Một quan chức New Zealand được khuyến cáo về mức độ tràn lan của hoạt động cấy ghép tạng phi đạo đức đang diễn ra tại Trung Quốc.
Theo trang tin Sun Live (sunlive.co.nz), ông Rick Curach, thành viên Hội đồng thành phố Tauranga, đã tham khảo ý kiến của một công dân ở địa phương, rằng Hội đồng nên tham gia như thế nào trong mối quan hệ với Yên Đài, một thành phố Trung Quốc kết nghĩa với Tauranga.
Người nữ công dân, bà Judy Shakespear, cảnh báo các nhà lãnh đạo thành phố cần lưu tâm đến thực trạng cấy ghép nội tạng mờ ám đang diễn ra tại Trung Quốc, trong khi thế giới ngày càng biết đến những thông tin về nạn mổ cướp nội tạng do chính quyền nước này bảo trợ.
Ông Rick Curach, thành viên Hội đồng thành phố Tauranga, New Zealand (Ảnh: Sun Live)
Bà Judy cho biết các bằng chứng cho thấy nạn diệt chủng này đã được khám phá trong những năm qua, với nhiều cuốn sách điều tra và video về tội ác này được công bố trên mạng internet.
Báo cáo gần đây nhất gây chấn động toàn cầu khi được phát hành vào tháng 6 năm 2016, với hàng chục hãng tin lớn đăng tải những thông tin gây sốc về bộ máy giết người lấy nội tạng ở Trung Quốc. Ba nhà điều tra đưa ra báo cáo này đều được đề cử giải Nobel Hòa Bình cho nỗ lực phơi bày bí mật của Trung Quốc ra trước công chúng, bao gồm cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour, luật sư nhân quyền David Matas và nhà báo điều tra Ethan Gutmann.
Kết luận điều tra cho biết nạn nhân chủ yếu của tội ác này là những người tập Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, môn khí công mà nhiều người cho biết đã giúp họ có được sức khỏe thể chất và an lạc về tinh thần.
Sau khi được giới thiệu ra công chúng Trung Quốc vào năm 1992, môn khí công đơn truyền này nhanh chóng thu hút 70-100 triệu người tập, lần lượt theo ước tính của nhà nước và của các học viên vào năm 1999. Do số người tập Pháp Luân Công vượt quá số lượng Đảng viên đương thời, cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân lo ngại sự ưa chuộng của người dân đối với môn tập sẽ che khuất vị thế cá nhân của ông ta trên cương vị Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công mà ông Giang phát động từ tháng 7 năm 1999 tiếp diễn đến ngày nay với một loạt các vi phạm nhân quyền như bắt bớ, sỉ nhục, tra tấn, cưỡng bức lao động, mổ cướp nội tạng.
Nói về mức độ tràn làn của hoạt động cấy ghép tạng từ nguồn thu hoạch cưỡng bức, bà Judy gợi ý thành viên Hội đồng thành phố Tauranga: “Khi ông đến Yên Đài, ông có thể đóng giả là một người muốn ghép tạng”.
“Ông có thể đến bất kỳ bệnh viện nào gần đó và họ sẽ vui lòng cho ông thấy cơ sở vật chất của họ, chúng sang trọng không thể tin được. Máy móc công nghệ và mọi thứ khác cũng như vậy.”
“Hoặc ông có thể nói là ông đại diện cho một người quen nào đó muốn cấy ghép nội tạng, họ cũng sẽ cung cấp cho ông tất cả các thông tin mà ông yêu cầu. Họ còn quảng cáo những điều đó trên các trang web”.
Tại diễn đàn công cộng trong khuôn khổ cuộc họp của Hội đồng thành phố Tauranga vào ngày 19/12, bà Judy đã cảnh báo các thành viên Hội đồng về hoạt động thu hoạch nội tạng mà chính quyền Trung Quốc tiến hành đối với các tù nhân lương tâm.
“Chính quyền [Trung Quốc] đang thực hiện cuộc diệt chủng như chúng ta đang nói. Họ mổ cướp nội tạng sống từ những người theo đạo Cơ Đốc, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và đa số là các học viên Pháp Luân Công”.
Người New Zealand tập Pháp Luân Công tại Lễ hội Hòa Bình Parihaka ngày 10-12/3/2006. Trái ngược với New Zealand và hơn 100 quốc gia trên thế giới, chính quyền Trung Quốc đàn áp môn khí công ôn hòa này từ năm 1999 theo lệnh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân (Ảnh: Minh Huệ)
Các học viên Pháp Luân Công ở New Zealand kỷ niệm 2 năm ngày Pháp Luân Đại Pháp được giới thiệu ra công chúng (tháng 5/1992 – tháng 5/2001)
(Ảnh: Minh Huệ)
Bà Judy cho biết: “Điều này đang xảy ra trong các bệnh viện quân sự và các bệnh viện công cộng khác ở Trung Quốc với quy mô rất lớn.”
Gia đình con dâu của bà Judy ở Trung Quốc là các học viên Pháp Luân Công, theo Sun Live. “Con bé ở Mỹ khi cuộc đàn áp xảy ra. Cha nó nhắn tin cho vợ vẫn còn ở Bắc Kinh: ‘Hãy cầm hộ chiếu, xách túi đi và đừng nói với ai cả”.
Nhiều học viên thoát khỏi cuộc đàn áp ở Trung Quốc được chào đón tại các quốc gia dân chủ trên thế giới như Mỹ, Canada, New Zealand.
New Zealand là một trong nhiều quốc gia dân chủ chào đón các học viên Pháp Luân Công bị đàn áp ở Trung Quốc. Trong bức ảnh này, những người ủng hộ cầm tấm băng rôn có ghi: “Chào mừng 8 học viên Pháp Luân Công tới New Zealand, thoát khỏi cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc”. (Ảnh: Minh Huệ)