Chỉ riêng về thiết kế ghế ngồi cho thấy, ghế ngồi của ông Tập Cận Bình tinh xảo hơn với hình ảnh rồng bay mây lượn, còn ghế của ông Lý Khắc Cường chỉ là ghế sofa màu đỏ sẫm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp bà Trưởng đặc khu Hồng Kông trong Hàm Nguyên Điện. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ngày 19/12, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Uông Dương hội kiến Cố vấn ngoại giao Tổng thống Pháp Philippe Etienne tại Tử Quang Các, kiến trúc trong Trung Nam Hải – nơi sống và làm việc của nhiều lãnh đạo Trung Quốc sau 1949.
Bốn ngày trước tức ngày 15/12, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng tiếp đón bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga – Trưởng đặc khu Hồng Kông và ông Thôi Thế An – Trưởng đặc khu Ma Cao tại Tử Quang Các.
Cùng ngày, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có cuộc tiếp xúc với hai ông bà Thôi, Trịnh tại Doanh Đài, Trung Nam Hải. Tuy nhiên, giới phân tích xác định, phòng họp cụ thể được diễn ra tại Hàm Nguyên Điện, thuộc Doanh Đài.
Trong nhiệm kỳ của hai cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng như Chủ tịch Tập Cận Bình hiện nay, Hàm Nguyên Điện chính là phòng họp đặc biệt để các nhà lãnh đạo Trung Quốc hội kiến các nguyên thủ nước ngoài và nghe báo cáo của Trưởng đặc khu Hồng Kông và Ma Cao.
Ngoài các tòa kiến trúc như Điếu Ngư Đài, Đại lễ đường nhân dân thì Hàm Nguyên Điện và Tử Quang Các lần lượt là hai văn phòng ngoại giao của nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như của các lãnh đạo Quốc vụ viện.
Ông Tập nghe báo cáo ở Hàm Nguyên Điện
Báo Tân Kinh cho biết, Hàm Nguyên Điện là chính điện của Doanh Đài, là địa điểm quan trọng được hoàng thất nhà Thanh lựa chọn để dạo chơi, nghỉ ngơi và tổ chức yến tiệc mỗi khi đến Doanh Đài.
Từ tháng 4/1993, Hàm Nguyên Điện trở thành một trong những địa điểm diễn ra các cuộc tiếp xúc quan trọng của người đứng đầu Trung Quốc với các nguyên thủ thế giới.
Trong thời kỳ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào tại nhiệm, các lãnh đạo thế giới bấy giờ là Tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W. Bush, Tổng thống Nga Boris Yeltsin, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đều được đón tiếp tại Hàm Nguyên Điện.
Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, bức ảnh “Cuộc đối thoại trong đêm ở Doanh Đài” được chụp hôm 11/11/2014 giữa Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama với ông Tập đã trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc. Sau đó, hai nhà lãnh đạo Trung, Mỹ đã tiến hành hội đàm chính thức trong Hàm Nguyên Điện.
Theo cựu Quyền Cục trưởng Cục Lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lỗ Bồi Tân, Bắc Kinh lựa chọn Hàm Nguyên Điện làm nơi diễn ra các cuộc họp song phương quan trọng bởi tại đây, các nhà lãnh đạo vừa có thể chiêm ngưỡng phong cảnh của Trung Nam Hải, mà không khí hội đàm cũng trở nên thân thiện, khiến vấn đề thảo luận trở nên nhẹ nhàng, cũng như dễ dàng bảo đảm các biện pháp an ninh.
Còn đối với việc hội kiến các Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, Ma Cao tại Hàm Nguyên Điện, một số ý kiến cho rằng, điều này thể hiện sự bác ái của trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đối với hai vùng đất từng là thuộc địa của các quốc gia phương Tây.
Đáng chú ý, sau Đại hội 18 năm 2012, hình ảnh về Hàm Nguyên Điện dường như được đăng tải phổ biến công khai hơn thời gian trước đó, nhờ vậy, giới phân tích nhận ra, thiết kế và nội thất của Hàm Nguyên Điện có thay đổi theo từng nhiệm kỳ của các đời lãnh đạo Trung Quốc.
Trong các hình ảnh trước đây, chỉ có một chiếc bàn vuông nhỏ đặt giữa hai chiếc ghế lớn, không gian còn lại tương đối rộng rãi, vị trí ngồi của nhà lãnh đạo chủ nhà và các quan khách sẽ được sắp xếp theo hướng vòng cung, trong đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ ngồi theo vị trí “tọa Bắc hướng Nam”, cùng hàng với các nguyên thủ nước ngoài hoặc Trưởng đặc khu Hồng Kông, Ma Cao.
Tuy nhiên, giới phân tích tiết lộ, trong cuộc hội đàm hồi tháng 11/2014 giữa hai ông Tập Cận Bình và Obama, thiết kế phòng họp đã thay đổi. Khi đó, chính giữa Hàm Nguyên Điện đặt một bàn hội nghị dài hình chữ nhật, ông Tập, Obama và đội ngũ tháp tùng ngồi hai phía đối diện nhay, trong đó, ông Tập ngồi theo vị trí “tọa Bắc hướng Nam” còn ông Obama ngồi theo vị trí “tọa Nam hướng Bắc”.
Đến ngày 26/11, khi Trưởng đặc khu Hồng Kông khi đó là Lương Chấn Anh và Trưởng đặc khu Ma Cao Thôi Thế An tới Hàm Nguyên Điện, tòa kiến trúc lại trở về lối thiết kế cũ. Sang năm 2015, một chiếc bàn dàn hội nghị dài hình chữ nhật lại được đặt vào và thiết kế này được duy trì đến hiện nay.
Đặc biệt, vị trí ghế ngồi của ông Tập khi tiếp hai ông Lương Chấn Anh, Thôi Thế An cũng khác với vị trí ngồi khi tiếp ông Obama. Trong cuộc tiếp xúc với hai ông Lương, Thôi, ông Tập ngồi ở vị trí chính, “tọa Tây hướng Đông”, còn ông Thôi hoặc ông Lương ngồi ở vị trí liền kề thứ nhất phía bên phải ông Tập.
Giới chuyên gia nhận định, thực tế, Bắc Kinh rất chú trọng vào trật tự nghi thức, sự thay đổi của vị trí ngồi trên càng phản ánh chính xác hơn mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương.
Ngoài ra, kích thước ghế ngồi nguyên thủ trong Hàm Nguyên Điện cũng không giống nhau. Ví dụ, khi Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào tiếp đón quan khách, ghế ngồi của lãnh đạo Trung Quốc dường như sẽ lớn hơn các ghế ngồi còn lại. Trong cuộc hội đàm giữa hai ông Tập, Obama, ghế ngồi của đoàn tháp tùng cũng nhỏ hơn của hai nguyên thủ.
Tháng 12/2014, khi tiếp Lương Chấn Anh, ghế ngồi của ông Tập và ông Lương cũng lớn hơn ghế ngồi của các quan chức khác. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, khi bố trí thêm chiếc bàn hội nghị dài thì kích thước các ghế ngồi lại lớn bằng nhau.
Bên cạnh đó, các tác phẩm hội họa trong Hàm Nguyên Điện cũng có sự thay đổi. Năm 2014 trong cuộc hội đàm Tập-Obama, tường phía Tây được trang trí bằng một bức vẽ với tựa đề “Thủy điệu ca đầu – Mấy lúc có trăng thanh” của nhà thư pháp nổi tiếng thời Bắc Tống Tô Thức.
Đến năm 2015, khi tiếp Lương Chấn Anh, bức vẽ trên được đổi thành bức vẽ hoa mẫu đơn – quốc hoa của Trung Quốc của họa sĩ Hàn Hoài Khoan – đại diện trường phái vẽ tranh mới sau những năm 70 tại nước này. Tuy nhiên, đến năm 2016, một bức tranh khác được treo lên bức tường phía Tây.
Còn ở bức tường phía Bắc – bức tường chính giữa Hàm Nguyên Điện, kể từ thời Giang Trạch Dân đến nay, vẫn luôn là tác phẩm “Ngàn phong cánh tú, vạn mộc tranh xuân” (tức nghìn núi đua vẻ đẹp, vạn cây tranh sức xuân” do họa sĩ Bạch Tuyết Thạch sáng tác vào năm 1998.
Thủ tướng Trung Quốc tiếp xúc quan khách ở Tử Quang Các
Tử Quang Các còn có tên Bình Đài, được xây dựng từ thời nhà Minh, vốn là trường đua ngựa, bắn cung của các hoàng đế triều đại này. Đến thời Thanh, nơi đây trở thành trường Thi Đình của các võ sĩ và là nơi để kiểm tra kỹ năng bắn cung của các đại thần thị vệ.
Trong giai đoạn lịch sử Trung Quốc cận đại, Tử Quang Các bị phá hủy nghiêm trọng. Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, Thủ tướng bấy giờ là Chu Ân Lai đã yêu cầu trùng tu kiến trúc này để làm nơi tiếp khách của chính phủ.
Từ đó về sau, Tử Quang Các là nơi diễn ra các hội nghị ngoại giao quốc tế và nội chính của các đời Thủ tướng Trung Quốc. Thực tế, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Trung Quốc đều tiếp khách tại Tử Quang Các.
Tuy nhiên, dường như không phải chỉ các lãnh đạo thuộc Quốc vụ viện mới được sử dụng Tử Quang Các. Ví dụ, ngày 20/9/2017, ông Vương Kỳ Sơn khi đó là Ủy viên thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (CCDI) đã tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại địa điểm này.
Năm năm trước đó, ông Vương cũng từng nhiều lần đón tiếp các quan khách nước ngoài tại Tử Quang Các. Bấy giờ, ông này không đảm nhận bất cứ vị trí nào trong hệ thống chính phủ.
Theo số liệu thống kê, đã từng có tiền lệ Bí thư CCDI tiếp khách tại Tử Quang Các. Ông Ngô Quan Chính chính Bí thư CCDI từng nhiều lần tiếp đón quan khách nước ngoài tại Tử Quang Các.
Giới chuyên gia đánh giá, cách sắp xếp trong Tử Quang Các dường như được điều chỉnh theo vai trò, thời gian, hoàn cảnh của các cuộc tiếp xúc cũng như bản thân các quan khách.
Hồi năm 2015, khi tiếp đón Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông và Ma Cao, Tử Quang Các được bày dãy bàn hội nghị theo khối vuông. Hai Trưởng đặc khu này đều ngồi ở vị trí liền kề thứ nhất bên phải Thủ tướng Lý Khắc Cường. Khi đó, ông Lý Khắc Cường ngồi ở vị trí trung tâm, “tọa Bắc hướng Nam”.
Nhưng khi Phó Thủ tướng Uông Dương hội kiến đoàn quan chức Pháp sau đó, chiếc bàn hội nghị trên đã được dời đi.
Đáng chú ý, thiết kế ghế ngồi lãnh đạo của Tử Quang Các và Hàm Nguyên Điện có điểm khác nhau. Ghế ngồi của Hàm Nguyên Điện được trạm trổ tinh xảo hơn với hình ảnh rồng bay mây lượn còn ghế ngồi ở Tử Quang Các chỉ là ghế sofa màu đỏ sẫm.
Tuy nhiên, chiếc ghế tại Hàm Nguyên Điện cũng không có gì đặc biệt, bởi kiểu thiết kế này được sử dụng phổ biến trong thị trường đồ gỗ Trung Quốc.
Tương tự Hàm Nguyên Điện, Tử Quang Các cũng được trang trí bởi những bức họa lớn. Chính giữa Tử Quang Các là bức điêu khắc mang tên “Giang sơn nhập họa đồ”, khảm cảnh sắc sông núi với hai màu vàng đỏ của một nghệ nhân nổi tiếng Trung Quốc.
Ngoài ra, phía tường Nam Tử Quang Các là bức tranh phong cảnh mang tựa đề “Thuyền nhẹ vượt vạn núi”. Thường trước các hội nghị chính thức, các thành viên tham dự hội nghĩ sẽ đều chụp ảnh lưu niệm trước bức họa này.
Được biết, chưa từng có sự thay đổi của hai bức họa trên sau khi được bày trong Tử Quang Các. Điều này khác với các bức họa trong Hàm Nguyên Điện. Các tác phẩm ở phía tường Tây của Hàm Nguyên Điện từng có nhiều lần điều chỉnh, duy chỉ có bức “Ngàn phong cánh tú, vạn mộc tranh xuân” là bất di bất dịch cho đến thời điểm hiện tại.