Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện, nhưng chênh lệch với các nước trong khu vực vẫn tiếp tục gia tăng. Theo đó, năng suất lao động Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 7% Singapore, bằng 87,4% Lào.
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động).
Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011 – 2017 tăng 4,7%/năm.
Cũng theo Tổng cục thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.
Cụ thể, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2011 – 2017 lần lượt là 55,2 triệu đồng/lao động; 63,1 triệu đồng/lao động; 68,7 triệu đồng/lao động; 74,7 triệu đồng/lao động; 79,4 triệu đồng/lao động; 84,5 triệu đồng/lao động; 93,2 triệu đồng/lao động.
Mặc dù vậy, số liệu của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.
Dẫn chứng về vấn đề này, Tổng cục thống kê cho biết, tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philipin và bằng 87,4% của Lào.
Đáng chú ý là, chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.
Theo nguồn số liệu của Ngân hàng thế giới, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016. Tương tự, Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philipin từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD.
Kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng
Theo Tổng cục thống kê, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả, kịp thời của Chính phủ, kinh tế – xã hội nước ta năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu 6,7%, ước đạt 6,81%, cao nhất trong 5 năm qua.
Lý giải về mức tăng khá cao của GDP năm 2017, Tổng cục Thống kê cho biết sự phục hồi đáng kể của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng có mức tăng ấn tượng, cùng với dịch vụ và sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng.
Năm 2017 cũng có đến 26.488 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2017 lên 153.300 doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2017 là 60.553 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm trước, bao gồm 21.684 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,9% và 38.869 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 4,6%.
Tổng cục thống kê cho rằng, năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề quyết định việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi như kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh trong nước ngày càng cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát…, dự báo năm 2018 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thế giới có những thay đổi về chính trị, chính sách thương mại; tình hình biến đổi khí hậu; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 đã được Quốc hội thông qua, trong đó GDP tăng 6,5% – 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7% – 8%…, Tổng cục thống kê cho rằng, các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.
Cùng với đó, tập trung vào điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; Tăng cường kỷ luật tài chính, thực hiện nghiêm các luật thuế, phí và lệ phí; cải cách thủ tục hành chính về thuế …