Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 23/01/2018

Bản tin Biển Đông ngày 23/01/2018

Bản tin Biển Đông ngày 23/01/2018.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới các nước láng giềng của Trung Quốc nhằm truyền đi thông điệp quan trọng về “chủ quyền” và “sự tôn trọng chủ quyền”

Ngày 22/01, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, trả lời câu hỏi của phóng viên trên chuyến bay tới một loạt các nước Châu Á trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã bày tỏ mong muốn chuyến thăm Châu Á kéo dài một tuần có thể giúp tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng với Indonesia và Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng. Ông cho biết “Mỹ cũng cùng chia sẻ vùng biển Thái Bình Dương – đại dương được đặt tên vì hoà bình – do đó Mỹ mong muốn đây sẽ vẫn là vùng biển hoà bình để tất cả các quốc gia sử dụng và sinh sống tại vùng biển này được thịnh vượng”. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, Bộ trưởng Mattis sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Racudu để thảo luận về hợp tác trên biển. Một trợ lý của ông cho biết Indonesia cũng đã cân nhắc mua các phi cơ chiến đấy F-16 của của tập đoàn Lockheed Martin theo một thoả thuận có lẽ lên đến hàng tỷ đô-la Mỹ. Ông Mattis cũng nhấn mạnh rằng “Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực mở rộng hợp tác nhưng đồng thời cũng sẽ ủng hộ Indonesia đóng vai trò điểm tựa giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”. Còn tại Việt Nam, ông Mattis và người đồng cấp dự kiến sẽ có cuộc trao đổi về tự do hàng hải ở Biển Đông, “khu vực mà Bắc Kinh đang ráo riết bành trướng trong những năm qua, đồng thời quân sự hoá nhiều cấu trúc ở khu vực”. Ông Mattis khẳng định “Mỹ tôn trọng chủ quyền của các nước Châu Á cũng như tiếng nói chủ quyền và những quyết định chủ quyền của các nước này”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Trung Quốc hoan nghênh lập trường của Indonesia về vấn đề Biển Đông

Tân Hoa xã đưa tin, tại buổi họp báo thường ngày ngày 22/01, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay, đề cập đến phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu tại Đối thoại Raisina 2018 diễn ra tuần trước tại New Delhi, Ấn Độ nói rằng tình hình Biển Đông đang ổn định và kêu gọi các bên cần phải duy trì nguyên trạng cũng như cho biết Indonesia hoan nghênh động thái cởi mở và sự nhiệt tình hợp tác của Trung Quốc nhằm thúc đẩy cấu trúc an ninh khu vực, Trung Quốc rất ủng hộ phát biểu này, cho rằng lòng tin giữa Trung Quốc và các nước ASEAN là điều “rất đáng quý” và sự ổn định của khu vực là “kết quả khó khăn lắm mới có được”. Đồng thời, bà Hoa khẳng định Trung Quốc cam kết sẽ duy trì hoà bình, ổn định với các quốc gia có liên quan và ngoài ra cũng sẽ hợp tác với các bên liên quan nhằm tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và việc hợp tác thực chất trên biển.

Truyền thông Trung Quốc đang gây sức ép với chính quyền Mỹ nhằm cản trở việc thúc đẩy quan hệ của nước này với ASEAN

Ngày 22/01, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết “Mỹ không còn chiếm ưu thế ở Biển Đông”. Một mặt, tác giả bài viết đã đưa ra chỉ trích đầy chủ quan đối với hoạt động tự do hàng hải của tàu USS Hopper trong phạm vi 12 hải lý của bãi cạn Scarborough ngày 17/01 vừa qua, cho rằng Mỹ muốn dùng tranh chấp Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc và làm tăng thêm sự cạnh tranh “nước lớn” với Trung Quốc đồng thời cáo buộc Mỹ tận dụng chuyến thăm các nước ASEAN của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis trong tuần này để “tuỳ chỉnh” vấn đề Biển Đông. Mặt khác, bài viết lại mỉa mai rằng Mỹ “không còn đủ tự tin về vai trò của mình ở khu vực” và cho rằng “Mỹ cũng không nên quá lý tưởng hoá mức độ các nước ASEAN sẽ có những bước đi phù hợp với chính sách của Mỹ” bởi lẽ “kể tử khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump không mấy mặn mà với ASEAN như chính quyền tiền nhiệm, trong khi các nước trong khu vực đã nhận ra rằng, theo chân Mỹ sẽ đi ngược lại lợi ích và đã quyết định sẽ cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ”, “ngay khi ASEAN và Trung Quốc khởi động các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông và các tranh chấp có liên quan, đã có một sự đồng thuận sâu rộng về sự thật là đoàn kết và hợp tác trong khu vực sẽ không bị ảnh hưởng bởi các tranh chấp này”, “đặc biệt, với các nước ASEAN, một điều càng quan trọng hơn nữa đó là việc tránh để xảy ra xung đột với Trung Quốc, thay vì đạt được những lợi ích nhỏ từ Mỹ. Thời thế đã qua, Mỹ không còn có vai trò ưu thế ở Biển Đông”. Thậm chí, tác giả bài viết còn đưa ra khẳng định đầy tính đe doạ và gây hấn, đó là “nếu Mỹ không ngừng khiêu khích, Trung Quốc sẽ quân sự hoá các đảo, chẳng sớm thì muộn. Washington sẽ không có phương nào để thoái lui và sẽ phải chịu sự nhục nhã trọn vẹn”.

Trung Quốc sẽ siết chặt hoạt động bồi đắp đảo

Ngày 22/01, Mạng Tin tức Trung Quốc đưa tin, ngày 21/01, tại Hội nghị Đại dương quốc gia, ông Wang Hong, Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát các hoạt động bồi đắp, cải tạo trên biển nhằm hướng tới xây dựng vị thế “cường quốc biển”. Dự tính, Trung Quốc sẽ cải tạo và sửa chữa tại khu vực san hô rộng 2000 héc-ta trên biển nhằm “đảm bảo rằng 85% khu vực ngoài khơi có được nguồn nước chất lượng tốt”. Ông Wang cho hay, trong năm 2018, Cục sẽ thông qua các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát việc xây dựng mới trên biển đồng thời nỗ lực hơn nữa trong việc quản lý và bảo vệ các khu vực san hô biển. Ông nhấn mạnh “kinh tế biển hiện đang gặp khó khăn do sự phát triển mất cân bằng và thiếu toàn diện”.

RELATED ARTICLES

Tin mới