Chính phủ Trung Quốc tuyên bố việc xây dựng phi pháp của nước này trên Biển Đông là hoạt động mở rộng một cách “hợp lý”, bao gồm các hệ thống radar trên khắp diện tích 290.000 mét vuông, theo Reuters.
Con số này tương đương so với con số được đưa ra bởi nhóm chuyên gia Hoa Kỳ hồi đầu tháng này.
Trung Quốc đã tiến hành cải tạo mở rộng đất đai trên một số hòn đảo và các rạn san hô mà họ kiểm soát ở Biển Đông, bao gồm việc xây dựng sân bay và trang bị các tài sản quân sự. Bắc Kinh nói rằng hoạt động này nhằm cung cấp các dịch vụ quốc tế như tìm kiếm và cứu hộ, nhưng cũng thừa nhận có mục đích quân sự.
Phán quyết của một tòa án quốc tế năm ngoái đã bác bỏ cơ sở pháp lý của tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc phớt lờ phán quyết này và tiếp tục các hoạt động gây quan ngại đối với các nước láng giềng và Washington.
Reuters cho biết, theo báo cáo mới được đăng tải trên trang mạng của Trung tâm Dữ liệu và Dịch vụ Thông tin Biển quốc gia của Trung Quốc, Bắc Kinh khẳng định họ đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông và mở rộng một cách “hợp lý” diện tích bao phủ trên các hòn đảo.
Báo cáo mới này cũng cho biết Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động tuần tra của quân đội, mà không nêu chi tiết.
Trong khi sự chú ý của các nước trên thế giới tập trung vào cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên trong năm qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục lắp đặt radar tần số cao và các phương tiện khác có thể được sử dụng cho mục đích quân sự trên các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, một tổ chức tư vấn Mỹ cho biết trong tháng này.
Hoạt động của Trung Quốc liên quan đến công trình trên 29 ha của quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, theo báo cáo của Sáng kiến minh bạch Hàng hải Á châu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, Mỹ.
Hàng năm, hơn 5 nghìn tỷ đô la thương mại thế giới được vận chuyển qua Biển Đông. Ngoài Trung Quốc, các bên khác có tuyên bố chủ quyền trong khu vực bao gồm Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan.
Nhiều lãnh đạo hải quân Mỹ phê phán cựu Tổng thống Obama đã không cho phép các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, theo tạp chí Hải quân (Navy Times) của Mỹ. Trong thời gian đó, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự, tạp chí này cho biết.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã thể hiện một số động thái cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông. Tháng 7, ông phê duyệt kế hoạch một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.
Tháng 5, tàu chiến Mỹ đã tiến hành ‘cuộc thao diễn’ trong phạm vi 12 hải lý của hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Động thái này chưa từng xảy ra dưới thời Obama và được cho là một thách thức trực tiếp đến hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại khu vực.