Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ liên Triều hồi phục "chớp nhoáng": Đầu rất xuôi, liệu...

Quan hệ liên Triều hồi phục “chớp nhoáng”: Đầu rất xuôi, liệu đuôi có lọt?

Những bước nối lại quan hệ dù đã diễn ra tốt đẹp nhưng mối quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên vẫn còn nhiều trở ngại, nhất là sự can thiệp của các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.

Ông Ri Son Gwon (phải), Trưởng đoàn đại biểu Triều Tiên bắt tay người đồng cấp Hàn Quốc Cho Myoung Gyong tại Bàn Môn Điếm ngày 9/1. Ảnh: Reuters

Kết quả khả quan bước đầu

Những cuộc trao đổi đầu tiên ở lần nối lại tiếp xúc và đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã đưa đến một số kết quả ban đầu thật đáng khích lệ.

Triều Tiên sẽ không chỉ có đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông năm nay tổ chức ở Pyeongchang mà còn đề nghị gửi cả cổ động viên, nhóm nghệ sỹ và vận động viên Taekwondo sang trình diễn ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, phía Hàn Quốc tính chuyện nới lỏng một số biện pháp cấm vận và trừng phạt Bình Nhưỡng để vận động viên của nước này có thể tham gia thi đấu ở Thế vận hội.

Cũng theo phía Hàn Quốc, kênh liên lạc bằng điện thoại giữa quân đội hai nước sẽ được khôi phục trong ngày 10/1.

Seoul cũng đề nghị quân đội hai bên tiến hành trao đổi để giảm căng thẳng trên bán đảo và đề nghị Triều Tiên khởi động lại chương trình tổ chức cho thân nhân những gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh, cho phép họ gặp nhau hoặc tái hợp.

Trong thời gian ngắn, thậm chí cả rất ngắn, mà hai bên đạt được những kết quả cụ thể như thế thì không tích cực và đáng kể sao được.

Trước đó, Hàn Quốc và thế giới bên ngoài đều không nghĩ rằng Triều Tiên và Hàn Quốc bất ngờ đi vào hoà dịu, lại càng không thể tin rằng hai bên nhanh chóng có được thoả thuận với nhau.

Những thoả thuận nói trên chưa thể đủ để lần giảm căng thẳng này không bị đảo ngược và cũng chưa thể đủ để tạo nên chuyển biến cơ bản trong mối quan hệ giữa hai nước. Nhưng có thể nói, đây là sự khởi đầu suôn sẻ.

Có thể nói là hiện đầu đã xuôi và chỉ còn cần, cũng như chờ đuôi sẽ lọt.

Sự nhất trí cần thiết

Nếu nhìn vào mục đích và lợi ích của cả hai nước ở lần hoà dịu này thì sẽ thấy là cả hai phía buộc phải nhất trí với nhau.

Đối thoại liên Triều mà không đạt kết quả thì Triều Tiên sẽ không thể có được tiếp xúc và đối thoại với Mỹ, bất kể với hay không với điều kiện tiên quyết.

Phía Mỹ và rất nhiều đối tác bên ngoài khác nữa đang theo dõi hành xử của Triều Tiên trong đàm phán với Hàn Quốc để điều chỉnh hoặc hoạch định chính sách của họ đối với Bình Nhưỡng.

Phía Hàn Quốc cũng rất muốn duy trì kênh tiếp xúc và đối thoại song phương với Triều Tiên. Vì thế, hai bên chỉ tập trung vào những chủ đề nội dung với khả năng đồng thuận cao nhất, khôi phục và tiếp tục những gì vốn đã được hai bên thoả thuận nhưng đang thực thi dang dở.

Hai nước làm như vậy để khả năng thành công cao nhất và rủi ro thất bại thấp nhất.

Do đó, chuyện chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như quan hệ của Triều Tiên với các đối tác có tác động trực tiếp tới Hàn Quốc không nằm trên chương trình nghị sự lần này.

Hàn Quốc không đặt chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thành vấn đề cần đàm phán vì ý thức được rằng, việc giải quyết vấn đề này không còn là chuyện song phương nữa.

Ngược lại, Triều Tiên càng không sẵn sàng trao đổi với Hàn Quốc về chuyện hạt nhân vì nước này mặc định rằng các đối tác phải công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân mới, phải đàm phán với Triều Tiên trên nền tảng ấy về các vấn đề khác.

Đối với Bình Nhường, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên không phải chuyện để đem ra đàm phán với các nước khác.

Hàn Quốc cần kết quả cụ thể để níu kéo và giữ chân Triều Tiên trong kênh tiếp xúc và đối thoại song phương.

Qua đó, Hàn Quốc sẽ gây dựng và duy trì được vai trò riêng đáng kể trong quá trình cùng các đối tác bên ngoài liên quan trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, không để các đối tác này muốn làm gì thì làm và càng không để họ xử lý vấn đề này trên đầu mình.

Triều Tiên cần kết quả cụ thể để phán rẽ Hàn Quốc với các đối tác kia đã đành, nhưng cũng còn để chứng minh cho thế giới bên ngoài thấy rằng thiện chí đối thoại của mình là thật và chẳng hạn, nếu rồi đây đàm phán với Mỹ không ra đâu vào đâu thì trách nhiệm ở phía Mỹ chứ không phải ở phía Triều Tiên.

Vì mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc không thể biệt lập với ý đồ và lợi ích chiến lược của Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản nên hai quốc gia bán đảo dẫu có được khởi đầu suôn sẻ thì cũng chưa thể khẳng định phần kết cũng sẽ được như vậy bởi còn phụ thuộc cả vào bốn nước kia nữa.

RELATED ARTICLES

Tin mới