Thế giới đã bước sang năm 2018. Một câu hỏi lớn được đặt ra: Năm nay quan Bắc Kinh -Washington được xem là mối bang giao “quan trọng nhất thế giới” sẽ theo xu hướng nào ? Bởi mối bang giao này sẽ có những tác động lớn đến các cặp quan hệ khác trên toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong những năm qua phía Mỹ luôn nhấn mạnh quan hệ, Trung – Mỹ là một mối quan hệ “phức tạp mà rộng lớn”. Còn giới cầm quyền Trung Quốc thì cho rằng giữa Trung Quốc và Mỹ có rất nhiều bất đồng, song cũng có nhiều điểm chung. Bởi vậy cần phải nhìn nhận và xử lý mối quan hệ Trung – Mỹ ở tầm chiến lược và xem xét toàn cục.
Mặc dù mối quan hệ Trung – Mỹ rộng lớn và phức tạp, nhưng tình hình cơ bản vẫn được quyết định bởi hai vấn đề lớn: vấn đề Đài Loan và thái độ chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Còn các vấn đề khác như thể chế chính trị, ý thức hệ, nhân quyền, thương mại …. tuy có những ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai nước trong hiện tại và tương lai, nhưng nó không thể chi phối tính chất chiến lược trong quan hệ Trung – Mỹ.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh xác định: trong tương lai, vấn đề Đài Loan là vấn đề lớn nhất đối với an ninh, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Bất kỳ hình thức nào đồng tình, cổ súy, dung túng, ủng hộ và bảo vệ “Đài Loan độc lập” đều là sự thách thức đối với Trung Quốc; là hành động đe doạ và là kẻ thù của Trung Quốc. Trong những năm tới, nếu như Mỹ không từ bỏ sự đồng tình, ủng hộ và bảo vệ “Đài Loan độc lập”, thì khó có thể duy trì được mối quan hệ bình thường và ổn định giữa Trung Quốc và Mỹ.
Mỹ sẽ nhìn nhận và xử lý như thế nào đối với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh là một câu hỏi mang tính thời đại. Cụ thể là, Mỹ có chấp nhận với sức mạnh khi Trung Quốc dần dần đuổi kịp Mỹ. Mỹ có thể chung sống hoà bình với Trung Quốc không?
Đây không phải là vấn đề chỉ từ một phía là Mỹ. Nước này luôn phải xem xét đến chiến lược của Trung Quốc đối với mình như thế nào. Đó là các chiến lược: Trung Quốc không có ý đồ thách thức vị trí và lợi ích của Mỹ trong khu vực châu Á và trên thế giới; Trung Quốc không có lợi ích và ý đồ thay thế Mỹ, chỉ cần Mỹ kiên trì nguyên tắc “một nước Trung Quốc” trong vấn đề Đài Loan, không ủng hộ Đài Loan độc lập và không áp dụng một chiến lược kiềm chế một cách toàn diện chiến lược phát triển lớn mạnh của Trung Quốc.
Thực hiện đúng chiến lược này thì hai nước Trung Quốc và Mỹ trong những năm tới có thể phát triển mối quan hệ hợp tác mang tính xây dựng, thậm chí là mối quan hệ hợp tác hữu nghị.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước lớn chắc chắn vẫn sẽ tồn tại cục diện phức tạp, đan xen giữa nhiều lợi ích chung với những xung đột thực tế có khả năng xảy ra. Vì vậy việc Trung Quốc và Mỹ tìm kiếm sự tin cậy lẫn nhau là vô cùng khó khăn.
Cuối tháng 12/2017, trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới (NSS 2017) được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ đã xác định Trung Quốc là đối thủ. Không còn lạ gì Tổng thống Donald Trump, một con người đầy thực dụng, có nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ cố gắng bằng cách nào đó để “tăng thiện cảm” với Trump. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ chống lại bất cứ nỗ lực nào của Washington nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại hay tìm cách cản trở bước đi của siêu cường thứ hai thế giới này.
Về việc Mỹ kiên quyết rút khỏi TPP, Trung Quốc coi đây là cơ hội thúc đẩy hai sáng kiến hợp tác đa phương là Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) và Khu vực Tự do Thương mại châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), cũng như chiến lược Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Một trong những hạng mục đầu tư ra nước ngoài mà Trung Quốc chú trọng nhất trong thời điểm này là ngành xây dựng và cơ sở hạ tầng. Khi những sáng kiến kết nối hạ tầng được thúc đẩy, Trung Quốc sẽ có cơ hội xuất khẩu xây dựng thị trường, nhằm xuất khẩu nhiều mặt hàng và năng lực được coi là thế mạnh của nước này. “Xuất ngoại” sẽ tiếp tục được coi là phương hướng chủ đạo của Bắc Kinh trong năm 2018.
Cách đây chưa lâu, Tổng thống Mỹ đã liên tục đề cập tới khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017 tổ chức tại Việt Nam. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây là một bước chuyển đáng kể về chiến lược của Mỹ, khi mở rộng chiến lược của mình trong khu vực sang cả Ấn Độ và các nước Nam Á. Nếu Mỹ thành công trong việc hiện thực hóa ý tưởng Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ mang đến những biến động lớn tới cục diện quốc tế thời gian tới.
Có điều khi xem xét những động lực thay đổi ở châu Á – Thái Bình Dương hiện nay, ý tưởng về Ấn Độ – Thái Bình Dương, cùng ý nghĩa chiến lược của nó sẽ khó có thể thành công mà không có một Đối thoại An ninh của “tứ giác kim cương” Mỹ – Ấn – Nhật – Úc. Việc các nước cần làm trong năm 2018 là củng cố và mở rộng hợp tác, xây dựng một “liên minh” vững mạnh, làm nền tảng để xây dựng một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.