Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBán đảo Triều Tiên từ nóng rực chuyển mát, vì sao?

Bán đảo Triều Tiên từ nóng rực chuyển mát, vì sao?

Đàm phán liên Triều được dàn xếp trong chưa tới 10 ngày liệu có đột phá? Và sức ép cứng rắn của Mỹ với Triều Tiên có mang lại kết quả?

Cuộc đàm phán đầy bất ngờ và được kỳ vọng có đột phá.

Cuộc đàm phán liên Triều dự kiến bắt đầu lúc 10 giờ ngày 9/1 (theo giờ địa phương) tại tòa nhà Hòa Bình, thuộc làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjeom). Đây là thời gian đã được nhất trí giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Cuộc đàm phán liên Triều đầu tiên trong 2 năm qua được dàn xếp chỉ trong chưa đến 10 ngày đầu tiên của năm mới 2018.

Sau một năm căng thẳng leo thang tột độ trên Bán đảo Triều Tiên sau liên tiếp các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, cùng với đó là các hoạt động diễn tập quân sự chung Mỹ-Hàn, thì bước sang năm 2018, tình hình bất ngờ chuyển hướng hạ nhiệt. Triều Tiên đã đồng ý ngồi vào bàn đàm phán theo đề xuất của Hàn Quốc vài giờ sau khi Mỹ-Hàn tuyên bố hoãn các cuộc tập trận chung trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông trong tháng tới, thời điểm Triều Tiên dự kiến cử các vận động viên tham gia.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon, trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc cho biết, tại cuộc đàm phán ngày mai (9/1), phía Hàn Quốc sẽ tìm cách thảo luận các cách thức làm dịu căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu với báo giới ngày 8/1, Bộ trưởng Cho Myoung-gyon nêu rõ, cuộc đàm phán cơ bản sẽ tập trung vào Thế vận hội Olympic. Khi thảo luận mối quan hệ liên Triều, phía Hàn Quốc sẽ nêu vấn đề các gia đình bị ly tán do chiến tranh, cũng như cách thức làm dịu tình trạng căng thẳng quân sự.

Trong khi đó, Triều Tiên lặng lẽ chuẩn bị cho cuộc đàm phán, được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cải thiện quan hệ liên Triều. Danh sách phái đoàn đàm phán 5 thành viên được Triều Tiên gửi cho phía Hàn Quốc 48 giờ trước khi đàm phán diễn ra. Tất cả những thông tin đàm phán đều do phía Hàn Quốc công bố, trong khi Triều Tiên đến nay vẫn chưa có bất cứ thông báo chính thức nào.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phái đoàn của Triều Tiên sẽ do ông Ri Son-gwon, Chủ tịch Ủy ban thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRK) – cơ quan chuyên trách quan hệ liên Triều – làm trưởng đoàn, cùng với 4 thành viên khác, trong đó có một quan chức cấp cao của Bộ Thể thao là Won Kil-u. 

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết sau cuộc đàm phán cấp cao, hai bên cần tiếp tục tiến hành các cuộc thảo luận ở cấp chuyên gia.

Các nỗ lực hòa giải giữa 2 miền Triều Tiên cũng đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump nhất trí lùi thời điểm tập trận chung Mỹ – Hàn theo đề nghị của người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in.

Triều Tiên sẽ là thách thức lớn nhất với chính sách đối ngoại 2018 của Mỹ.

Không chỉ đồng ý hoãn tập trận chung với Hàn Quốc. Ông chủ Nhà Trắng Donald Trump cũng bày tỏ hy vọng đàm phán liên Triều sẽ đạt kết quả.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng ở Trại David, bang Maryland, về khả năng nói chuyện với ông Kim qua điện thoại, Tổng thống Mỹ hôm 7/1 nói rằng: “Tôi luôn tin vào đàm phán”. Ông cũng khẳng định “hoàn toàn không có vấn đề gì với chuyện đó”, nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ đối thoại vô điều kiện.

Tuyên bố trên của ông Trump hoàn toàn khác với các phát biểu thường khá khiêu khích của ông về Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong năm qua.

Có thể thấy năm 2017, tỷ lệ thuận với căng thẳng đỉnh điểm trên Bán đảo Triều Tiên là mối quan hệ Mỹ-Triều không phút giây nào hạ nhiệt, đặc biệt là màn “khẩu chiến chưa từng thấy” giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Triều. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố, nếu bị đe dọa, Mỹ sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên. Đáp lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định chính những lời đe dọa của Tổng thống Mỹ khiến ông tin rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên là “đúng đắn”.

Trong bối cảnh hai miền Triều Tiên vừa nhất trí tiến hành cuộc đàm phán chính thức đầu tiên trong hơn 2 năm qua, ông Trump cũng hy vọng hai bên sẽ thảo luận nhiều vấn đề hơn, ngoài việc chuẩn bị cho đoàn thể thao của Bình Nhưỡng tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang vào tháng 2 tới. Ông cũng cho biết Mỹ sẽ có thể tham gia “vào thời điểm thích hợp”. Ông nói: “Nếu các cuộc đàm phán đạt một kết quả nào đó, thì sẽ tốt cho toàn nhân loại”.

Tuy nhiên, giới phân tích Mỹ nhìn nhận rằng dù Triều Tiên có thiện chí đàm phán với Hàn Quốc, song điều này không có nghĩa Triều Tiên sẽ dễ dàng và nhanh chóng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Nhà phân tích Darrell West, thuộc Viện Brookings có trụ sở tại Washington, cho rằng Triều Tiên sẽ là thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại 2018 của chính quyền Tổng thống Trump.

“Tổng thống Trump đã nói rõ lập trường không chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và việc hạn chế Triều Tiên thử tên lửa. Năm 2018 này sẽ là thời điểm ông Trump đưa ra quyết định nếu giải pháp ngoại giao không đạt được đột phá”, ông Darrell West nói.

Thực tế, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley và Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo trong phát biểu mới nhất hôm 7/1 cho rằng lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump đối với Triều Tiên đang cho kết quả, giúp đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Trong đó, ông Pompeo khẳng định Washington quyết tâm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thông qua biện pháp ngoại giao, song cũng sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết.

Theo ông Pompeo, chính sách của Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao sẽ được duy trì nhất quán dưới thời Tổng thống Trump. Song, Tổng thống Trump cũng sẵn sàng làm những việc cần thiết để đảm bảo rằng người dân ở Los Angeles, Denver và New York không phải chịu những rủi ro từ việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

RELATED ARTICLES

Tin mới