Nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh sẽ đóng vai trò quyết định trong số phận của Bình Nhưỡng.
Nhưng những gì Trung Quốc làm để bảo vệ Triều Tiên sẽ phần lớn phụ thuộc vào việc ai nổ súng đầu tiên và những gì Nga làm hoặc không làm, theo Epoch Times.
Tuân thủ chiếu lệ
Số phận của Bình Nhưỡng đã ở trong tay của Bắc Kinh kể từ khi Trung Quốc ngăn chặn quân đội Liên Hợp Quốc (LHQ) quét sạch lực lượng họ Kim sau cuộc xâm lăng bất thành của Triều Tiên vào Hàn Quốc năm 1950. Và trong khi chính phủ Trung Quốc thường là một người bảo vệ bất đắc dĩ cho Bình Nhưỡng, việc duy trì chính quyền họ Kim cũng nhằm phục vụ quyền lợi riêng của Bắc Kinh.
Điều này có thể giải thích tại sao Trung Quốc đã làm đủ để được coi là hợp tác với cộng đồng quốc tế, nhưng không đủ để ngăn chặn các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.
Anders Corr, người sáng lập công ty tư vấn rủi ro Corr Analytics và là nhà xuất bản của tạp chí Political Risk, cho biết: “Tôi không tin là Trung Quốc không thể gọi điện cho Kim Jong Un và bảo anh ta hãy từ bỏ và phi hạt nhân hóa”.
Ông Corr, người trước đây từng tư vấn cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Đặc biệt Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cho biết lời tuyên bố của ông Tập Cận Bình về ảnh hưởng hạn chế với Triều Tiên là không đáng tin cậy.
“Tôi nghĩ ông ta có ảnh hưởng. Chắc chắn, nếu Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế khốc liệt lên Triều Tiên thì nó có thể gây bất ổn cho Triều Tiên đến mức sẽ đe doạ quyền lực của ông Kim Jong Un”, ông Corr nói.
Chìa khóa giải quyết khủng hoảng
Ông Corr nói Trung Quốc có chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên khi nắm phần lớn thương mại nước ngoài của nhà nước cô lập, nhưng đã chọn không sử dụng nó. Điều đó có thể là do Triều Tiên khiến Mỹ mất tập trung vào các vấn đề quan trọng với Bắc Kinh, như vấn đề Đài Loan và các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Mối đe dọa từ Triều Tiên đối với Mỹ là điều có thật nếu Bình Nhưỡng sở hữu và sử dụng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công các thành phố của Hoa Kỳ. Một động thái như vậy có thể phá hủy sức mạnh kinh tế hiện tại, nền tảng căn bản giúp Hoa Kỳ chuyển hóa thành sức mạnh quân sự và bảo đảm an ninh ở châu Âu và châu Á.
Nếu Hoa Kỳ phải rút quân, Nga và Trung Quốc có thể tiến lên bằng cách mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực, hoặc thông qua sự chiếm đóng quân sự.
Ông Corr cho biết đây là một kịch bản có xác suất thấp, chi phí cao, nhưng phải được xem xét vì tác động có thể rất thảm khốc. “Đây là một phần lý do tại sao Triều Tiên là một mối đe dọa, và tại sao Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro xung đột lớn với Triều Tiên”, ông nói.
Trung Quốc chiếm từ 75-90% thương mại nước ngoài của Triều Tiên và đã thực hiện những gì mà một số người mô tả là “hợp tác lấy lệ” khi đóng cửa các công ty Triều Tiên ở Trung Quốc, nơi đang chế tạo các thành phần vũ khí quan trọng cho chính quyền họ Kim.
Thực tế Triều Tiên đã phóng ICBM từ một chiếc xe chuyên dụng Trung Quốc vào ngày 28/11 là một trong những ví dụ rõ ràng hơn về sự đồng lõa. Để né lệnh trừng phạt trước đó, chiếc xe đã được bán cho Triều Tiên dưới hình thức không tưởng tượng được là một chiếc xe khai thác gỗ.
Trong khi đó, Trung Quốc đã cố gắng làm dịu bớt những lời chỉ trích bằng cách chỉ ra sự tuân thủ hiện thời với các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ thông qua vào tháng 9. Tuy nhiên, thực tế Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vẫn là lực lượng bảo đảm cho sự tồn tại của Triều Tiên trong 67 năm qua.
Lằn ranh đỏ
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nói tại Diễn đàn Ấn Độ Dương-Hội đồng Hàn Quốc vào ngày 12/12 rằng Tổng thống Donald Trump đang dựa vào Trung Quốc để thực thi lệnh cấm vận dầu lửa nhằm ngăn cản chiến tranh: “Lần cuối cùng Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán là vì Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu dầu”.
Tuy nhiên, hy vọng cắt giảm dầu vào Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng đã nắm được công nghệ tên lửa liên lục địa (ICBM) có thể là quá lạc quan, đặc biệt khi có những dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng chấp nhận sự lên án của quốc tế để tăng cường xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên.
Vì cả Trung Quốc và Nga đều từng nói rằng họ sẽ không thông qua những biện pháp trừng phạt bổ sung, nên hành động quân sự có thể là lựa chọn duy nhất nếu Mỹ không muốn Triều Tiên đạt tới trình độ sở hữu ICBM có khả năng tấn công hạt nhân vào nước Mỹ.
Ngoại trưởng Tillerson đã có một động thái đỉnh điểm khi trấn an Trung Quốc rằng nếu có chiến tranh xảy ra, việc lính Mỹ đổ bộ vào Triều Tiên chỉ là tạm thời.
“Nếu có chuyện gì đó xảy ra và chúng tôi phải vượt qua biên giới, chúng tôi đã đảm bảo với Trung Quốc rằng chúng tôi sẽ quay trở lại và rút lui về phía Nam vĩ tuyến 38”, ông nói. “Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, và đó là tất cả”.
Thay đổi chế độ ở Triều Tiên không phải là một lựa chọn, theo quan điểm của Trung Quốc, và Bắc Kinh đã yêu cầu Hoa Kỳ cam kết không tìm kiếm sự sụp đổ hoặc thay đổi chế độ, hoặc cũng không cố gắng đẩy nhanh việc thống nhất 2 miền Nam-Bắc bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng đồng ý không tìm kiếm một lý do đưa các lực lượng quân sự về phía Bắc khu phi quân sự chạy dọc theo vĩ tuyến 38 (DMZ).
Biến số Nga
Ông Carl Schuster, một thuyền trưởng Hải quân Mỹ đã về hưu, hiện đang giảng dạy tại Đại học Hawaii Pacific, cho biết nếu lực lượng Hoa Kỳ tràn vào Triều Tiên, Trung Quốc sẽ phản ứng tùy thuộc vào việc ai nổ súng trước.
“Ví dụ Triều Tiên có một hành động gì đó ngu ngốc như phóng một tên lửa vào Hàn Quốc hoặc vào một căn cứ của Mỹ, hoặc đột ngột bắn pháo binh từ DMZ vào Seoul… Nếu Triều Tiên làm điều đó, Trung Quốc sẽ không có lý do gì khi chúng ta tấn công Triều Tiên”, ông nói.
Nhưng có sự khác biệt giữa cuộc tấn công trên không và triển khai quân đội dưới mặt đất, và không ai dám chắc Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào. Ít nhất, Bắc Kinh sẽ tìm kiếm áp lực quốc tế để ngăn chặn một cuộc tấn công của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trong khi vượt qua vĩ tuyến 38 có thể được dung thứ trong một số trường hợp, chiếm đóng thủ đô của Triều Tiên là không được. Ông nói: “Nếu có vẻ như chúng ta sẽ đi về phía Bắc của Bình Nhưỡng, trong tâm trí họ, đó sẽ là một đường ranh đỏ”.
Trung Quốc có thể để các lực lượng Hoa Kỳ vượt qua biên giới để tiêu diệt quân đội Triều Tiên, ông nói, nhưng ông dự đoán Bắc Kinh sẽ đưa lực lượng đến chiếm Bình Nhưỡng. Thủ đô của Triều Tiên sẽ vẫn là một khu vực cấm.
“Nếu Triều Tiên khởi sự xung đột, Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao, chuẩn bị cho thất bại của Triều Tiên, nhưng họ sẽ không can thiệp nếu chúng ta không đi xa”, ông nói.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó sẽ thay đổi nếu Nga tham gia. Ông Schuster nói Trung Quốc có thể bị buộc phải bảo vệ Triều Tiên nếu Nga cũng triển khai lực lượng.
“Trung Quốc sẽ lo lắng về ảnh hưởng của Nga ở đó”, ông nói.
Nếu chiến tranh bùng nổ và quân đội Hoa Kỳ tiến vào rồi rút khỏi Triều Tiên, nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên sẽ trở thành một nước thuộc địa của Trung Quốc kể từ đó.