Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnVì sao Mỹ cần hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản?

Vì sao Mỹ cần hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản?

Thời gian qua khái niệm địa chính trị “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” được Mỹ và các đồng minh liên tục đề cập, thay thế cho thuật ngữ “châu Á-Thái Bình Dương”. Không chỉ là tên gọi mà thật sự đã có sự thay đổi trong xu hướng hợp tác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Vì sao Mỹ cần hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản và những nền dân chủ khác trong chính sách “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”? Mục đích chủ yếu của cường quốc số một thế giới là tạo chiến lược cân bằng trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Nhưng liệu Ấn Độ và Nhật Bản có sẵn sàng đọ sức với Bắc Kinh?

Theo ông Daniel Twining -người đứng đầu Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI), Trung Quốc đang sử dụng “quyền lực bén” bằng cách dùng các khoản đầu tư kinh tế hoặc “thủ đoạn ngầm” để mở rộng ảnh hưởng. Hợp tác với Trung Quốc chắc chắn sẽ đem lại lợi ích kinh tế, nhưng một số quốc gia trong khu vực tỏ ra e ngại về mối quan hệ kinh tế bất bình đẳng, cũng như những rủi ro đến từ mối căng thẳng địa chính trị.

Thêm nữa việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trên Biển Đông, mở rộng sự hiện diện quân sự ra nước ngoài, tăng cường hoạt động trên Ấn Độ Dương, đã buộc các nước trong khu vực nghi ngờ về ý định thật sự của Bắc Kinh. Theo các nhà phân tích, muốn tạo thế cân bằng với Trung Quốc, Mỹ cần thúc đẩy một mạng lưới kinh tế với đồng minh và đối tác. Trong đó Mỹ cần dựa vào Ấn Độ để làm đối trọng trước các tham vọng của Bắc Kinh.

Thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không hoàn toàn mới. Nó từng được Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cách đây hơn 10 năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng dùng cụm từ này và nhắc lại trong tầm nhìn chiến lược 2016 về một “châu Á rộng hơn”. Còn ở Úc, năm 2013, Sách trắng quốc phòng nước này nhận định khuôn khổ chiến lược mới đang hình thành, liên kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thông qua Đông Nam Á. Trong Sách trắng về chính sách đối ngoại 2017, Canberra lần nữa nhấn mạnh khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với xu hướng mở rộng hợp tác cùng những quốc gia khác trong khu vực, nhất là Nhật Bản.

Khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên việc làm sống lại cái gọi là “Tứ giác an ninh” gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Úc. Tứ giác này tạo nên một mạng lưới cởi mở và minh bạch, cho phép người dân, vốn, hàng hóa và tri thức lưu thông tự do; kết hợp sự năng động của lục địa Á- Phi, hình thành khu vực hội nhập lớn hơn dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phối hợp chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, chiến lược của Nhật Bản được kỳ vọng sẽ là đối trọng địa chính trị trước tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở lục địa Á- Âu và mở rộng tới châu Phi.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump xác định khái niệm chính trị Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là phù hợp với chiến lược an ninh quốc gia.  Còn việc các quốc gia nằm trong bản đồ chiến lược của Mỹ bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á có sẵn sàng cạnh tranh với “đối thủ” Trung Quốc hay không lại là vấn đề khác.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhật Bản có nét tương đồng với chính sách của Mỹ. Bởi thế Tokyo nên thống nhất với Washington thực hiện chiến lược này theo cách mà những nước khu vực có thể chấp nhận được. Đồng thời cần chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh tiềm năng với Trung Quốc.

Theo các chuyên gia thuộc ủy ban “Nhận thức về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do” của Viện nghiên cứu Hudson hôm 10-1, sự nổi lên của Ấn Độ sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trong lúc Trung Quốc tìm mọi cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, các chuyên gia cho rằng Mỹ nên hỗ trợ New Delhi và bắt đầu các kế hoạch dài hạn để mở rộng và nâng cấp các tuyến giao thông kết nối với những nước Đông Nam Á, từ đó tạo thuận lợi cho hành lang thương mại Đông – Tây.

Những ưu tiên và lợi ích cạnh tranh nhau của bốn đối tác, và những lợi ích riêng rẽ của họ trong mối quan hệ nhạt nhòa với Trung Quốc sẽ làm phức tạp thêm việc xây dựng một liên minh. Tuy nhiên, việc Washington quyết định gắn chặt Ấn Độ vào chiến lược châu Á của họ và việc New Delhi sẵn sàng từ bỏ những do dự về khuôn khổ bốn bên chắc chắn đã cải thiện các triển vọng cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, để “tứ giác” này trở thành một khái niệm địa chính trị đáng tin cậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới