Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngVấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trong quan hệ Việt-Trung (1974-1995)...

Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trong quan hệ Việt-Trung (1974-1995) – Kỳ 1

Nằm ở vị trí chiến lược trên biển Đông, đồng thời lại chứa đựng những tài nguyên quý giá, nên từ đầu thế kỷ XX, quần đảo Hoàng Sa, một bộ phận lãnh thổ Việt Nam đã trở thành mục tiêu tranh chấp của một số nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.

Đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông, từ lâu là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi mà nó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào và đã liên tục thực hiện chủ quyền thật sự của Việt Nam đối với cả hai quần đảo này. Nhà nước Trung Quốc chưa hề chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa”, Trung Quốc cũng chưa bao giờ nêu “yêu sách” về hai quần đảo này. Thế nhưng năm 1956, lợi dụng lúc quân Pháp chưa kịp rút ra khỏi Việt Nam, quân đội Sài Gòn chưa kịp ra thay thế, Trung Quốc cho quân chiếm đóng nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa.

Đêm 20 rạng sáng ngày 21 tháng 2 năm 1956, Trung Quốc cho binh lính cải trang làm ngư dân ra hoạt động khiêu khích, thăm dò nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa, hòng chiếm nốt số đảo còn lại. Các đơn vị quân đội chính quyền Sài Gòn đồn trú ở đây đã bắt toàn bộ 82 người và 5 tàu cải dạng đánh cá của hải quân Trung Quốc, làm thất bại âm mưa xâm lấn Hoàng Sa của Trung Quốc.

Đầu năm 1974, trong lúc nhân dân Việt Nam đang tập trung cao độ vào nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, Trung Quốc huy động lực lượng quân sự đánh chiếm nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa. Ngày 17 tháng 1 năm 1974, nhiều tàu chiến Trung Quốc đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa để khiêu khích các tàu của quân đội Sài Gòn đang làm nhiệm vụ tuần tra xung quanh quần đảo. Trung Quốc cho quân đổ bộ lên các đảo không có quân đội chính quyền Sài Gòn đồn trú. Ngày 19 tháng 1 đã xảy ra cuộc hải chiến giữa một bên là tàu chiến của quân đội chính quyền Sài Gòn vừa được tăng cường ra để bảo vệ đảo với một bên là lực lượng hải quân Trung Quốc đã phục sẵn. Ngày 20 tháng 1, dưới sự yểm trợ của máy bay và tàu chiến, quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật và Quang Ảnh, xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính quyền Sài Gòn được Mỹ thông báo: hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã nhận được lệnh tránh khỏi quần đảo Hoàng Sa.

Đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc đã huy động hàng chục chiếc tàu các loại (hai tàu loại Kô Ma có trang bị tên lửa) và hàng trăm lần chiếc máy bay hoạt động liên tục. Quân đội chính quyền Sài Gòn đã chống trả quyết liệt, nhưng do lực lượng Quân đội chính quyền Sài Gòn quá ít, phía Trung Quốc quá đông, nên cuối cùng quần đảo Hoàng Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam đã bị Trung Quốc xâm chiếm.

Sau khi xảy ra sự kiện Trung Quốc đánh chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa, do quân đội Sài Gòn đóng giữ, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra Tuyên bố lập trường ba điểm như sau:

– Vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc.

– Trong vấn đề biên giới và lãnh thổ, các nước láng giềng thường có sự tranh chấp do lịch sử để lại.

– Các nước có liên quan cần xem xét vấn đề này theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị, láng giềng tốt và giải quyết bằng thương lượng.

Sự kiện Hoàng Sa cho thấy: đây là một hành động quân sự của Trung Quốc nhằm đánh chiếm hoàn toàn nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa đang do chính quyền Sài Gòn quản lý.

Xâm chiếm Hoàng Sa là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và không có giá trị mang lại chủ quyền cho Trung Quốc. Giăng Phê-ri-ê Trường đại học Luật, Kinh tế và Khoa học xã hội ở Pa-ri nhận xét: “Đó là hành động vi phạm trắng trợn các quy tắc ngăn cản việc dùng võ lực và việc xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực… Việc xâm chiếm này về nguyên tắc là phi pháp”…và khẳng định: “Hành động xâm chiếm bằng quân sự của Trung Quốc không giải quyết được vấn đề pháp lý (Ferrier Jean Pierre,Vụ xung đột về quần đảo Paracel và vấn đề chủ quyền trên các đảo không có người ở, trong Nirn giám pháp luật quốc tế Pháp, Pa-ri,1975). Bởi lẽ, theo luật pháp quốc tế, xâm lược không đưa lại chủ quyền.

Tháng 1 năm 1988, Trung Quốc cho hải quân ra khu vực đảo Trường Sa hoạt động khiêu khích, ngăn cản các tàu vận tải Việt Nam. Họ đã xâm chiếm một số bãi đá ngầm, nhằm xây dựng căn cứ đứng chân làm bàn đạp để mở rộng các hoạt động xâm lược trên quần đảo.

Đặc biệt nghiêm trọng là sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc sử dụng một biên đội tàu chiến gồm 6 chiếc, trong đó có 3 tàu hộ vệ số 502, 206 và 531 được trang bị tên lửa và pháo cỡ 100 mi-li-mét, vô cớ tấn công bắn chìm và cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ tiếp tế ở các bãi đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma, thuộc cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam. Khi các tàu cứu hộ Việt Nam mang cờ chữ thập đỏ đến cứu những tàu bị bắn cháy, bắn chìm, thì bị tàu chiến Trung Quốc ngăn cản, bao vây, khiêu khích. Cuộc tiến công của Trung Quốc đã gây thêm tội ác mới chống nhân dân Việt Nam làm cho một số cán bộ, chiến sĩ quân đội Việt Nam bị hy sinh, 74 người bị mất tích.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới