Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCác ông lớn có dám ngừng nhập khẩu ôtô vào Việt Nam?

Các ông lớn có dám ngừng nhập khẩu ôtô vào Việt Nam?

Trong khi Toyota, Honda tuyên bố tạm dừng xuất khẩu sang Việt Nam thì đại lý công ty tại Việt Nam vẫn xin giấy phép kinh doanh ô tô nhập khẩu.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu 2018, cả nước nhập về tổng số 60 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại. Đây được xem là con số giảm mạnh chưa từng thấy so với cùng kỳ những năm trước và cũng là diễn biến lạ của thị trường Việt Nam, bởi đây là thời điểm đáng lẽ các doanh nghiệp phải nhập nhiều để phục vụ mùa cao điểm Tết.

Có lẽ bởi trong tuần qua, Toyota và Honda tuyên bố sẽ tạm dừng xuất khẩu sang Việt Nam kể từ đầu năm nay khi Việt Nam do các vướng mắc từ Nghị định 116/2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được ban hành và có hiệu lực.

Không chỉ Toyota, Honda mà nhiều hãng xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia như Ford, Mitsubishi hay Suzuki cũng gặp khó khăn, không nhập được xe vào Việt Nam với lý do tương tự.

Trong đó quy định khó khăn nhất với nhà nhập khẩu là yêu cầu doanh nghiệp cần có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp (VTA) và mỗi lô hàng đều phải kiểm định một mẫu xe.

Theo các hãng, trong khi giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại theo tiêu chuẩn Việt Nam không tồn tại trên thế giới và việc yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu là không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Một số quốc gia có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe sản xuất trong nước của họ, nhưng sẽ không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận do có sự khác biệt về vị trí tay lái và thông số kỹ thuật.

Theo nhiều doanh nghiệp, quy định phê duyệt kiểu và thử nghiệm theo lô được cho là gây lãng phí nguồn lực, gây quá tải cho các cơ sở kiểm định, làm lãng phí thêm thời gian, và làm phát sinh chi phí, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Nhưng điều đáng nói, trong khi Toyota, Honda dọa sẽ tạm dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam, thì Toyota Việt Nam, GM Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam, Suzuki, Mercedes Benz Việt Nam hay các công ty dịch vụ thương mại TCG, Kylin hay Kỷ Nguyên…đã đồng loạt có văn bản đề nghị được cấp phép kinh doanh xe nhập khẩu.

Nói là vậy, kêu ca là thế, nhưng thực tế, chỉ trong vòng hơn một tháng qua đã có tới cả chục doanh nghiệp có đơn đề nghị được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô.

Trong đơn đề nghị của mình, doanh nghiệp nào cũng liệt kê đầy đủ giấy đăng ký kinh doanh, giấy ủy quyền triệu hồi xe của nhà sản xuất, giấy chứng nhận xưởng bảo hành bảo dưỡng xe ô tô.

Điều đặc biệt là, các doanh nghiệp này đều có cam kết thực hiện đúng quy định của Nghị định số 116 ngày 17/10/2017 của Chính phủ.

Các dòng xe mà doanh nghiệp đề nghị nhập khẩu có sự góp mặt của đầy đủ các thương hiệu như Mercedes-Benz, Toyota, Suzuki, Hyundai, Toyota, Lexus, Mitsubishi, Zotye…

Hiện tại, 3 doanh nghiệp ô tô đã nhận được giấy phép kinh doanh nhập khẩu do Bộ Công Thương cấp gồm Công ty Toyota Việt Nam, Công ty GM Việt Nam, Công ty Mitsubishi Việt Nam…

Các doanh nghiệp khác vẫn đang xem xét và dự kiến sẽ được cấp trong thời gian sớm nhất. Theo đó, Công ty Toyota Việt Nam được phép nhập khẩu ô tô con nhãn hiệu Toyota và Lexus, xe khách và xe tải nhãn hiệu Toyota. Tất cả đều là xe chưa qua sử dụng.

Chia sẻ với báo chí, theo một chuyên gia am hiểu về ngành công nghiệp ô tô, những khó khăn trong việc nhập khẩu ô tô từ đầu tháng 1/2018 đến nay thực ra chủ yếu là do các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ GTVT thiếu văn bản hướng dẫn cho Nghị định 116/NĐ-CP.

“Chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ nên tại cửa khẩu, cán bộ Hải quan không biết DN nhập phải có những giấy tờ gì mới đáp ứng đủ điều kiện thông quan, cho nhập nên thực tế, số lượng xe được nhập từ đầu tháng đến nay rất ít, chứ không phải hoàn toàn do nội dung của Nghị định 116 đâu”, chuyên gia này cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, mặc dù Nghị định 116 rõ ràng là siết chặt lại khá nhiều điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, nhưng không phải vì khó khăn như vậy mà các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu xe tại Việt Nam vì dù sao, nhu cầu trên thị trường ô tô Việt Nam vẫn rất lớn và không một doanh nghiệp nào muốn bỏ qua.

RELATED ARTICLES

Tin mới