Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ lôi kéo các nước

TQ lôi kéo các nước

“Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc thậm chí còn đi qua cả những vùng xung đột và quốc gia bị xem là tham nhũng nhất thế giới.

Trung tâm Hợp tác biên giới Horgos Trung Quốc – Kazakhstan tại Horgos Ảnh: REUTERS

Gần 3 năm đã trôi qua tính từ khi Trung Quốc công bố các nguyên tắc, khuôn khổ, ưu tiên hợp tác và cơ chế trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) hồi tháng 3-2015.

Nhà đầu tư e dè

Mục tiêu của BRI là thúc đẩy thương mại toàn cầu bằng cách cải thiện hạ tầng và sự kết nối. Tuy nhiên, thay vì là một mạng lưới các nước hợp tác với nhau trên tinh thần “hai bên cùng thắng” trong một khuôn khổ tập thể, BRI đang dần trở thành “nhân vật đóng thế” đối với “các thỏa thuận song phương với Bắc Kinh”. Chuyên gia Jonathan Hillman, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS, trụ sở ở Mỹ), đánh giá BRI vẫn đơn thuần là một sáng kiến hơn là một chiến lược chặt chẽ bởi nó thiếu sự tập trung, sự kết dính và bản chất của một chiến lược thực sự.

Bất chấp diễn đàn Vành đai và Con đường đầu tiên diễn ra ở Bắc Kinh trong năm ngoái, BRI vẫn mơ hồ và thiếu một khuôn khổ định chế. Một nỗi lo khác là chất lượng nhiều dự án đầu tư của Bắc Kinh trong khuôn khổ BRI. Hồi cuối tháng 10-2017, trang Bloomberg cho biết trong số 67 quốc gia được Trung Quốc nêu tên là đối tác trong BRI, 27 nước có tín nhiệm nợ công được xếp hạng ở mức “rác”. Ngoài ra, 14 nước không được xếp hạng hoặc rút yêu cầu xếp hạng. “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc thậm chí còn đi qua cả vùng xung đột và những quốc gia bị xem là tham nhũng nhất thế giới khiến các nhà đầu tư không khỏi e dè.

Những gì xảy ra ở Horgos – một thành phố mới của Trung Quốc nằm giáp biên giới Kazakhstan – phần nào nêu bật những thách thức BRI đang gặp phải. Bắc Kinh muốn biến thành phố này thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu robot và là một trong những trung tâm quan trọng trong mạng lưới vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ kết nối Trung Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, dù được đầu tư hàng trăm triệu USD, đa số thương nhân trên biên giới của Trung Quốc với Kazakhstan vẫn còn phụ thuộc vào các tuyến hàng hải để nhận hàng hóa nhập khẩu.

Họ nhận xét tiềm năng của khu vực thương mại tự do quốc tế tại biên giới 2 nước bị tác động bởi tình trạng chậm trễ thường xuyên của các chuyến hàng, chi phí cao và những hạn chế về sản phẩm được phép nhập khẩu. Tờ Financial Times nhận định một loạt vấn đề trên, cộng với những khó khăn khác trong khâu vận chuyển hàng hóa qua Trung Á đến châu Âu, cho thấy nền tảng không vững chắc bên dưới kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm tăng ảnh hưởng toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Mở rộng tham vọng

Bất chấp những thách thức trên, Trung Quốc vẫn tìm cách lôi kéo thêm nhiều nước tham gia BRI. Hôm 16-12-2017, Bắc Kinh tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên giữa các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc (Vương Nghị), Afghanistan (Salahuddin Rabbani) và Pakistan (Khawaja Muhammad Asif). Trước đó, hồi tháng 6-2017, các quốc gia trên đã nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại ba bên nhằm tăng cường hợp tác về chính trị, kinh tế và an ninh. Tạp chí The Diplomat nhận định bước đi trên cho thấy Trung Quốc muốn đưa cả Pakistan và Afghanistan vào trong phạm vi ảnh hưởng của mình, thông qua nỗ lực trung gian hòa giải những bất đồng lâu nay giữa 2 nước láng giềng ở Nam Á này.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, thỏa thuận về hợp tác kinh tế đối với Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC, một dự án hàng đầu thuộc BRI) là một thành tựu quan trọng xuất phát từ nỗ lực trên. Trung Quốc tuyên bố CPEC đầy tham vọng không nhằm chống lại Ấn Độ và dự án này sẽ không bị ảnh hưởng và chi phối bởi bất kỳ nước thứ ba nào. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan nhấn mạnh nếu như CPEC được thực hiện thành công, đó có thể là “một khuôn mẫu để tăng cường sự kết nối và hợp tác thông qua các dự án tương tự”.

Hiện Trung Quốc đang đầu tư hơn 50 tỉ USD ở Pakistan để tạo ra hành lang kinh tế nối kết khu vực miền Tây xa xôi với biển Ả Rập. Bộ trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc và Pakistan có ý định bổ sung Afghanistan vào CPEC. “Về lâu dài, thông qua Afghanistan, chúng tôi sẽ dần kết nối CPEC với Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Trung Á và Hành lang Kinh tế Tây Á” – ông Vương tiết lộ.

CPEC hiện đối mặt sự phản đối của Ấn Độ, quốc gia được sự hậu thuẫn của Mỹ, với lý do nó đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp giữa New Delhi và Islamabad. Đáp lại, cố vấn an ninh quốc gia Pakistan Nasser Khan Janjua vào tháng rồi chỉ trích mạnh mẽ Mỹ và Ấn Độ “âm mưu chống lại” CPEC. Phát biểu sau cuộc đối thoại ba bên nói trên, ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng “CPEC không hướng tới bất kỳ bên thứ ba nào nhưng hy vọng sẽ đem lại lợi ích cho toàn khu vực và trở thành động lực quan trọng để hội nhập khu vực”. “CPEC là một dự án hợp tác kinh tế và không nên chính trị hóa” – ông Vương nhấn mạnh.

Sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Pakistan và Afghanistan chắc chắn sẽ thách thức vai trò của Mỹ ở khu vực. Theo trang Bloomberg, cuộc gặp ba bên nói trên còn nêu bật vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc tại các điểm nóng trên toàn cầu giữa lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump đi theo chính sách đối ngoại hướng nội nhiều hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới