Thursday, January 2, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 03/01/2018

Bản tin Biển Đông ngày 03/01/2018

Bản tin Biển Đông ngày 03/01/2018.

Đại sứ Việt Nam kêu gọi Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn ở Biển Đông

Ngày 02/01, The Statesman đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với trang mạng này, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho hay: “Biển Đông không chỉ quan trọng đối với sự phát triển của các nước trong khu vực mà còn với tất cả các quốc gia, trong đó có Ấn Độ vì hoà bình, ổn định ở Biển Đông có vai trò trọng yếu trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Về hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ, Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định đây là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Về quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN, ông cho biết ASEAN đánh giá cao việc Ấn Độ đã thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN và đang đóng vai trò ngày càng lớn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng cũng như thế giới nói chung. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng những động thái gây hấn ở Biển Đông, Việt Nam kêu gọi Ấn Độ và các nước lớn khác cần đóng vai trò tích cực hơn nữa để đảm bảo hoà bình, an ninh và tự do hàng hải, hàng không tại khu vực.

Tình hình yên ổn tại Biển Đông sẽ chỉ là “tạm thời”

Ngày 03/01, The Straits Times đăng bài viết “Tình hình yên ổn tại Biển Đông sẽ chỉ là tạm thời” của nhà báo Emily Rauhala. Tác giả cho biết, hầu hết các chuyên gia nghiên cứu đều lo ngại rằng trong thời gian tới Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các dự án xây dựng dân sự và quân sự dựa trên hệ thống các cơ sở đã được bố trí ở Biển Đông nhằm sớm luân phiên triển khai thường xuyên các máy bay, tàu thuyền của nước này. Các chuyên gia cũng dự đoán rằng, Bắc Kinh có thể tuyên bố “cái gọi là đường cơ sở thẳng” ở Trường Sa nhằm thiết lập vành đai trên thực tế kết nối các điểm xa nhất của “một nhóm đảo”, “có thể bao trùm cả các cấu trúc mà các nước khác đang chiếm đóng”, biến vùng nước bên trong thành “vùng nội thuỷ”, như đã làm cách đây 12 năm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bài viết nói rõ, nếu khả năng này xảy ra, động thái của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm dấy lên sự phản đối của các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có Mỹ. Không những thế, các chuyên gia còn lo ngại rằng sắp tới Bắc Kinh sẽ bắt đầu việc tôn tạo bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới