Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHy vọng mới cho tương lai hai miền Triều Tiên

Hy vọng mới cho tương lai hai miền Triều Tiên

Thế giới hoan nghênh cuộc gặp gỡ hai miền Triều Tiên và hy vọng hai bên sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để tiến tới thúc đẩy một tương lai tốt đẹp.

Năm 2018 bắt đầu với những động thái bất ngờ và tích cực trong mối quan hệ giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, và rất có thể sẽ tác động mạnh mẽ tới cả cục diện tình hình chính trị, an ninh ở khu vực Đông Bắc Á trong thời gian tới.

Khi tinh thần dân tộc được khơi dậy

Hai năm qua Triều Tiên và Hàn Quốc cắt đứt mọi kênh đối thoại vì những căng thẳng leo thang xung quanh chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Có những thời điểm tưởng chừng như cuộc chiến tranh nam – bắc Triều có thể lại nổ ra bất cứ lúc nào.

Thế nhưng, trong thông điệp đầu năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ thể hiện thiện chí muốn cải thiện mối quan hệ với Hàn Quốc.

Ông tuyên bố sẵn sàng cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018, đồng thời khẳng định luôn mở rộng cánh cửa đối thoại với Seoul.

Ngay sau đó, Hàn Quốc đã có những phản ứng tích cực khi hoan nghênh thiện chí này của Bình Nhưỡng, đồng thời đề xuất sớm tiến hành một cuộc hội đàm cấp cao giữa hai miền Triều Tiên.

Những động thái trên của hai bên đã cho thấy chủ ý của cả Bình Nhưỡng và Seoul về mong muốn có được một tiến trình hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền nam – bắc Triều đã lùi xa hơn 60 năm.

Trong từng ấy thời gian, người dân hai miền Triều Tiên đã chịu quá nhiều đau khổ, mất mát, chia ly, mà đến nay vẫn chưa thể khắc phục được.

Vì lẽ đó, mà khát vọng về một nền hòa bình, hòa hợp dân tộc trên bán đảo Triều Tiên đang cháy bỏng và thôi thúc người dân hai miền hơn lúc nào hết.

Chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng được cho là nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng trên bán đảo.

Thế nhưng người Triều Tiên vẫn luôn khẳng định, chương trình phát triển vũ khí của họ chỉ là để tự vệ và không nhắm vào người anh em Hàn Quốc.

Ngay trong cuộc hội đàm cấp cao giữa hai miền Triều Tiên hôm 9/1 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Hàn Quốc), ông Ri Son-gwon, trưởng phái đoàn Triều Tiên đã khẳng định:

“Tất cả vũ khí như bom nguyên tử, bom nhiệt hạch và các tên lửa đạn đạo chỉ nhắm vào Hoa Kỳ, không phải vào những người anh em của chúng tôi, Trung Quốc hay Nga”.

Trưởng đoàn đàm phán 2 miền Triều Tiên gặp nhau ngày 9/1 tại Bàn Môn Điếm, ảnh: Yonhap News.

Bên cạnh đó, người dân Hàn Quốc cũng đang ngày càng ủng hộ “Chính sách Ánh dương” – đã bị gián đoạn từ năm 2008.

Chính sách này nhằm tiến tới cải thiện quan hệ với Triều Tiên, khi mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in đã chủ trương khôi phục lại nó ngay từ quá trình vận động tranh cử.

Chính yếu tố quan trọng này đã giúp ông đắc cử để trở thành vị Tổng thống thứ 12 của Hàn Quốc.

Có thể nói, những diễn biến bất ngờ và đầy tích cực vừa qua trong mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có xuất phát điểm từ tinh thần dân tộc.

Tinh thần ấy trên bán đảo này đã được khơi dậy đúng lúc sau những căng thẳng tưởng chừng không lối thoát;

Lãnh đạo hai nước đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để tiến tới cuộc hội đàm cấp cao nhằm mở ra hy vọng về một chương mới trong quan hệ liên Triều.

Những kết quả hội đàm bước đầu và hy vọng tương lai

Cuộc hội đàm cấp cao giữa hai miền Triều Tiên hôm 9/1 đã đạt được những kết quả bước đầu mà trước đó cả thế giới đều không nghĩ rằng Triều Tiên và Hàn Quốc có thể ngồi lại được với nhau để đi đến những thỏa thuận.

Theo đó, Bình Nhưỡng đã chấp thuận cử phái đoàn cấp cao, vận động viên, cổ động viên và các nhà báo tới tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 tại Hàn Quốc vào tháng Hai tới.

Đồng thời, đề xuất giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ liên Triều thông qua đối thoại và đàm phán vì hòa bình và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Seoul cũng đề nghị tổ chức một cuộc họp để thảo luận vấn đề đoàn tụ các gia đình bị ly tán do cuộc chiến tranh liên Triều 1950 – 1953 gây ra;

Đồng thời Hàn Quốc sẽ cân nhắc dỡ bỏ tạm thời các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để tạo điều kiện thuận lợi cho phái đoàn Triều Tiên tham dự Thế vận hội.

Hai bên cũng đã nhất trí nối lại đường dây nóng quân sự đã bị gián đoạn trong hơn một năm qua bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 10/1 và tiến tới tổ chức cho quân đội hai bên tiến hành các hoạt động trao đổi để giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn – chưa đầy 10 ngày kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát đi tín hiệu đầu tiên nhằm mở ra hy vọng tan băng căng thẳng, hai bên đã đạt được những kết quả cụ thể và rất tích cực.

Mặc dù, những thỏa thuận bước đầu nói trên chưa thể đủ để làm tan băng căng thẳng ngay lúc này và cũng chưa đủ để tạo nên những chuyển biến cơ bản trong mối quan hệ giữa hai nước, nhưng có thể khẳng định, đây là một sự khởi đầu suôn sẻ.

Sự khởi đầu này nhiều khả năng sẽ tạo đà cho việc tiến tới thúc đẩy các cuộc tiếp xúc và đối thoại giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ vốn đang lâm vào bế tắc, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.

Bởi lẽ, nếu Triều Tiên và Hàn Quốc không thể ngồi lại được với nhau thì sẽ không bao giờ có chuyện Bình Nhưỡng ngồi lại được với Washington.

Do đó, việc hòa dịu giữa hai miền Triều Tiên lần này đang mở ra cơ hội không thể tốt hơn cho tất cả các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Triều Tiên tìm kiếm tiếng nói chung.

Cơ hội ấy có thể giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh đẫm máu đang trực chờ nổ ra bất cứ lúc nào và tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tất cả các bên, đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, thậm chí cả Nhật Bản cần phải có cùng quan điểm hợp tác tích cực để kết nối các cuộc tiếp xúc, đối thoại và đàm phán với Triều Tiên, nếu không mọi chuyện sẽ lại trở thành “xôi hỏng bỏng không”.

Mặt khác, thiện chí giảm nhiệt căng thẳng của cả Bình Nhưỡng và Seoul cũng đang tạo ra một cú hích để hai nước tiến tới thực hiện những mục tiêu đảm bảo cho lợi ích và an ninh của mình.

Bởi từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã luôn hướng tới việc khôi phục lại “Chính sách Ánh dương” nhằm cải thiện mối quan hệ đang rất xấu với Bình Nhưỡng và tiến tới xây dựng một nền hòa bình, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thông điệp đầu năm mới 2018 cũng đã nhấn mạnh đến việc sẽ chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và cải thiện an sinh xã hội.

Điều đó cho thấy, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đang cùng hướng đến mục tiêu hòa bình và phát triển trên bán đảo.

Vì vậy, cuộc hội đàm cấp cao lần này là điều kiện tiên quyết để bắt đầu một chương mới trong quan hệ liên Triều.

Ngoài ra, động thái chủ động, bất ngờ và tích cực để tiến tới cuộc hội đàm cấp cao của hai miền Triều Tiên vừa qua còn là một chỉ dấu cho thế giới thấy rằng:

Mọi vấn đề trên bán đảo Triều Tiên phải do hai miền Triều Tiên giải quyết, chứ không phải do các thế lực bên ngoài dẫn dắt và xử lý trên cái đầu của họ.

Có thể nói, sau rất nhiều căng thẳng và thậm chí có những lúc tưởng chừng như sẽ nổ ra xung đột quân sự, thì việc hai miền Triều Tiên ngồi lại được với nhau trên bàn đàm phán vừa qua đã đem lại rất nhiều tia hy vọng.

Hy vọng về một tiến trình hòa bình trên bán đảo là điều mà nhân dân hai miền đang vô cùng khát khao có được.

Mặc dù, kết quả của cuộc hội đàm vẫn còn ở mức khiêm tốn và vẫn còn vấn đề quan trọng nhất (hạt nhân của Triều Tiên) chưa được đề cập và cũng chưa hình thành bất cứ một ý tưởng chung nào, song tính tích cực của cuộc hội đàm là không thể phủ nhận.

Thế giới đang rất hoan nghênh cuộc gặp gỡ hai miền Triều Tiên lần này và cũng đang hy vọng lãnh đạo hai miền sẽ tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được để tiến tới thúc đẩy cho một tương lai tốt đẹp hơn trên bán đảo Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới