Sau khi Mỹ vừa mới đây tuyên bố “bắt tận tay” Trung Quốc tiếp dầu giữa biển cho đồng minh Triều Tiên thì báo chí ngày hôm qua (30/12) tiếp tục đưa tin về việc Nga cũng âm thầm cung cấp nhiên liệu cho Bình Nhưỡng bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Nếu thông tin về việc Nga và Trung Quốc tiếp tay cho Triều Tiên được chứng minh là có thật thì có vẻ như Mỹ sẽ phải bất lực trước sự thách thức càng lúc càng cao độ của chính quyền Chủ tịch Kim Jong Un.
Báo chí phương Tây dẫn hai nguồn tin an ninh cấp cao của Tây Âu cho biết, các tàu chở dầu của Nga đã cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên ít nhất 3 lần trong những tháng gần đây, thông qua hoạt động tiếp dầu giữa biển. Động thái này được cho là chẳng khác nào giúp cung cấp “đường sống” cho Triều Tiên – nước đang bị bóp nghẹt bởi các biện pháp trừng phạt ngày càng được siết chặt.
Hoạt động giao dịch tháng 10 và tháng 11 cho thấy, việc Nga cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên diễn ra giữa biển, thông qua việc chuyển hàng từ tàu Nga sang tàu Triều Tiên. Trước đó, hãng tin Reuters từng đưa tin, các tàu của Triều Tiên đi trực tiếp từ Nga về quê hương của họ.
“Các tàu Nga đã có hoạt động vận chuyển dầu mỏ sang tàu của Triều Tiên trong một số lần trong năm nay, vi phạm các biện pháp trừng phạt”, nguồn tin an ninh giấu tên đầu tiên cho biết.
Nguồn tin thứ hai xác nhận có sự tồn tại của những hoạt động vận chuyển nhiên liệu giữa các tàu của Nga với các tàu của Triều Tiên. Tuy nhiên, nguồn tin này cho biết, không có bằng chứng cho thấy chính phủ Nga có liên quan đến các hoạt động giao dịch bất hợp pháp này.
“Không có bằng chứng chứng tỏ chính phủ Nga hậu thuẫn cho hoạt động này nhưng các tàu của Nga đã cung cấp đường sống cho Triều Tiên”, nguồn tin an ninh thứ hai khẳng định.
Hai nguồn tin an ninh nói trên đều dẫn nguồn tin từ tình báo hải quân và các hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu của Nga hoạt động ngoài cảng ở vùng Viễn Đông, trên biển Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Nga và Tổng Cục Hải quan Nga đều từ chối bình luận về thông tin các tàu của nước họ cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên. Chủ của một con tàu Nga bị cáo buộc cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên cũng phủ nhận hành động như vậy.
Nguồn tin an ninh tiết lộ thông tin cho rằng, việc Nga – nước xuất khẩu dẩu mỏ lớn thứ hai thế giới và là một thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bán dầu mỏ cho Triều Tiên là một hành động vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Thông tin mới nhất nói trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với một cáo buộc tương tự.
Trước đó, hồi đầu tuần, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn nguồn tin từ trong nội bộ chính phủ ở Seoul cho biết, các vệ tinh do thám của Mỹ đã phát hiện các tàu của Trung Quốc đang thực hiện hoạt động chuyển dầu mỏ sang các tàu của Triều Tiên ở giữa biển. Ít nhất 30 hoạt động giao dịch như vậy được ghi nhận đã diễn ra kể từ tháng 10.
Nghị quyết 2375 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua hồi tháng 9 đã áp đặt giới hạn xuất khẩu dầu mỏ cho Triều Tiên, theo đó nước này chỉ được nhập khẩu 500.000 thùng xăng dầu mỗi năm, bắt đầu từ tháng 10, đồng thời hạn chế cả hoạt động giao dịch dầu thô với Triều Tiên. Hoạt động chuyển dầu mỏ trực tiếp giữa các tàu cũng bị cấm vì lý do không thống kê được số lượng dầu cung cấp cho Triều Tiên.
Trung Quốc đã phản ứng với cáo buộc nhằm vào họ bằng tuyên bố chắc nịch rằng, họ đang tuân thủ hoàn toàn nghiêm túc nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Triều Tiên dựa vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu để duy trì hoạt động của nền kinh tế. Nước này cũng cần dầu mỏ cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Mỹ lâu nay vẫn đau đầu về việc Triều Tiên tiếp tục “lách các kẽ hở” để có thể thoát các biện pháp trừng phạt. Nếu thực sự Triều Tiên vẫn được Nga và Trung Quốc cung cấp nhiên liệu thì chính sách trừng phạt sẽ không có hiệu quả. Mỹ đang gây sức ép mạnh mẽ để buộc Trung Quốc phải hành động cứng tay với đồng minh Triều Tiên.
Trong khi đó, cho đến thời điểm này, bất chấp những biện pháp trừng phạt dồn dập và ngày càng hà khắc được tung ra, Bình Nhưỡng vẫn thể hiện một thái độ thách thức không điểm dừng. Triều Tiên hôm qua (30/12) tiếp tục tuyên bố, họ sẽ không từ bỏ kế hoạch xây dựng năng lực răn đe hạt nhân, tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự và đạt được mục tiêu sở hữu năng lực tấn công ngăn ngừa.