Trung Quốc cho rằng đã mở rộng “hợp lý” các đảo chiếm phi pháp trên Biển Đông nhằm hỗ trợ những hoạt động quốc tế như tìm kiếm, cứu hộ.
Đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm phi pháp, nhìn từ trên cao hồi tháng 4/2017. Ảnh: Reuters.
Báo cáo từ chính quyền Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã tăng cường hiện diện quân sự và mở rộng “hợp lý” các đảo chiếm phi pháp ở Biển Đông, Reuters đưa tin. Báo cáo được đăng trên website của cơ quan thông tin và dữ liệu hàng hải quốc gia Trung Quốc và People’s Daily phiên bản nước ngoài hôm 22/12, xuất hiện trên tờ Global Times hôm nay.
Ngoài cụm từ “radar cỡ lớn”, không rõ số lượng, hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc còn bao gồm các cơ sở lưu trữ ngầm và tòa nhà điều hành. Báo cáo cho biết Trung Quốc tăng cường tuần tra quân sự nhưng không nêu chi tiết.
Theo báo cáo, việc cải tạo “giúp cung cấp các dịch vụ quốc tế như tìm kiếm và cứu nạn”. Các dự án xây dựng năm 2017 diễn ra trên tổng diện tích 290.000 m2, tương đương con số do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Mỹ, đưa ra hồi đầu tháng.
CSIS hôm 14/12 nhận định Trung Quốc tiếp tục bố trí radar tần số cao cùng các cơ sở có thể dùng cho mục đích quân sự trên những đảo nhân tạo nước này xây phi pháp ở Biển Đông, trong bối cảnh châu Á bị cuộc khủng hoảng Triều Tiên thu hút sự chú ý.
Hoạt động của Trung Quốc diễn ra trên diện tích 29 hecta ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, CSIS cho biết. Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoạt động của Trung Quốc tại hai quần đảo này là sự xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền Việt Nam.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các nước láng giềng. Bắc Kinh cải tạo phi pháp các đảo, đá kiểm soát ở Biển Đông, trong đó có xây đường băng, khiến các nước láng giềng trong khu vực và Mỹ quan ngại.
Mỹ đã thực hiện một số cuộc tuần tra tự do hàng hải, áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa trong năm nay, kể cả khi Washington đề nghị Bắc Kinh giúp gây sức ép với Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi Trung Quốc dừng xây dựng đảo và cho rằng việc tiếp tục quân sự hóa là không thể chấp nhận được.