Saturday, December 21, 2024
Trang chủBiển nóngTQ mưu đồ đưa nhà máy điện hạt nhân nổi ra Hoàng...

TQ mưu đồ đưa nhà máy điện hạt nhân nổi ra Hoàng Sa

Truyền thông Trung Quốc hé lộ kế hoạch triển khai nhà máy điện hạt nhân nổi xuống Biển Đông.

Đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của VN đang bị Trung Quốc chiếm đóng và mô hình nhà máy điện hạt nhân nổi (ảnh nhỏ)

Tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mới đây loan tin nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ cung cấp năng lượng ở cái mà Bắc Kinh gọi thành phố Tam Sa, đơn vị hành chính phi pháp được đặt trụ sở ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng. Tờ báo này ngang nhiên cho rằng nhà máy sẽ giúp tăng cường năng lực phòng thủ quân sự ở Biển Đông.

Theo tờ Asia Times, lò phản ứng hạt nhân di động đầu tiên của Trung Quốc đã hoàn tất khâu thử nghiệm cuối cùng hồi tháng 11 và được gắn vào chiếc tàu có thiết kế đặc biệt tại xưởng ở tỉnh Liêu Ninh.

Các chuyên gia cho biết những nhà máy điện hạt nhân nổi này giúp Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch quân sự hóa những đảo chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Bên cạnh đó, những lò phản ứng hạt nhân có thể di chuyển và cung cấp năng lượng cho những giàn khoan mà Trung Quốc sử dụng để khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông. Công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Trung Quốc hồi tháng 8 công bố kế hoạch sản xuất 20 nhà máy điện hạt nhân nổi phục vụ mưu đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Hồi tháng 11, trang thepaper.cn cũng đưa tin một đội nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ đi vào hoạt động trước năm 2020. Ngoài ra, tờ Nhân Dân nhật báo cho hay Trung Quốc sẽ đưa “siêu tàu nạo vét” mới cùng những thiết bị tối tân khác nhằm đẩy mạnh dự án bồi đắp, xây dựng và mở rộng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông trong năm 2018.

Trước đó, tờ Hoàn Cầu thời báo, phụ san của tờ Nhân Dân nhật báo, hôm 25.12 ngang nhiên tuyên bố nước này đã tăng tốc xây dựng và tăng cường sự hiện diện quân sự trên các thực thể ở Biển Đông.

Tờ này dẫn một báo cáo của chính quyền khẳng định trong năm 2017, các dự án xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông có tổng diện tích 29 ha.

Số liệu này tương đối trùng khớp với báo cáo của chương trình Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ). Hình ảnh vệ tinh do AMTI công bố hồi tháng trước cho thấy Trung Quốc tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự phi pháp, bao gồm radar tần số cao, kho vũ khí và hầm chứa tên lửa.

Giữa lúc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông chưa ngã ngũ, Trung Quốc có thể bắt đầu sử dụng các cơ sở quân sự, triển khai thêm nhiều máy bay, tàu chiến và binh sĩ, ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI, cảnh báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới