Báo đảng Trung Quốc nhận định, Mỹ đang xây dựng Triều Tiên như một đối tượng “chỉ có thể là kẻ thù, không có khả năng để trở thành bạn bè” đối với Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Tổng thống Donald Trump vừa có tuyên bố “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” về Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Mới đây, tài khoản Wechat Xikedao, do báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo quản lý, đã đăng bài xã luận đưa ra giải thích vì sao “Mỹ không giải quyết triệt để vấn đề Triều Tiên”. Theo bài xã luận này, gần đây Mỹ liên tục đưa ra các động thái thất thường và khó lường về vấn đề Triều Tiên.
Ví dụ vào tháng trước, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt kê Triều Tiên vào danh sách các nước tài trợ khủng bố, đồng thời cuộc đấu khẩu giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cũng ngày càng khốc liệt còn giới chính khách và quân sự Mỹ nhiều lần cho rằng, quân sự là một trong những lựa chọn để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Ngay sau đó, Mỹ đã cử số lượng lớn chiến hạm và máy bay quân sự tới bán đảo Triều Tiên, tham gia cuộc tập trung quy mô lớn với các nước đồng minh tại khu vực Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản với mục đích răn đe Bình Nhưỡng.
Xiakedao nhận định, khoảng thời gian đó tình hình bán đảo Triều Tiên nhiều khi dường như được đẩy đến cao trào, đứng sát bờ vực chiến tranh.
Tuy nhiên, vài ngày trước, tại cuộc họp ở Hội đồng Đại Tây Dương, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bất ngờ tuyên bố, Washington có thể đàm phán trực tiếp vô điều kiện với Bình Nhưỡng. Nhưng mấy tiếng sau khi dư luận thế giới đang đinh ninh Mỹ sẽ đưa ra bước nhượng bộ quan trọng với Triều Tiên thì Nhà Trắng lại bác bỏ phát biểu của ông Tillerson. Vậy vấn đề của Mỹ ở đây là gì?
Đâu là lằn ranh đỏ của Mỹ?
Cuối tháng trước, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 với tầm bắn lên tới 13.000 km, có thể tấn công mọi điểm trên lãnh thổ Mỹ.
Tài khoản wechat Nhân dân nhật báo đánh giá, những lần thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên cho thấy, công nghệ thu nhỏ vũ khí hạt nhân của nước này đang phát triển nhanh chóng, trong một thời gian ngắn, có khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân trên thực tế.
Và trong bối cảnh đó, đa phần giới quan sát tin rằng Mỹ sẽ rất tức giận vì Triều Tiên đã vượt qua lằn ranh đỏ của nước này nhưng động thái của Washington chỉ là tăng lệnh trừng phạt. Vậy nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Xiakedao lý giải, một mặt, đối với Mỹ, mức đe dọa của ICBM của Triều Tiên không lớn hơn có nhiều so tên lửa tầm trung và ngắn. Đồng thời, chi phí tốn kém sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, thử nghiệm khiến Bình Nhưỡng rất khó để sản xuất nhiều.
Mặt khác, Mỹ đã xây dựng ba hệ thống phòng thủ tên lửa gồm hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD), hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis trên biển/ hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD và hệ thống đánh chặn tên lửa tầm thấp giai đoạn cuối (PAC-3).
Hiện rất ít khả năng ICBM Triều Tiên có thể đánh lừa, xuyên qua ba hệ thống phòng thủ của Mỹ nên trên thực tế, nó không đe dọa quá lớn đến lãnh thổ Mỹ.
Ngoài ra, theo Xiakedao trong giai đoạn hiện nay, nếu Mỹ trực tiếp tấn công quân sự Triều Tiên thì chính Washington cũng sẽ chịu tổn thất nặng nề bởi vấn đề quân phí cũng là nỗi lo của chính phủ Mỹ hiện nay.
Điều này sẽ không chỉ làm trầm trọng hơn nữa mâu thuẫn xã hội trong nước, mà còn làm cho những nỗ lực để hồi sinh nền kinh tế công nghiệp Mỹ của Tổng thống Trump đổ bể, Xiakedao nhận định.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa Mỹ sẽ lơ là kế hoạch phát triển vũ khí của Triều Tiên, bởi ngoài lo lắng Triều Tiên phổ biến vũ khí hạt nhân và phát triển công nghệ tên lửa, Mỹ còn lo lắng Nhật, Hàn bắt tay hòa hảo với Triều Tiên do tác động từ mối đe dọa của tên lửa tầm ngắn, trung của Triều Tiên.
Xiakedao cho rằng, điều này sẽ làm lung lay hệ thống đồng minh quân sự Đông Bắc Á của Mỹ và đây là điều Mỹ không bao giờ chấp nhận nhưng mặc dù vậy, Mỹ dường như không có biện pháp khắc phục nào khác ngoài hình thức trừng phạt.
Hiện nay, Mỹ như vừa tạo ra một khí thế chiến tranh, vừa thể hiện tính linh hoạt cao trong các chiến lược cụ thể, giúp Nhà Trắng tạm thời kiềm chế Triều Tiên, đồng thời là bước đệm cho các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn trong tương lai.
“Kẻ địch có giá trị”
Theo Xiakedao, thực tế từ trước tới nay, chính sách của Mỹ về bán đảo Triều Tiên đều rất rõ ràng. Kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong bản đồ của các nhà hoạch định chiến lược Mỹ, luôn có một ưu tiên lớn về cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh bởi mặc dù Mỹ có sức mạnh kinh tế và quân sự mạnh nhưng không dễ duy trì vị thế thống trị trên thế giới.
Trong trường hợp đó, thúc giục Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường đầu tư quốc phòng và đảm bảo rằng họ chịu ảnh hưởng từ các chiến lược quân sự của Mỹ là chiến lược quan trọng.
Tuy nhiên, cùng với việc càng đồng minh tăng cường sức mạnh thì khả năng xung đột lợi ích, mâu thuẫn chiến lược giữa các đồng minh cũng không thể tránh khỏi. Điều này đòi hỏi, Mỹ xây dựng Triều Tiên như một đối tượng “chỉ có thể là kẻ thù, không có khả năng để trở thành bạn bè” đối với Nhật, Hàn, Xiakedao nhận định.
Quan trọng hơn, trên góc độ quốc tế, bán đảo Triều Tiên hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, Triều Tiên – Hàn Quốc chưa ký hiệp định hòa bình, nên Bình Nhưỡng là “kẻ địch có giá trị” thích hợp nhất của Mỹ tại Đông Bắc Á, tài khoản này bình luận thêm.
Còn đối với Triều Tiên, tài khoản này cho rằng, nhờ có sự tồn tại của vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng mới có thể leo thang căng thẳng trên bán đảo, khiến lợi ích chiến lược của hai nước láng giềng Trung-Nga chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Ở thời điểm này, nếu Triều Tiên có thể đưa khu vực Đông Bắc Á vào trong bầu không khí của Chiến tranh Lạnh thì giá trị của nước này sẽ gia tăng trong chiến lược của Trung-Nga mà còn giúp bản thân cải thiện tình trạng khó khăn.
Theo đó, Xiakedao cho rằng, Triều Tiên sẽ không chỉ không từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách dễ dàng mà trong tương lai nó sẽ như một công cụ chính trị thao túng mối quan hệ với các cường quốc, thậm chí có thể coi như một trụ cột quan trọng của sự tồn tại quốc gia.