa). Hiệu quả của các hỏa lực này được bổ trợ thêm bằng các phương tiện cơ động cao có khả năng hỏa lực trực tiếp.

RELATED ARTICLES

Tin mới