Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐàm luậnTư duy mới trong chính sách của TQ đối với Đài Loan

Tư duy mới trong chính sách của TQ đối với Đài Loan

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở ra thời đại mới bằng việc xác lập địa vị lịch sử cho Tập Cận Bình. Theo đó, vấn đề hai bờ Eo biển Đài Loan được định vị thế nào trong kế hoạch vĩ đại “Tương lai tươi đẹp phục hưng dân tộc Trung Hoa”? Trung Quốc Đại lục (Đại Lục) liệu có đưa ra chính sách mới đối với Đài Loan tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân vào đầu tháng 3/2018, để phá vỡ trạng thái “hòa bình lạnh” của quan hệ hai bờ kể từ khi Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến lên nắm quyền tại Đài Loan từ tháng 5/2016 đến nay?

Đại Lục liệu có đưa ra khái niệm mới “Tập x x” mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn so với chủ trương 8 điểm của Giang Trạch Dân về quan hệ hai bờ và phương châm chính sách 6 điểm đối với Đài Loan do Hồ Cẩm Đào đưa ra trước đây, để khái quát phương hướng chính sách đối với Đài Loan trong thời kỳ mới? Tất cả những vấn đề này đang được dư luận trong và ngoài Trung Quốc hết sức quan tâm.

Trên thực tế, quan sát 5 năm quachúng ta thấy Đại Lục đã điều chỉnh tư duy và chính sách đối với Đài Loan theo hướng “chủ nghĩa thực lực”. 

Đặc trưng chủ yếu nổi trội trong giai đoạn hiện nay của “chủ nghĩa thực lực” được vận dụng trong quan hệ đối ngoại là dựa vào sức mạnh kinh tế hùng hậu để gây ảnh hưởng đến chích sách ngoại giao của nước khác, biểu hiện rõ nhất là dùng phương thức trừng phạt để đối phó với hành vi ngoại giao “không nghe lời”. Điều đáng chú ý là sự thay đổi lớn của “chủ nghĩa thực lực” hiện nay không chỉ vận dụng trong quan hệ đối ngoại, mà còn vận dụng trong chính sách đối với Đài Loan. Hầu hết các nhà phân tích chiến lược Trung Quốc đều dự báo “chủ nghĩa thực lực” sẽ là tư duy mới trong chính sách đối với Đài Loan của Đại Lục trong thời đại Tập Cận Bình và điều này ngày càng thể hiện rõ ràng hơn sau Đại hội XIX.

Trước đây, Đại lục vẫn lấy “Mặt trận thống nhất” làm trục chính để lôi kéo người dân Đài Loan. Nhưng khi Đài Loan xảy ra “Phong trào học sinh Hoa Thái Dương” (tháng 3/2014), thế hệ trẻ vô cảm với Trung Quốc đã nổi lên với hiện tượng “độc lập tự nhiên”, dẫn đến Quốc Dân đảng vốn có quan hệ tốt với Đại Lục đã thất bại trong cuộc bầu cử “9 trong 1” (tức là cử tri bầu ra 9 chức danh khác nhau trong ban lãnh đạo địa phương các cấp hồi tháng 11/2014). Đồng thời, sau khi Quốc Dân đảng mất đi chính quyền và địa vị chủ đạo tại Quốc hội Đài Loan trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan và Quốc hội khóa mới hồi tháng 1/2016, cơ quan nghiên cứu chính sách của Đại Lục đối với Đài Loan bắt đầu kiểm điểm và điều chỉnh tư duy đã định “gửi gắm hi vọng vào nhân dân Đài Loan”. Đứng trước tình hình thay đổi với việc đảng Dân Tiến quay trở lại nắm quyền, chiến lược đối với Đài Loan “hai bờ hòa bình phát triển” được duy trì từ thời Hồ Cẩm Đào đã chấm dứt, thay vào đó là chiến lược mới “hai bờ hòa nhập phát triển” phản ánh “chủ nghĩa thực lực”.

“Hai bờ hòa nhập phát triển” là tư duy mới được sản sinh từ kinh nghiệm giao lưu với thương nhân Đài Loan của Tập Cận Bình trong suốt 17 năm khi còn công tác tại Phúc Kiến. Khái niệm này xuất hiện lần đầu tiên là tại cuộc tọa đàm vào ngày 1/11/2014, khi thị sát Tập đoàn khoa học công nghệ Thần Hồng do Đài Loan đầu tư tại Phúc Kiến, Tập Cận Bình nói: “Đồng bào hai bờ cùng nguồn gốc, cùng tổ tiên, cùng dòng máu, văn hóa tương thông, không có lý do gì để không cùng bắt tay phát triển, hòa nhập phát triển”. Sau đó, Tập Cận Bình đã gặp gỡ hai cựu chủ tịch Quốc Dân đảng là Chu Lập Luân và Hồng Tú Trụ, trực tiếp trình bày khái niệm mới này, đặc biệt đã đưa ra ý kiến 6 điểm với Hồng Tụ Trụ. Trong đó, Tập Cận Bình đã trình bày cụ thể, toàn diện đối với điểm 3 trong ý kiến 6 điểm của mình, tức là “thúc đẩy kinh tế xã hội hai bờ hòa nhập phát triển”. Đến lúc này khái niệm “hai bờ hòa nhập phát triển” của Tập Cận Bình chính thức hình thành. 

Trong bài nói chuyện của mình, Tập Cận Bình đã làm nổi bật nội dung hai điểm lớn của “hòa nhập”. Một là hòa nhập về kinh tế giữa hai bờ và hai là hòa nhập giữa nhân dân hai bờ, trong đó gồm cả sự hòa nhập của thế hệ trẻ hai bờ. Bản chất của nó là lấy thực lực kinh tế hùng hậu của Đại Lục làm hậu thuẫn, thông qua hòa nhập kinh tế và thương mại, thúc đẩy kinh tế hai bờ đi theo hướng nhất thể hóa, đồng thời thông qua sự hòa nhập giữa nhân dân hai bờ, thúc đẩy thống nhất người dân hai bờ, để đạt được mục đích cuối cùng là hai bờ đi theo hướng thống nhất thực sự. Đây chính là đặc trưng mới trong thời đại Tập Cận Bình.

Trong thời gian tới, chính sách đối với Đài Loan của Đại Lục lấy “chủ nghĩa thực lực” làm đặc trưng sẽ được thúc đẩy như thế nào?. Trước hết là trên phương diện “kinh tế hai bờ nhất thể hóa”, Đại Lục sẽ tiếp tục thông qua chính sách đơn phương ưu đãi đối với Đài Loan để thúc đẩy kinh tế hai bờ từng bước hòa nhập. Đối với Đại Lục vốn có thực lực kinh tế ngày càng tăng, chính sách này sẽ dễ dàng được thực hiện, và Hong kong là một hình mẫu tốt nhất. Trước khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, các hoạt động trao đổi thương mại giữa các công ty của Hong Kong và Đại Lục chỉ tập trung ở một vài doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đại Lục và có quan hệ đặc thù với Đại Lục. Thế nhưng, giờ đây tuyệt đại đa số nghiệp vụ của các công ty Hong Kong đều có quan hệ nhất định với Đại Lục. Nhất thể hóa kinh tế giữa Hong Kong với Đại Lục đã sớm được hình thành một cách tự nhiên. 

Đối với Đài Loan, việc hòa nhập giữa nhân dân hai bờ là một mục tiêu không dễ thực hiện. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIX của Tập Cận Bình có đề cập đến chính sách cung cấp “đãi ngộ quốc dân” cho người Đài Loan từng bước sẽ bình đẳng với đồng bào Đại Lục về học tập, lập nghiệp, việc làm và đời sống”. Nhưng làm thế nào để mở rộng vấn đề “đãi ngộ quốc dân” đến người Đài Loan cho dù họ không cư trú tại Đại Lục? nhiều nội dung trong đó bao gồm cả tính khả thi trong việc cấp cho cư dân Đài Loan chứng minh thư công dân Trung Quốc đều đã được đưa vào phạm vi nghiên cứu chính sách của Đại Lục đối với Đài Loan. 

Không chỉ vậy, với tư duy “chủ nghĩa thực lực”, cách làm đối với Đài Loan của Đại Lục cũng đã thoát khỏi khuôn khổ mô hình cũ trước đây, đồng thời vượt xa phạm vi tưởng tượng của phía Đài Loan. Chẳng hạn gần đây, Chính quyền Thái Anh Văn của Đài Loan đã thúc đẩy cải cách chi tiêu công hàng năm, gây ra sự bất bình của quân nhân, công chức, giáo viên – vốn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tình hình chính trị Đài Loan, và là thế lực khá thân với Quốc Dân đảng. Trước hiện tượng này, nhiều chuyên gia tham mưu của Đại Lục đang nghiên cứu làm thế nào lôi kéo nhóm người chiếm số đông này, trong đó gồm cả vấn đề liên quan đến cơ chế bổ sung phần thiếu hụt thu nhập của tầng lớp quân nhân, công nhân, giáo viên do cải cách chi tiêu công hàng năm tạo ra. Họ ước tính khoản chi bổ sung mỗi năm khoảng 10 tỷ đài tệ (khoảng 2,2 tỷ nhân dân tệ). Trong khi đó, lợi nhuận hàng năm của một công ty lớn của Đại Lục đã trên 2,2 tỷ nhân dân tệ. Đương nhiên, một trong những điều kiện để tiếp nhận khoản phúc lợi này có thể sẽ là ký kết văn bản đồng ý “thừa nhận một Trung Quốc, ủng hộ tổ quốc thống nhất”, và văn bản này có thể bị hủy bỏ nếu một trong những nội dung của nó bị vi phạm. 

Cho dù có ý tưởng như vậy, khi thực hiện không phải là dễ dàng. Bởi ngoài việc bảo đảm có nguồn tài chính ổn định để cơ chế này vận hành lâu dài, còn liên quan đến cảm nhận quan niệm của dân chúng Đài Loan cũng như biện pháp đối phó có thể có của Chính quyền Đài Loan. Vì thế, không những cần khắc phục vấn đề kỹ thuật phức tạp trong thao tác, mà còn cần phải có luận chứng hoàn hảo, tranh thủ một cách có hiệu quả sự ủng hộ của các nhóm quân nhân, công nhân, giáo viên. 

Các chuyên gia về vấn đề Đài Loan của Đại Lục cho rằng trong thời đại mới của Tập Cận Bình trong 5 – 10 năm tới, công tác “Mặt trận thống nhất” lấy “đoàn kết” làm yêu cầu trước đây với hiệu quả không rõ ràng sẽ không còn là trục chính trong chính sách của Đại Lục đối với Đài Loan, thay vào đó là “chủ nghĩa thực lực”, nhưng “Mặt trận thống nhất” mềm dẻo sẽ vẫn tiếp tục duy trì chức năng hỗ trợ. 

Đánh giá tổng hợp bản chất của “chủ nghĩa thực lực”, với tư duy này, chính sách đối với Đài Loan của Đại Lục, nhất là bộ phận chính sách hòa nhập nhân dân hai bờ sẽ bộc lộ hai đặc điểm. Một là lấy thực lực kinh tế hùng hậu của Đại Lục làm hậu thuẫn, lấy lợi ích thực tế làm “mồi nhử”, trực tiếp thu hút dân chúng Đài Loan dần hội nhập xã hội và hệ thống hành chính của Đại Lục. Hai là trong hành động cụ thể để nhân dân Đài Loan hòa nhập hệ thống Đại Lục, sẽ không phân biệt sự thừa nhận quốc gia vốn có của họ là như thế nào, cũng như liệu họ có ủng hộ sự thống nhất hay không, mà chỉ cần họ tuân thủ trình tự hành chính và chấp nhận điều kiện tuyên bố “ủng hộ sự thống nhất” sẽ đều được tiếp nhận. 

Hiển nhiên, trong thời đại “Trung Quốc trỗi dậy”, sức mạnh kinh tế của Đại Lục sẽ tạo ra cho Bắc Kinh nhiều không gian để có tư duy mới và thao tác mới trong chính sách đối với Đài Loan. Không thể phủ nhận, “chủ nghĩa thực lực” sẽ có sức hấp dẫn nhất định. Tuy nhiên chính sách “chủ nghĩa thực lực” đối với Đài Loan lấy lợi ích kinh tế làm trục chính cần có sự phối hợp mới có thể mở ra cục diện mới tốt đẹp hòa bình lâu dài giữa hai bờ

RELATED ARTICLES

Tin mới