Trong năm ngoái, số lượng các tay súng cực đoan được huấn luyện bài bản từ Syria trở về Trung Quốc đã tăng mạnh và trở thành mối đe dọa an ninh lớn đối với quốc gia này.
Lực lượng an ninh Trung Quốc tuần tra tại Tân Cương.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), dù các cố vấn ngoại giao và an ninh của chính phủ Trung Quốc không tiết lộ số lượng cụ thể tay súng cực đoan từng chiến đấu ở Syria trở về Trung Quốc, nhưng tình trạng này đã làm tăng nguy cơ bất ổn an ninh tại Trung Quốc nhất là tại khu tự trị Tân Cương.
Phát biểu tại hội thảo các mối quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh vào cuối tháng 12/2017, ông Ji Zhiye, người đứng đầu Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đang đối mặt với mối đe dọa tấn công khủng bố “cực lớn”.
“Số lượng tay súng cực đoan có mặt tại khu vực biên giới Trung Quốc trong năm 2017 đã tăng gấp 10 lần so với năm 2016”, ông Ji nói.
Theo ông Ji, khoảng 30.000 tay súng cực đoan từng chiến đấu tại Syria đã rời khỏi quốc gia này để trở về nước bao gồm cả Trung Quốc.
Đồng quan điểm với ông Ji, ông Li Shaoxian, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc – Ả Rập tại Đại học Ninh Hạ chia sẻ trong một hội thảo tại Đại học Renmin hôm 6/1 rằng, Tân Cương đang đối mặt với nguy cơ bị tấn công khủng bố “nghiêm trọng”.
“Khủng bố là vấn nạn toàn cầu và không thể chỉ trong một thời gian ngắn là có thể xóa bỏ. Mối đe dọa khủng bố với Trung Quốc là có thật. Nhiều tay súng cực đoan được đào tạo bài bản đã quay trở lại Tân Cương”, ông Li nhận định.
Hồi tháng 11/2017, đại sứ Syria tại Trung Quốc là ông Imad Moustapha cho rằng có gần 5.000 tay súng Trung Quốc mà phần lớn là người Duy Ngô Nhĩ sinh sống ở Tân Cương, được đào tạo ở Syria.
Bắc Kinh đổ lỗi cho nhóm Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan là thủ phạm gây ra các vụ tấn công bạo lực ở Tân Cương. Song những người Duy Ngô Nhĩ đào tẩu và các tổ chức nhân quyền lại cho rằng, chính việc chính quyền Bắc Kinh đàn áp đã khiến hơn 10.000 người Duy Ngô Nhĩ phải bỏ Trung Quốc đi sống lưu vong.
Trung Quốc đã tăng cường siết chặt an ninh tại Tân Cương sau các vụ bạo loạn tại thủ phủ Urumqi hồi năm 2009.
Ngoài các cuộc diễn tập chống khủng bố với nhiều quốc gia Trung Á thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Trung Quốc còn kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á mạnh tay trấn áp các nhóm cực đoan.
Hồi năm ngoái, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết hiệp ước dẫn độ nhân dịp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tham dự một hội thảo tại Bắc Kinh liên quan tới sáng kiến “Vành đai và con đường”. Song theo ông Li, mối quan hệ hợp tác Trung – Thổ vẫn còn nhiều giới hạn.
Bên cạnh đó, giới quan sát cũng cảnh báo các dự án đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc như Hàng lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan trị giá 46 tỷ USD cũng đang làm gia tăng mối đe dọa tấn công khủng bố.