Giới phân tích cho rằng, Mỹ phải thận trọng khi Triều Tiên “chìa cành ô liu” với Seoul, cụ thể là sẵn sàng tham gia Thế vận hội Mùa đông tại Hàn Quốc và mở lại các kênh đối thoại.
Các binh sĩ Triều Tiên xem pháo hoa mừng vụ phóng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa vào tháng 7/2017 (Ảnh: AP)
Ngày 3/1, Triều Tiên thông báo sẽ mở lại đường dây liên lạc liên Triều vốn bị ngừng hoạt động từ năm 2016, để có thể tiến hành các cuộc đàm phán theo đề nghị trước đó một ngày từ phía Hàn Quốc về việc tổ chức đối thoại cấp cao tại khu vực an ninh chung Bàn Môn Điếm ngày 9/1 tới.
Chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức lên tiếng hoan nghênh quyết định của Bình Nhưỡng. Nhà Xanh gọi đây là bước đi “có ý nghĩa rất quan trọng” hướng tới đối thoại trực tiếp và thường xuyên trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Ankit Panda – biên tập viên cấp cao của tạp chí Diplomat – đánh giá thông điệp hòa dịu mà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra trong thông điệp năm mới hôm 1/1 có thể khiến Mỹ phải lo lắng.
Phân tích trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ông Panda cho rằng bài phát biểu đầu năm 2018 của ông Kim nhằm chia rẽ nước Mỹ với các đồng minh.
Bất chấp việc phải hứng chịu tới 3 vòng trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, năm 2017 là một năm thành công của ông Kim Jong-un.
Ông không chỉ chứng kiến Bình Nhưỡng phóng thành công hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới là Hwasong-14 và Hwasong-15, đặt toàn bộ nước Mỹ vào tầm bắn tên lửa của Triều Tiên, mà còn thử bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh nhất, kể từ khi Trung Quốc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất vào năm 1992.
Trong thông điệp năm mới, ông Kim tuyên bố lực lượng hạt nhân của Triều Tiên “đã hoàn thành”, đồng thời khẳng định nước này sở hữu sức mạnh răn đe có khả năng đối phó hiệu quả với cuộc tấn công không thể tưởng tượng từ phía Mỹ. Ông Kim nói “nút hạt nhân luôn ở trên bàn làm việc” của mình.
Ông Kim Jong-un có nghiêm túc trong tiếp cận ngoại giao với Hàn Quốc?
Theo ông Panda, không nghi ngờ gì rằng ông Kim có những kế hoạch khác về một cuộc tấn công hạt nhân, nhưng phát biểu của lãnh đạo Triều Tiên cần phải được đánh giá một cách nghiêm túc. Các quan chức cũng như các chiến lược gia của Mỹ có thể đang “đau đầu” về khả năng bị Triều Tiên tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Trong khi những lời kêu gọi tấn công phủ đầu Triều Tiên tiếp tục lan rộng tại Mỹ, nguy cơ bất ổn vẫn còn ở mức rất cao. Bất kỳ xung đột nào với Triều Tiên hiện nay đều sẽ trở thành cuộc chiến hạt nhân. Ngay cả khi Mỹ tấn công trước, Triều Tiên sẽ tấn công các mục tiêu tại Hàn Quốc và Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân, gây thiệt hai lớn hơn nhiều so với những tác động có thể từ pháo binh của họ nhằm vào Seoul.
Trong khi hoạt động ngoại giao không đặc biệt sôi động trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2017 do hoạt động thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng diễn ra liên tục trong năm, ông Kim đã quyết định chìa “cành ô liu” với Hàn Quốc ngay đầu năm 2018.
Những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018, giới quan sát khu vực lo ngại cho Thế vận hội Mùa đông- tổ chức tại thị trấn nghỉ dưỡng Pyeongchang, cách khu phi quân sự liên Triều khoảng 50 dặm và sẽ mở màn trong hơn 1 tháng nữa.
Với khoảng thời gian ít ỏi còn lại, ông Kim Jong-un không chỉ “nghiêm túc” chúc Hàn Quốc tổ chức sự kiện này thành công với tư cách là nước chủ nhà, mà còn khẳng định rằng Triều Tiên sẵn sàng cử đoàn đại biểu tham dự Thế vận hội.
“Bởi chúng ta là những người cùng dòng máu, sẽ là tự nhiên khi chúng ta chia sẻ niềm vui của họ về sự kiện tốt lành này và giúp đỡ họ,” ông Kim phát biểu.
Ông Panda tin rằng thiện chí và cách tiếp cận mới bất ngờ của Triều Tiên đối với Hàn Quốc sẽ đi kèm những điều kiện nhất định. Nếu các cuộc đàm phán liên Triều diễn ra ở bất cứ mức độ có ý nghĩa nào trong những ngày tới, yêu cầu chính của Triều Tiên có thể là liên quan đến các cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc mang tên “Giải pháp Then chốt” và “Đại bàng Non”.
“Họ (Hàn Quốc) nên ngừng tất cả các cuộc tập trận chiến tranh hạt nhân mà họ đang tiến hành với lực lượng bên ngoài, vì những cuộc tập trận này sẽ khiến vùng đất này bị nhấn chìm trong biển lửa và dẫn đến đổ máu trên lãnh thổ thiêng liêng của chúng ta,” ông Kim cho biết khi đề cập đến các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn.
Hàn Quốc đã yêu cầu Mỹ đồng thuận trì hoãn hoạt động tập trận năm 2018 cho đến khi Thế vận hội cho người khuyết tật (Paralympic) kết thúc vào tháng 3. Tuy nhiên, lâu nay Seoul vẫn coi những cuộc tập trận kiểu này là sự tập dượt đề phòng chiến tranh. Trong bối cảnh khả năng tên lửa của Triều Tiên đặt ra thách thức chưa từng có tiền lệ đối với liên minh, Hàn Quốc không thể chấp nhận các yêu cầu của Bình Nhưỡng.
Dù vậy, bài phát biểu nhân dịp Năm mới của ông Kim Jong-un mở ra một con đường lạc quan phía trước trong quan hệ liên Triều.
Mỹ cần bảo vệ liên minh
Quyết định của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với Triều Tiên sẽ bị ràng buộc bởi những mối lo ngại trong khu vực và những yêu cầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng Seoul sẽ nghiêm túc cân nhắc lời kêu gọi của ông Kim Jong-un rằng hai miền nên “làm việc cùng nhau để xoa dịu căng thẳng quân sự gay gắt”.
Năm 2018 đã bắt đầu nhưng tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng bấp bênh. Triều Tiên đã dành năm 2017 để “khoe” khả năng hạt nhân tối tân và ngày càng đáng tin cậy. Trong năm 2018, ngay cả khi các lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục giáng vào Bình Nhưỡng, quyết tâm đi theo con đường này của Triều Tiên có lẽ vẫn không thay đổi.
“Cành ô liu” liên Triều có thể là nội dung quan trọng nhất trong bài phát biểu của ông Kim Jong-un. Nó hàm chứa mục tiêu lâu nay của Triều Tiên tại khu vực Đông Bắc Á, đó là chia rẽ Mỹ và các đồng minh khu vực, với mục đích cuối cùng là phá vỡ liên minh của Washington.
Chỉ có thời gian mới cho thấy tác dụng từ nước cờ này của ông Kim, nhưng tác giả Ankit Panda cảnh báo các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần thận trọng để đảm bảo rằng “một nỗ lực đánh lạc hướng (từ phía Triều Tiên” trong chính sách hòa giải không làm cho liên minh Mỹ-Hàn tồn tại lâu nay rơi vào tình trạng hỗn loạn.