Tuesday, November 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThuế nhập khẩu về 0%: Phần thua nghiêng về doanh nghiệp Việt?

Thuế nhập khẩu về 0%: Phần thua nghiêng về doanh nghiệp Việt?

Thuế nhập khẩu giảm sâu dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt và khó cân sức giữa DN trong nước và quốc tế. Phần thua thiệt sẽ nghiêng về phía DN Việt.

Hàng vạn dòng thuế nhập khẩu về 0%

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2018 có tới 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) tác động tới thuế nhập khẩu các sản phẩm hàng hoá tiêu dùng vào Việt Nam, tương ứng khoảng hơn 16.200 dòng thuế sẽ về mức 0%.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, việc thay đổi thuế suất này chỉ tác động tới khoảng 10% các dòng thuế suất, là số lượng tương đối nhỏ, về cơ bản đã được tính toán trong dự toán thu ngân sách hàng năm. Việc giảm thuế nhập khẩu chủ yếu tập trung vào các nhóm sản phẩm, hàng hoá phục vụ tiêu dùng chiếm tỷ trọng nhỏ; trong khi các nhóm máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hiện nay chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng nhập khẩu, sẽ duy trì mức thuế suất như hiện nay.

“Khả năng giảm thu ngân sách từ 10 Nghị định này so với Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam năm 2016 là rất ít, gần như không đáng kể”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Doanh nghiệp Việt không được chủ quan

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc mở cửa thị trường sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, giúp doanh nghiệp (DN) được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn và người dân được mua hàng hóa với giá tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, khi hàng hóa từ nước ngoài tràn vào cạnh tranh quyết liệt với hàng trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần tính toán đến tác động vòng ngoài của việc giảm thuế và các chính sách mà cơ quan quản lý đang đề xuất áp dụng. Ông Doanh phân tích, các sản phẩm có mức thuế được giảm về 0% đều là nhóm hàng tiêu dùng mà trong nước đã sản xuất được, do đó chắc chắn hàng hóa, dịch vụ của DN Việt Nam sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước ASEAN cũng như các quốc gia có FTA với Việt Nam. Trong khi đó, vừa qua, Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng đối với nhiều nhóm hàng hoá trong nước, như vậy, chắc chắn sẽ tác động tăng giá lên tất cả các hàng hóa và dịch vụ của DN trong nước.

Ông Doanh lưu ý, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa, thực tế là hàng hóa Việt Nam đã bị hàng hóa rẻ hơn có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí Hàn Quốc, Nhật Bản lấn sân mạnh mẽ, dần chiếm lĩnh thị phần.

“Tới đây khi thuế nhập khẩu tiếp tục giảm, nếu lại tiếp tục tăng thuế đánh vào hàng sản xuất trong nước, sẽ dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt và khó cân sức hơn, mà phần thua thiệt nghiêng về phía DN Việt Nam”, ông Lê Đăng Doanh khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thuế nhập khẩu về 0% chắc chắn sẽ tác động đến giá cả hàng hóa nhập khẩu. Tùy vào từng mặt hàng có thuế suất khác nhau, nhưng sẽ tạo ra sự cạnh tranh vì hàng nhập khẩu miễn thuế, giá sẽ rẻ hơn, từ đó bắt buộc các DN trong nước phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay trên sân nhà quyết liệt.

“DN Việt có trụ nổi hay không còn tùy thuộc vào sự cạnh tranh của hàng hóa nội địa. Với những quốc gia có lộ trình giảm thuế nhập khẩu thì thời gian vẫn còn để các DN Việt sản xuất hàng hóa cạnh tranh, không chỉ về giá cả mà còn về chất lượng. DN không nên quá lo lắng nhưng không được chủ quan vì cho rằng có lợi thế sân nhà”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu giá rẻ có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước. Trước hết, doanh nghiệp cần tập trung tận dụng cơ hội để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong 10 FTA gồm: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA), ASEAN – Ấn Độ (AIFTA), Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam – Chi Lê (VCFTA) và Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN – EAEU FTA)

RELATED ARTICLES

Tin mới