Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinHải quân TQ liên tiếp nhận thêm máy bay, tàu chiến vì...

Hải quân TQ liên tiếp nhận thêm máy bay, tàu chiến vì yêu sách biển đảo

Hải quân Trung Quốc đẩy mạnh biên chế máy bay, tàu chiến ở hai phương hướng chiến lược trọng điểm là Biển Đông và biển Hoa Đông, tiếp tục tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng sức mạnh quân sự.

Quần đảo Senkaku. Ảnh: NHK.

Hạm đội Nam Hải biên chế máy bay ném bom H-6KH

Trang tin Sina Trung Quốc ngày 16/1 cho hay, gần đây trung đoàn máy bay ném bom thuộc lực lượng đường không Hạm đội Nam Hải đã chuyển sang trang bị máy bay ném bom mới, đó là máy bay H-6KH.

H-6KH là phiên bản hải quân, có ngoại hình cơ bản giống máy bay ném bom H-6K, một đặc trưng nổi bật là dưới cánh hai bên đã lần lượt tăng thêm một điểm treo ngoài.

Hiện nay, hải quân Trung Quốc chủ yếu trang bị máy bay ném bom H-6G, loại máy bay này vẫn sử dụng động cơ phản lực cũ, tốc độ bay bằng lớn nhất không đến 1.000 km/giờ, rất dễ bị máy bay chiến đấu đánh chặn.

Hơn nữa, sau khi mang theo 2 quả tên lửa hành trình siêu âm hạng nặng YJ-12 mới nhất, bán kính tác chiến sẽ giảm xuống còn 2.000 km.

Máy bay ném bom H-6KH bay lần đầu tiên thành công vào năm 2014. Chỗ cải tiến của nó chủ yếu là lắp thêm hệ thống phóng tên lửa chống hạm siêu âm hạng nặng YJ-12 và hệ thống điều khiển hỏa lực đồng bộ liên quan. Điều này giúp tăng cường mô hình tấn công đối hải cho loại máy bay này, đã tiến hành nâng cấp phần mềm điều khiển hỏa lực, đã lắp đặt liên kết dữ liệu mới.

Ngoài ra, bên ngoài hai bên cánh máy bay đã tăng thêm 1 cặp điểm treo có thể dùng để lắp thiết bị tác chiến điện tử cỡ lớn KG600/800. Những cải tiến trên đã tăng cường mạnh mẽ mật độ tấn công hỏa lực và khả năng sống sót trên chiến trường của máy bay ném bom hải quân.

Máy bay ném bom H-6KH nhiều nhất có thể mang theo 6 quả tên lửa chống hạm YJ-12, có thể phát động tấn công tập trung đối với tàu chiến đối phương. Do đó phần bụng phía sau thân máy bay được lắp thêm một thiết bị liên kết dữ liệu.

Đồng thời, H-6KH cũng đã giữ lại khả năng mang theo tên lửa chống hạm cận âm YJ-83K kiểu cũ. Sau khi lắp thiết bị tác chiến điện tử KG600/800, máy bay ném bom H-6KH tiến hành áp chế có hiệu quả đối với hệ thống cảnh giới trên không tầm xa của đối phương như máy bay cảnh báo sớm E-2C.

Một tiến bộ lớn của máy bay ném bom H-6KH là đã trang bị động cơ phản lực D-30KP-2. Loại động cơ này cũng được trang bị cho máy bay vận tải IL-26 và Y-20 hiện nay. D-30KP-2 làm cho lực đẩy của H-6KH tăng thêm 30%, tiêu hao nhiên liệu giảm 20%, đã tăng mạnh tốc độ đột phá phòng không và mở rộng bán kính tác chiến.

Dự tính, máy bay ném bom H-6KH có thể phát động tấn công đối với cụm tấn công tàu sân bay đối phương ở khu vực ngoài 3.500 km. Sự kết hợp giữa H-6KH với tên lửa YJ-12 (phiên bản hải quân) cũng giống như sự kết hợp giữa H-6K với tên lửa hành trình Trường Kiếm-12 (phiên bản không quân). Vũ khí chính của H-6K không quân Trung Quốc là tên lửa hành trình Trường Kiếm-12.

Sau khi được biên chế đầy đủ, một trung đoàn máy bay ném bom của hải quân Trung Quốc có khoảng 20 máy bay. Sau Hạm đội Nam Hải, trung đoàn máy bay ném bom Hạm đội Đông Hải, hải quân Trung Quốc rất có thể sẽ trở thành lực lượng đổi sang trang bị máy bay ném bom H-6KH tiếp theo. Điều này cũng phù hợp với phương hướng chiến lược trọng điểm của hải quân Trung Quốc hiện nay.

Tên lửa YJ-12 có đầu đạn 200 kg, là đầu đạn bán xuyên giáp, 3 – 4 quả tên lửa YJ-12 có thể làm trọng thương một chiếc tàu tấn công đổ bộ hoặc tàu sân bay hạng trung. Tầm bắn lớn nhất của YJ-12 trên 400 km. YJ-12 trở thành vũ khí lợi hại chống tàu sân bay thế hệ mới của hải quân Trung Quốc.

Nếu trung đoàn máy bay ném bom của 2 hạm đội lớn hải quân Trung Quốc (Hạm đội Nam Hải, Hạm đội Đông Hải) đều hoàn thành đổi sang trang bị H-6KH thì 40 máy bay ném bom H-6KH có thể mang theo nhiều nhất 240 quả tên lửa chống hạm siêu âm hạng nặng.

Gần đây, Mỹ đang thúc đẩy thực hiện chiến lược triển khai hạm đội thứ ba trên tuyến đầu, tìm cách duy trì lâu dài hai cụm tấn công tàu sân bay ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng, chúng sẽ khó có thể chống lại được 240 quả tên lửa chống hạm hạng nặng với tốc độ trên 2,5 Mach.

Biên chế tàu chiến mới

Ngoài biên chế tàu hộ vệ tên lửa Nhật Chiếu số hiệu 598 Type 054A vào ngày 12/1/2018, đến sáng ngày 15/1/2018, Hạm đội Bắc Hải, hải quân Trung Quốc lại làm lễ biên chế chính thức tàu hộ vệ hạng nhẹ Ô Hải số hiệu 540 Type 056 tại một quân cảng ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.

Theo tuyên truyền của báo chí Trung Quốc, tàu Ô Hải có quan niệm thiết kế tiên tiến, có nhiều loại vũ khí trang bị, tính năng tàng hình tốt, tính tương thích điện từ mạnh, mức độ tích hợp thông tin hóa cao, chi phí chế tạo thấp, vận hành và bảo trì đơn giản, biên chế binh sĩ giảm.

Sau biên chế, tàu này sẽ chủ yếu tiến hành tuần tra cảnh giới, hộ tống ngư dân, độc lập hoặc hiệp đồng với lực lượng khác tấn công tàu chiến mặt nước, tàu ngầm đối phương, có khả năng săn ngầm và hiệu quả tác chiến tổng hợp khá mạnh.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 có nhiệm vụ chính là phòng thủ biển gần, dài 89 m, rộng 12 m, lượng giãn nước 1.300 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ. Tàu này có mức độ tự động hóa cao, tích hợp các chức năng như đối không, đối hải, săn ngầm, có khả năng sống sót chiến trường khá cao.

So với tàu hộ vệ kiểu cũ, tàu này đã được cải thiện về các mặt như ăn, ở, giải trí (có Karaoke), vận động thể thao, máy giặt quần áo, máy sấy khô.

Ngoài ra, tàu Type 056 có các đặc điểm như tốc độ nhanh, tính tàng hình mạnh, khả năng phòng vệ mạnh, có thể cải tạo thành tàu cảnh sát biển.

Thúc đẩy yêu sách chủ quyền biển đảo phi pháp

Không chỉ đẩy mạnh biên chế các vũ khí trang bị mới, hải quân Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng biển xung quanh.

Đáng chú ý, sáng ngày 11/1/2018, tàu hộ vệ tên lửa Ích Dương của Hạm đội Đông Hải, hải quân Trung Quốc và tàu ngầm “không rõ quốc tịch” đã xuất hiện ở vùng biển lân cận lãnh hải đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), bị phía Nhật Bản phát hiện.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hạ lệnh tiến hành cảnh giới, giám sát chặt chẽ. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã cử 2 tàu chiến tiến hành ngăn chặn. Hai bên đã xảy ra tranh cãi ngoại giao.

Đối với vấn đề này, cũng trong ngày 11/1, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều đã liên tiếp lên tiếng nhấn mạnh “đảo Điếu Ngư là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”, nên hành động lần này của tàu chiến Trung Quốc là “chính đáng, hợp pháp”.

Đồng thời, Trung Quốc quay lại đổ lỗi cho Nhật Bản là “kẻ ác”, làm đổi trắng thay đen, lẫn lộn phải trái. Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động để “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích an ninh quốc gia”.

Báo chí nhà nước và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tự cho là gần đây, cấp cao Nhật Bản liên tiếp tỏ thiện chí với Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thậm chí phản ứng tích cực với sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc, cho biết Nhật Bản có thể cân nhắc tham gia Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB). Nhưng phía Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản phải cải thiện quan hệ hai nước bằng “hành động thực tế”.

RELATED ARTICLES

Tin mới