Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngBiển Đông 2018: TQ sẽ lấn lướt thêm tại Trường Sa

Biển Đông 2018: TQ sẽ lấn lướt thêm tại Trường Sa

Những ngày đầu năm luôn là dịp để đưa ra những dự phóng cho năm vừa mở ra. Đáng chú ý nhất có lẽ là phần nhận định của chuyên san The Diplomat, trong số tháng Giêng 2018, đã mời một loạt chuyên gia nêu bật những gì cần chú ý trong năm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn không hổ danh là điểm nóng của thế giới trong năm 2017 do tình hình bán đảo Triều Tiên. Vấn đề hạt nhân, tên lửa Bắc Triều Tiên dĩ nhiên rất được The Diplomat coi trọng, nhưng một phân tích đáng chú ý khác là hồ sơ tranh chấp Biển Đông, nơi mà Trung Quốc được cho là sẽ bành trướng mạnh hơn là năm 2017.

Nhà chứa máy bay được Trung Quốc xây trên đá Vành Khăn (Mischief Reef) trong quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 22/07/2016.

The Diplomat tuy nhiên nói rõ là phân tích của các chuyên gia không phải là những dự báo về những gì sẽ xẩy ra trong 12 tháng tới đây, mà chỉ là việc xác định những xu hướng căn bản do các quan sát viên tinh tế về từng khu vực ghi nhận.

Riêng về Biển Đông, chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington đã nhận xét chung là năm 2018 này sẽ là năm mà Trung Quốc củng cố và có thể là mở rộng thêm quyền kiểm soát, trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp vẫn tiếp diễn.

Theo bà Glaser, sau một năm tương đối tĩnh lặng, Biển Đông sẽ có thể căng thẳng trở lại do việc những yêu cầu tự kềm chế và không quân sự hoá không được chú ý đầy đủ. Điều đó sẽ làm cho những nỗ lực ngoại giao không mang lại kết quả đáng kể nào.

Đối đầu Mỹ-Trung trên Biển Đông : Kịch bản 2017 tái diễn

Trong năm 2018, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục kịch bản của nửa cuối năm 2017.

Điều đó có nghĩa là Hải Quân Mỹ sẽ tiếp tục thách thức các « yêu sách hàng hải quá đáng » của Trung Quốc ở Biển Đông, bằng cách tiến hành các chiến dịch bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển một cách thường xuyên – khoảng từ sáu đến tám tuần một lần – và luân phiên giữa hai khu vực Trường Sa và Hoàng Sa. Còn Trung Quốc thì tiếp tục phái chiến đấu cơ và chiến hạm ra đối phó, nhưng sẽ tuân thủ thỏa thuận song phương Mỹ-Trung về các « Quy Tắc Ứng Xử An Toàn » trên không và trên biển, để tránh xung đột quân sự với lực lượng Mỹ.

Một điểm mới trong năm 2018 cần theo dõi là hoạt động của nhóm « Bộ Tứ – Quad », bao gồm bốn quốc gia Úc, Nhật, Ấn và Mỹ. Nếu nhóm này quyết tâm đẩy mạnh hợp tác, thì trong năm 2018, người ta có thể chứng kiến một cuộc tập trận hải quân chung của bốn nước tại vùng biển quốc tế với mục tiêu thực thi quyền tự do hàng hải.

Về phần Trung Quốc, rất có khả năng là nước này sẽ triển khai những chiếc phi cơ quân sự đầu tiên trên một hoặc nhiều tiền đồn mới xây dựng ở Trường Sa – Vành Khăn, Chữ Thập hay Xu Bi. Điều này có thể được tiến hành dưới dạng một cuộc tập trận, hoặc một kế hoạch luân phiên triển khai ngắn hạn, tương tự như điều Bắc Kinh đã làm ở quần đảo Hoàng Sa.

Bộ Quốc Phòng và Ngoại Giao Trung Quốc chắc chắn sẽ lại nhấn mạnh các ý định hòa bình của Bắc Kinh, đồng thời bảo vệ quyền của Trung Quốc trong việc triển khai những phương tiện phòng thủ ngay trên lãnh thổ của họ. Thế nhưng các hành động đó sẽ gây nên những mối lo ngại trong khu vực.

Vẽ đường cơ sở thẳng quanh các đảo ở Trường Sa

Trên bình diện pháp lý, chuyên gia Bonnie Glaser còn cho rằng « Một khả năng hợp lý là Trung Quốc sẽ thiết lập các điểm cơ sở và các đường cơ sở thẳng chung quanh các rạn san hô và đảo nhỏ ở Trường Sa vào năm 2018 ». Bắc Kinh sẽ chọn thời điểm thích hợp sau khi cân nhắc khả năng phản ứng của các nước tranh chấp khác và của Hoa Kỳ.

Nếu Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng quanh các thực thể mà họ kiểm soát, có thể họ sẽ tuyên bố vùng biển bên trong các đường cơ sở là nội thủy, cấm nước khác tự ý xâm nhập. Bắc Kinh từng khẳng định rằng họ có quyền thực hiện hành động này trong một tuyên bố chính thức ban hành sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye vào tháng 7 năm 2016, phủ nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Việc xác định điểm cơ sở và thành lập đường cơ sở, có thể mở đường cho việc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Trường Sa, gây thêm căng thẳng trong khu vực.

Hoa Kỳ cùng một số đồng minh, và ít nhất một vài nước có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông có thể sẽ lên án nghiêm khắc hành động nói trên của Trung Quốc, xem đấy là một hành vi bất hợp pháp theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Hải Quân Mỹ chắc chắn sẽ thách thức yêu sách về nội thủy của Trung Quốc trong các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải.

Mặc dù việc Bắc Kinh cho hạ thủy một chiếc tàu nạo vét khổng lồ vào cuối năm 2017 đã làm dấy lên quan ngại về khả năng Trung Quốc bồi đắp bãi cạn Scarborough, chuyên gia Glaser cho rằng Bắc Kinh sẽ không thực hiện bước này ngày nào mà quan hệ của họ với Manila vẫn bình lặng. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc có ý định tạo ra một hòn đảo nhân tạo khác ở bãi Scarborough Shoal chắc chắn sẽ bị Mỹ phản đối mạnh như đã từng xảy ra vào mùa xuân năm 2016.

RELATED ARTICLES

Tin mới