Trung Quốc và Pakistan muốn mở rộng Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan trị giá 57 tỉ USD sang Afghanistan, một phần trong dự án Vành đai và Con đường nối Trung Quốc với Châu Á, Châu Âu và xa hơn nữa – Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết hôm 26.12 tại đối thoại ba bên Trung Quốc – Pakistan – Afghanistan.
Vòng 1 cuộc đối thoại ba bên diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh với sự tham dự của Ngoại trưởng Vương Nghị cùng người đồng cấp Afghanistan Salahuddin Rabbani và Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Muhammad Asif.
Phát biểu sau cuộc họp, ông Vương Nghị nói, Trung Quốc hy vọng hành lang kinh tế có thể mang lại lợi ích cho toàn khu vực và đóng vai trò thúc đẩy phát triển.
Cơ chế đối thoại ba bên được thành lập khi Ngoại trưởng Vương Nghị tới thăm Afghanistan và Pakistan vào tháng 6 vừa qua. Trung Quốc hy vọng cải thiện mối quan hệ Afghanistan – Pakistan trong khi tăng cường hợp tác ba bên thông qua đối thoại.
Quan hệ giữa hai nước này xấu đi trong những năm gần đây sau khi Afghanistan cáo buộc Pakistan ủng hộ các phần tử Taliban, trong khi Pakistan phủ nhận và nhấn mạnh rằng chỉ mong hòa bình và ổn định sẽ đến với Afghanistan.
Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết, Pakistan và Afghanistan đã đồng ý hàn gắn quan hệ căng thẳng.
“Afghanistan đang rất cần phát triển và cải thiện cuộc sống của người dân, nên Trung Quốc và Pakistan sẵn sàng hợp tác với Afghanistan trên cơ sở cùng thắng, dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi, sử dụng những biện pháp thích hợp để mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan sang Afghanistan” – Reuters dẫn lời ông Vương Nghị nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, để đạt được điều đó, ba nước phải từ từ đồng thuận, giải quyết những dự án nhỏ và dễ trước.
Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif cho biết, Pakistan và Trung Quốc là “anh em sắt”, nhưng không đề cập trực tiếp đến triển vọng Afghanistan tham gia hành lang.
“Việc thực hiện thành công các dự án của Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan sẽ là mô hình để tăng cường khả năng kết nối và hợp tác thông qua các dự án tương tự với những nước láng giềng, bao gồm Afghanistan, Iran, Trung Á và Tây Á” – ông Asif nói.
Trung Quốc tìm cách đưa Afghanistan và Pakistan lại gần nhau một phần vì lo ngại sự lan rộng của các phần tử Hồi giáo ở Pakistan và Afghanistan tới vùng Tây Cương bất ổn ở phía tây Trung Quốc.
Trung Quốc thúc đẩy hai nước cải thiện mối quan hệ của họ để có thể giải quyết tốt hơn tình trạng bạo lực ở từng quốc gia, và cũng đã cố gắng kiến tạo các cuộc đàm phán hòa bình với lực lượng Taliban ở Afghanistan để hạn chế ảnh hưởng.