Moscow cho biết, các máy bay ném bom và trinh sát của Mỹ “phản ứng một cách đầy lo lắng” khi bị phát hiện bởi các khẩu đội tên lửa phòng không tối tân S-300 của Nga ở chiến trường Syria.
Các phi công của Mỹ được cho là đã bị run khi hệ thống phòng không tối tân S-300V4 của Nga phát hiện ra họ ở khoảng cách 200 đến 300km (125 đến 186 dặm), Trung tướng Alexander Leonov – Tư lệnh Không quân Nga, cho Izvestia biết. Các kiểu máy bay của Mỹ không được nói rõ nhưng Mỹ phái đến chiến trường Syria một số loại máy bay trong đó có F-22, F-15, F-18 và máy bay không người lái.
Theo ông Leonov, hệ thống phòng không S-300V4 đã được triển khai đến chiến trường Syria từ năm 2016 để mở rộng quyền kiểm soát không phận trên bầu trời phía đông Syria cũng như để ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ thù nhằm vào căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hậu cần ở cảng Tartus. Trung tướng Leonov không nói cụ thể những kẻ thù nào mà các khẩu đội tên lửa phòng không của họ được dùng để chống lại. Trên bầu trời Syria hiện có sự hoạt động của máy bay thuộc phe nổi dậy Syria, chiến đấu cơ của Mỹ và Israel ngoài lực lượng của quân đội Syria và Nga.
Những phát biểu trên của ông Leonov được đưa ra sau khi tờ New York Times hồi tháng trước đưa tin những chiếc chiến đấu cơ đỉnh cao F-22 của Mỹ gần như suýt giao chiến với máy bay tấn công Su-24 của Nga đang tấn công phe nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn ở chiến trường Syria. Điều thú vị là, báo chí Nga sau đó cũng ám chỉ các phi công của Mỹ như trẻ con: những chiến đấu cơ F-22 được cho là đã quay đuôi và bỏ chạy về không phận Iraq sau khi bị chặn đầu bởi “một chiếc tiêm kích đa năng Su-35S”, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Ông Leonov cũng ca ngợi tính ưu việt của hệ thống phòng không của Nga. “Kể từ năm 2014, biến thể mới nhất của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-300V4 – biến thể có tầm xa nhất trong lớp tên lửa này, đã được đưa vào biên chế”, Trung tướng Nga cho hay. Tên lửa S-300V4 được nâng cấp đã trở nên nguy hiểm hơn với các tên lửa đạn đạo và máy bay.
S-300 được xem là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất thế giới hiện nay. Nó đã chứng minh được năng lực của mình không chỉ về mặt quân sự mà cả về mặt chính trị. Ví dụ như S-300 từng trở thành vũ khí răn đe đáng sợ ở Syria năm 2012. Khi đó, Washington đã quyết định không tấn công lực lượng của Damascus bởi vì quân đội Syria có trong tay một số khẩu đội tên lửa phòng không S-300. Theo Zvezda, người Mỹ không muốn thấy S-300 xung trận.
Các hệ thống S-300 được dàn ra trên lãnh thổ Syria chắc chắn sẽ tạo ra một khu vực cấm bay đối với những chiếc chiến đấu cơ F-16 và F/A-18 trên bầu trời lãnh thổ nước này. Trong khi đó, những chiếc B-2 và F-22 thiện chiến hơn cũng chỉ có thể hoạt động một cách hạn chế trong một thời gian nhất định ở những khu vực được bảo vệ bởi S-300 bởi hệ thống tên lửa phòng không này có thể thay đổi vị trí lắp đặt của nó trong vòng vài giờ.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi, có khả năng phá hủy tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương. Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.
S-300 ban đầu được thiết kế nhằm mục đích giúp Nga đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù. Khi lần đầu tiên được Liên Xô triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa được rất nhiều nước thèm muốn bởi nó là thứ vũ khí hiệu quả hàng đầu trong việc bảo vệ các vùng trời.
Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa hàng trăm km, độ cao lớn.
S-300 được trang bị nhiều loại ra-đa tối tân, bao gồm đài ra-đa trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, ra-đa trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, ra-đa điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với ra-đa dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng. Hệ thống S-300 có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 – báu vật của Không lực Mỹ cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.