Chúng tôi xin lược dịch bài tổng hợp với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga quen thuộc Ilia Polonski.
Bài viết về công trình nghiên cứu của các chuyên gia Trường đại học tổng hợp Uppsala Thụy Điển để bạn đọc tham khảo. Các ảnh trong bài là của tác giả I.Polonski . Bài đăng trên “Bình luận quân sự”(Nga) ngày 7/12/2017.
“Trường đại học tổng hợp Uppsala- trường đại học lâu đời nhất không chỉ của riêng Thụy Điển mà còn của toàn bộ vùng Scandinavia được thành lập từ năm 1477.
Carl Linnaeus (Nhà thực vật học, bác sỹ kiêm nhà động vật học người Thụy Điển), Anders Celsius (Nhà thiên văn học người Thụy Điển. giáo sư thiên văn học tại Đại học Uppsala), nhà khoa học Johan Valerius – tất cả họ đã từng học hoặc làm việc tại Trường đại học tổng hợp Uppsala.
Hiện nay, Trường có một trường phái nghiên cứu khoa học xã hội- nhân văn rất uy tín, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị học và khoa học về xung đột.
Cách đây không lâu, các nhà nghiên cứu xung đột của Uppsala đã đưa ra dự báo về các tâm điểm (điểm nóng) có thể làm bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ ba. Theo những phân tích của các chuyên gia trường Uppsala, hiện nay trên thế giới có 5 điểm nóng chủ yếu như vậy.
Thế giới hiện đại đang thay đổi rất nhanh chóng. Đó không chỉ là các thay đổi liên quan đến cuộc cách mạng công nghệ quy mô lớn chưa từng thấy. Mà những thay đổi đó còn được thể hiện ở việc “các trung tâm quyền lực” mới đang tăng sức mạnh chính trị và kinh tế của mình ở quy mô toàn cầu. Cụ thể, trong thập kỷ gần đây tiềm lực kinh tế của nhiều quốc gia Châu Á tăng rất nhanh.
Bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều nét tương đồng với thời kỳ giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới trước đây. Vào khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến, sau thất bại của Đức và Áo- Hung, nước Anh bị chiến tranh làm kiệt quệ và và nước Pháp dần mất đi sự hùng mạnh vốn có của mình.
Đã xuất hiện một đối thủ mạnh của hai nước trên – đó là Mỹ, Mỹ đã củng cố được ảnh hưởng của mình, đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai và đã biến thành cường quốc mạnh nhất trong thế giới hai cực.
Vào nửa đầu của thế kỷ XX, Phương Tây đã ngăn chặn thành công tham vọng trở thành một siêu cường và ý đồ gia tăng ảnh hưởng trên toàn bộ khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của Nhật Bản.
Tiếp theo, trong toàn bộ nửa sau thế kỷ XX, thế giới sống trong tình trạng đối đầu giữa hai hệ tư tưởng và chính trị. Cuối cùng, Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa cộng sản thoái trào ở các nước Đông Âu XHCN cũng như tại phần lớn các nước Châu Á và Châu Phi có định hướng thân Xô Viết.
Trong những năm 1990, Mỹ coi mình là một “Ông chủ thế giới”, là “Sen đầm quốc tế” thực sự. Liên minh Châu Âu tuy vẫn được mệnh danh là “Trung tâm sức mạnh” thứ hai sau Mỹ nhưng “Bà già Châu Âu” đã suy yếu nhiều, ngày càng đánh mất vị thế của mình.
Trong khi đó, Trung Quốc phát triển rất nhanh. Trong thời gian không xa nữa, ngay cả Mỹ cũng có thể không cạnh tranh được với Trung Quốc và vấn đề ở đây không chỉ ở quy mô dân số (Dân sốTrung Quốc hơn Mỹ mấy lần), mà còn ở những điểm khác biệt của nền kinh tế.
Ngoài Trung Quốc ra thì Ấn Độ – quốc gia có dân số tỷ người này cũng đang nỗ lực gia cường sức mạnh thông qua tăng trưởng kinh tế và nước này hoàn toàn có cơ hội để tìm kiếm một vai trò quan trọng hơn trên bản đồ chính trị thế giới trong tương lai.
Thế giới hiện đại đã không thể tiếp tục tồn tại theo các quy tắc hình thành sau Thế chiến thứ hai. Tại sao Ấn Độ với dân số một tỷ người và nền kinh tế phát triển năng động lại không được xếp vào hàng “các cường quốc thế giới”, trong khi có những nước nhỏ hơn so với Ấn Độ như Pháp hoăc Đức lại vẫn là “các cường quốc ”?
Trên thế giới hiện nay có 3 “trung tâm quyền lực”.
Thứ nhất- đó là Mỹ, nước này tuy vẫn đối mặt với một số vấn đề nội bộ nghiêm trọng, nhưng vẫn giữ vai trò hàng đầu thế giới cả về chính trị lẫn kinh tế.
Nền kinh tế Mỹ đảm bảo hơn 24% GDP thế giới, đồng đôla vẫn là đồng ngoại tệ thế giới chủ yếu, những đối thủ của đồng đôla hiện vẫn chưa thể cạnh tranh được với nó về quy mô ảnh hưởng.
Nước Mỹ có một quân đội mạnh và điều quan trọng hơn cả- Mỹ có nguồn lực tài chính không hạn chế cho phép nước này áp đặt quan điểm của mình đối với phần lớn các nước trên thế giới.
Ở những nơi Mỹ chưa thực sự tự tin vào vị thế của mình, họ tích cực sử dụng “đội quân thứ năm”, tổ chức các cuộc đảo chính, nổi dậy, cách mạng và nội chiến (Nam Tư, Libya, Sirya, Ucraine và v.v là các ví dụ).
Mỹ tìm cách vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu những đối thủ hiện có và đối thủ tiềm tàng của mình bằng nhiều công nghệ khác nhau, đồng thời tập hợp xung quanh mình rất nhiều vệ tinh.
Ví dụ, tại Châu Âu hiện tại có hàng loạt các nước là thành viên của EU có thể được xếp vào hàng ngũ “ đối tác đàn em” của Mỹ. Trong số đó có: Ba lan, Lithuani, Latvia, Estonia, còn ngoài phạm vi EU- đó là Ucraine.
Tích cực vận dụng hệ tư tưởng “dân chủ”, Mỹ sẵn sàng hợp tác với tất cả những lực lượng có lợi cho Mỹ, bất kể bản chất thực của chế độ đó là như thế nào.
Chúng ta đã thấy, Mỹ coi Gaddafi hoặc Miloshevich là các nhà độc tài, trong khi đó lại tìm mọi cách hỗ trợ các quốc vương phong kiến các nước Vùng Vịnh Persich, – những nơi vẫn duy trì các chế độ thời Trung cổ và có những vi phạm quyền con người.
Liên minh Châu Âu có thể được xếp là “Trung tâm sức mạnh” thứ hai, nhưng trên thực tế vị thế của tổ chức xuyên quốc gia này đang lung lay. Đồng Euro dù mạnh nhưng ít phổ biến và không có phạm vị ảnh hưởng bằng đồng đôla.
Giữa các nước bên trong khối có rất nhiều mẫu thuẫn, trong số đó có những mâu thuẫn về chính sách nhập cư, về phát triển kinh tế Châu Âu, về quan hệ với Nga và với Mỹ.
Mặc dù vậy, nền kinh tế các nước EU vẫn làm ra 25% GDP toàn cầu- thậm chí còn lớn hơn cả Mỹ. Nhưng nếu như vị thế kinh tế của EU là không tồi, thì với tư cách là một “khối sức mạnh”, EU kém cả Mỹ lẫn Nga.
Trung Quốc- đó là đối thủ cạnh tranh thực sự của Mỹ trong thế giới hiện đại. GDP Trung Quốc chiếm 14,9% GDP thế giới. Như vậy là rất nhiều, đặc biệt nếu tính tới việc nền kinh tế nước này phát triển với tốc độ nhanh và trong tương lai gần có thể đuổi kịp nền kinh tế Mỹ.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không hề úp mở khi nói về tham vọng lãnh đạo thế giới của mình. Giới lãnh đạo ĐCS Trung Quốc hy vọng sẽ biến CHNDTH thành một siêu cường lãnh đạo thế giới.
Để có thể thắng trong cuộc đối đầu với Mỹ, Trung Quốc tập trung thực hiện phương châm khuếch trương ảnh hưởng của mình để nó tác động lên càng nhiều nước trên thế giới càng tốt, ảnh hường càng mạnh càng tốt.
Một bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược đó của Trung Quốc là nước này rất “năng nổ” thâm nhập vào kinh tế rất nhiều quốc gia Châu Phi, từ những đồng minh truyền thống như Zambabwe đến Gana. Cụ thể, để khai thác các mỏ boxit của Gana, Trung Quốc sẵn sàng đầu tư tới 10 tỷ đôla.
Trung Quốc cũng dự định đầu tư vào kinh tế Nigeria 40 tỷ đôla (Trung Quốc đã đầu tư vào các dự án ở nước này 22 tỷ đôla). Gana và Nigeria- đó chỉ là các ví dụ riêng rẽ về sự hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Châu Phi và sự hợp tác này đang có xu hướng tăng rất mạnh.
Ngoài lục địa Châu Phi, nơi mà Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt với Mỹ, Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng lên Liên minh Châu Âu.
Vào một thời điểm nào đó, hợp tác với Trung Quốc có thể sẽ là một nhu cầu đối với Châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh (các nước Châu Âu) phải cạnh tranh với Mỹ. Trung Quốc cũng có những mối quan hệ đặc biệt với Nga.
Hiện nay Matxcova không có lối thoát nào khác, ngoài việc phải theo định hướng tiếp tục phát triển mối quan hệ Nga- Trung.
Mặc dù tất cả mọi người (ở Nga) đều hiểu một cách quá rõ là Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Viễn Đông và Sibiri, nhưng không chỉ nguồn tài nguyên nguyên liệu, mà quan trọng hơn- đó là nguồn tài nguyên lãnh thổ của Nga, bởi vì Trung Quốc cần lãnh thổ để bành trướng không gian ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình.
Chính sự gia tăng ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc có thể trở thành nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Chiến tranh thế giới lần thứ ba. Lý do – dĩ nhiên, Mỹ cực kỳ không muốn để thế giới tuột khỏi tay mình cũng như nước Anh đã từng không chịu chia sẻ ảnh hưởng của mình với nước Đức.
Không phải ngẫu nhiên mà 5 điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ làm bùng nổ Chiến tranh thế giới mà các nhà nghiên cứu xung đột Thụy Điển chỉ ra đều nằm ngay cạnh biên giới Trung Quốc và ở mức độ này hay mức độ khác đều có quan hệ đến các lợi ích của Trung Quốc. Chúng ta hãy xem xét 5 điểm nóng nói trên một cách chi tiết hơn.
1. Bán đảo Triều Tiên
Lịch sử đối đầu giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCNDTT) và Cộng hòa Triều Tiên(CHTT) bắt đầu từ cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950 trong một thế giới hai cực. Nhưng chủ nghĩa cộng sản từ lâu đã không còn là mối đe dọa đối với Mỹ.
Chính vì vậy mà có thể thấy rất rõ là hiện nay “vấn đề Triều Tiên” luôn được Washington liên tục “hâm nóng” không phải vì những mục đích ý thức hệ, mà đó là những tính toán xuất phát từ những mục tiêu rất cụ thể của Mỹ – đó là làm suy yếu Trung Quốc và cùng với đó, làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh về kinh tế với Mỹ như CHTT và Nhật Bản (chính các nước này sẽ là những nước đầu tiên hứng chịu đòn tấn công từ CHDCNDTT nếu xảy ra chiến tranh).
Trong trường hợp đó, Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc xung đột ngay bên cạnh biên giới của mình. Để bào chữa cho mình về mặt tư tưởng, Mỹ sẽ tiếp tục khai thác câu chuyện hoang đường về cuộc đấu tranh với kẻ “độc tài tàn bạo” Kim Chính Ân, còn khi đã xảy ra xung đột, Mỹ có thể sử dụng lực lượng vũ trang của nhiều đồng minh Mỹ, ví dụ như CHTT và Nhật Bản.
2. Biển Đông
Như đã biết, trong những năm gần đây (và đặc biệt là từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền) Trung Quốc ráo riết tìm mọi cách độc chiếm toàn bộ Biển Đông, bằng cách luôn nhấn mạnh những quyền lịch sử của mình.
Bành trướng, củng cố ảnh hưởng của mình trên Biển Đông- đó là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc và chiến lược này nằm trong tổng thể các kế hoạch phát triển về phía Đông của Bắc Kinh – đến tận các khu vực lãnh thổ (đảo) của Mỹ trên Thái Bình Dương và hướng bành trướng về phía Tây – đến tận bờ biển phía Đông Châu Phi.
Trung Quốc đòi kiểm soát cả khu vực (Biển Đông), nơi có tới 40% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trên thế giới đi qua.
Dĩ nhiên, những chiến lược và kế hoạch đó (của Bắc Kinh) không thể không làm cho các nước láng giềng gần nhất của Trung Quốc lo ngại.
Nhật Bản, Cộng hòa Triều Tiên (Hàn Quốc), Đài Loan, Việt Nam- đấy là những nước sẽ chịu tổn thất nhiều nhất nếu các kế hoạch bá quyền của Trung Quốc được thực hiện. (….)
3. Quần đảo Spratly
Quần đảo Trường Sa và Quần đảo Hoàng sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) ở Đông Nam Á- thêm một “điểm đau đầu” nữa của thế giới hiện đại.
Trung Quốc ngang ngược đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các đảo này và coi chúng là lãnh thổ của mình.
Quần đảo Trường Sa tuy nhỏ nhưng có một ý nghĩa chiến lược rất quan trọng và chính điều đó đã giải thích lý do tại sao lại có tới 6 quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này – Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Malaixia, Philippines và Bruney (xếp theo mức độ hiện diện trên quần đảo).
Trên 45 hòn đảo có sự hiện diện quân sự của Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Malaixia và Philippines, trong khi đó thì Bruney- có lẽ do hiểu được sự vô vọng của những yêu sách lãnh thổ của mình nên chỉ dừng ở việc đánh bắt cá ở phía Nam Quần đảo.
Năm 1988, các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc và Việt Nam đã đụng độ nhau ở khu vực Trường Sa, tuy nhiên sau đó xung đột đã được “dập lửa”.
Nhưng hiện giờ xung đột lại có nguy cơ xảy ra và nó cũng được Washington quan tâm với tính toán là nó sẽ làm Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác suy yếu.
4. Biên giới Ấn Độ- Trung Quốc
Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ luôn là mối quan hệ căng thẳng. Sự hiện diện của đường biên giới thẳng giữa hai cường quốc chỉ càng làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn.
Từ trước đến nay Ấn Độ vẫn ủng hộ những người theo Đạo Phật ở Tây Tạng, và cố gắng không để TrungQuốc tăng cường ảnh hưởng của mình ở Nepal và Butan, trong khi đó, Trung Quốc hỗ trợ kẻ thù truyền thống của Ấn Độ là Pakistan.
Chính Trung Quốc là thế lực đứng đằng sau các nhóm nổi dậy Maoist đang hoạt động từ hàng chục năm nay ở nhiều bang của Ấn Độ, đặc biệt là các bang ở phía Bắc và Đông Bắc Ấn Độ.
Lẽ dĩ nhiên, Trung Quốc cũng kiểm soát các phần tử Maoist ở Nepal. Ấn Độ có những yêu sách đối với Trung Quốc, nhưng điều quan trọng nhất đối với Ấn Độ – đó là tham vọng làm thay đổi căn bản vị thế của mình trên chính trường quốc tế. Mỹ sẽ tận dụng tình thế này và đã thể hiện sự ủng hộ toàn diện đối với Ấn Độ.
Theo quan điểm của Mỹ thì để đối đầu với Trung Quốc, Ấn Độ là sự lựa chọn lý tưởng- bởi vì Ấn Độ có nguồn lực về con người gần tương đương với Trung Quốc, trong khi đó lại chưa thể là đối thủ cạnh tranh về kinh tế với Mỹ.
Xung đột Ấn- Trung có thể bùng phát vì vùng Siliguri- “cái cổ gà”, một vùng đất nhỏ nằm ở khu vực tiếp giáp Ấn Độ, Trung Quốc và Butan.
Tháng 6/2017, Trung Quốc triển khai làm con đường lên cao nguyên Doklam qua khu vực lãnh thổ tranh chấp giữa nước này với Butan. Dĩ nhiên, Butan đã yêu cầu Ấn Độ hỗ trợ.
5. Biên giới Ấn Độ- Pakistan
Pakistan- là một quốc gia có dân số đông, quân đội mạnh nhưng kinh tế yếu. Từ cuối những năm 1940, Pakistan đã ở trong tình trạng xung đột thường xuyên với Ấn Độ và tình trạng xung đột đã nhiều lần leo thang thành chiến tranh Ấn Độ- Pakistan.
Trong khi đó thì suốt trong nhiều năm liền Pakistan luôn là đồng minh quan trọng và đáng tin cậy của Mỹ ở Nam Á.
Kích hoạt một cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan cũng có thể có lợi cho Mỹ khi hiện thực hóa chiến lược làm suy yếu nước Trung Quốc láng giềng.
Bởi vì Trung Quốc không thể “bình chân như vại” trước một cuộc chiến giữa hai quốc gia láng giềng lớn nhất của mình, hơn nữa, tiếp theo, sau khi căng thẳng trên biên giới Ấn Độ- Pakistan gia tăng, Mỹ sẽ tiếp lửa bằng cách “châm ngòi” bạo loạn tại khu vực mất ổn định Tân Cương- Duy Ngô Nhĩ (của Trung Quốc).
Như đã biết, Tân Cương là vùng đất có nhiều người theo Đạo Hồi sinh sống- những người Duy Ngô Nhĩ theo Đạo Hồi ở khu vực này không hề có sự gắn kết nào về sắc tộc, về văn hóa với Trung Quốc,- họ có mối quan hệ sắc tộc, văn hóa bền chặt với khu vực Trung Á lân cận.