Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiXóa sổ thỏa thuận hạt nhân, Mỹ tự đẩy Iran "ngã vào...

Xóa sổ thỏa thuận hạt nhân, Mỹ tự đẩy Iran “ngã vào lòng” TQ

Nếu Mỹ quyết định xóa sổ thỏa thuận hạt nhân, Iran sẽ chuyển sang dùng đồng nhân dân tệ trong các hợp đồng mua bán dầu mỏ. Nói cách khác, đồng tiền Trung Quốc sẽ vươn lên tầm cao mới trên thị trường quốc tế.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rouhani bắt tay nhau trong một cuộc họp hồi năm ngoái.

Hôm 9/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay vào ngày 12/1 tới, Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra quyết định có hay không xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân được ký kết với Iran vào năm 2015.

“Chúng ta sẽ chờ đợi quyết định vào ngày 12/1 tới. Các cuộc thảo luận về vấn đề này đang diễn ra”, Business Insider dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Steve Goldstein.

Trước khi đưa ra kết luận cuối cùng, ông Trump sẽ gặp gỡ Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tại Nhà Trắng để thảo luận về thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Việc Mỹ xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ kéo theo quyết định áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Tehran. Hành động này sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Còn theo các nhà phân tích, quyết định xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ đẩy cán cân sức mạnh kinh tế toàn cầu từ phía Mỹ chuyển sang Trung Quốc.

Nói cách khác, khi Mỹ cố tình đẩy Iran ra khỏi thị trường quốc tế, Iran sẽ buộc phải tìm giải pháp chống đỡ. Hoạt động buôn bán dầu mỏ trên thế giới sử dụng đồng USD để giao dịch nên trước đây, Bộ Tài chính Mỹ hoàn toàn có thể giới hạn khả năng tiếp cận hệ thống tài chính của Iran với toàn cầu. Điều này đã gây khó cho Iran trong hoạt động buôn bán dầu mỏ trước năm 2015 cũng như khiến Iran bị dư thừa hàng triệu thùng dầu mỗi ngày.

Nhưng giờ Mỹ đang ở thế “một thân một mình” cô lập Iran. Cụ thể, chính quyền của Tổng thống Trump sẽ không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong chiến dịch nối lại các lệnh trừng phạt chống lại Iran.

Cách đây vài tháng, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs từng dự đoán các hành động đơn phương của Mỹ có thể gây ảnh hưởng tới doanh thu từ hàng trăm ngàn thùng dầu mỗi ngày của Iran. Nhưng nếu như Mỹ không nhận được sự đồng thuận cùng trừng phạt Tehran từ phía cộng đồng quốc tế, tầm ảnh hưởng từ hành động của Mỹ sẽ không thể ngang bằng với quá khứ.

Còn theo một số nhà phân tích, động thái của Mỹ sẽ khiến Iran bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ trong các hợp đồng mua bán dầu mỏ thay vì dùng đồng USD.

“Tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran có thể khiến Tehran chuyển sang dùng đồng nhân dân tệ từ ngày 18/1 tới. Hành động này sẽ làm thay đổi đế chế buôn bán dầu mỏ vốn sử dụng đồng USD trong suốt nhiều năm qua”, ông Bjarne Schieldrop, nhà phân tích tại SEB chia sẻ.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch liên quan tới dầu mỏ trong tương lai nhằm đối chọi với ưu thế của đồng USD trên thị trường quốc tế.

“Việc Mỹ đơn phương trừng phạt Iran sẽ đẩy Tehran vào cảnh sử dụng đồng nhân dân tệ trong các hợp đồng mua bán dầu mỏ. Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ động thái này”, ông Schieldrop nhấn mạnh, một khi càng có nhiều hợp đồng mua bán dầu mỏ sử dụng đồng nhân dân tệ, đồng tiền của Trung Quốc sẽ ngày càng được công nhận là đồng tiền toàn cầu và nâng vị thế cạnh tranh mạnh.

“Việc thế chân đồng USD không phải là chuyện một sớm một chiều bởi đồng USD vẫn đang là đồng tiền dự trữ toàn cầu và được dùng phổ biến nhất trong các thỏa thuận mua bán dầu thô. Song sự xuất hiện của đồng nhân dân tệ sẽ là tín hiệu xấu cho đồng USD cũng như phá vỡ thế độc tôn của đồng USD trong thị trường mua bán dầu thô hiện nay”, ông Schieldrop nói thêm, việc đồng USD mất giá cũng sẽ kéo theo giá dầu tăng.

Trong khi đó, mới đây, Nga sẽ phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ trị giá khoảng 6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 900 triệu USD) vào năm 2018. Động thái này một lần nữa khẳng định sự trỗi dậy của đồng nhân dân tệ và được xem là một dòng tiền đứng đầu thế giới.

Song nhiều nhà đầu tư lại tỏ ra lo ngại trước việc đồng nhân dân tệ bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát sẽ làm ngăn cản một số lợi ích của nhà đầu tư. Do đó, việc chuyển đổi từ dùng đồng USD sang nhân dân tệ sẽ phải mất vài năm. Nhưng không thể phủ nhận, việc đồng nhân dân tệ được sử dụng trong các hợp đồng mua bán dầu mỏ trên thế giới đã chứng minh “ngày tàn” của đồng USD không còn xa.

Nói cách khác, dù ông Trump có nỗ lực hiện thực hóa khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, hành động cô lập Iran sẽ tạo ra những tác động tiêu cực cũng như đẩy quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 trong khối OPEC chuyển sang dùng đồng nhân dân tệ. Hành động này sẽ tạo động lực để đồng tiền của Trung Quốc lên một tầm cao mới trên thị trường quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới