Bộ Quốc phòng Mỹ phủ nhận tuyên bố của Bắc Kinh rằng hải quân Trung Quốc đuổi một tàu khu trục của Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông vào tuần trước.
“Không có ai đuổi tàu hải quân nào ở đâu cả”, một quan chức cấp cao không nêu tên của Lầu Năm Góc nói với tờ The Washington Free Beacon vào hôm thứ Ba (23/1). “Toàn bộ ý niệm rằng chúng tôi bỏ chạy không phải là sự thật”.
Tuyên bố của quan chức này được coi là lời đáp trả đối với thông báo trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Vào ngày 17/1, tàu khu trục USS Hopper của hải quân Hoa Kỳ đã đi thuyền gần đảo Hoàng Nham của Trung Quốc mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc”.
Đảo Hoàng Nham (hay bãi cạn Scarborough) là một đảo san hô thuộc Biển Đông mà Trung Quốc và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền.
Tờ báo này viết: “Hải quân Trung Quốc ngay lập tức đã phát hiện vụ xâm nhập của tàu chiến Mỹ và cảnh cáo nó phải rời khỏi vùng biển của Trung Quốc. Hành động khiêu lích liều lĩnh này đã kết thúc trong sự ê chề của Hải quân Hoa Kỳ.”
Viên chức Mỹ đã nói với Free Beacon rằng Trung Quốc đã phát radio tới tàu Mỹ, nhưng chiếc tàu Hopper không hề đi chệch hướng khỏi hành trình đã được lên kế hoạch từ đầu.
Trung Quốc gia tăng hoạt động xây dựng đảo và trang bị quân sự trên Biển Đông dù một tòa án quốc tế đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Lục quân Jamie Davis nói với Free Beacon: “Các lực lượng Hoa Kỳ hoạt động ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hàng ngày, bao gồm cả ở Biển Đông”.
Ông Davis nói: “Tất cả các hoạt động được tiến hành theo luật pháp quốc tế và chứng minh rằng Hoa Kỳ có quyền cho đưa máy bay, tàu biển và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.”
Tổng thống Trump đã thể hiện một số động thái cứng rắn hơn người tiền nhiệm Obama đối với Trung Quốc về Biển Đông. Tháng 7, ông phê duyệt kế hoạch một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.
Tháng 5, tàu chiến Mỹ đã tiến hành ‘cuộc thao diễn’ trong phạm vi 12 hải lý của hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Động thái này chưa từng xảy ra dưới thời Obama và được cho là một thách thức trực tiếp đến hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại khu vực.
Nhiều lãnh đạo hải quân Mỹ phê phán ông Obama đã không cho phép các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, theo tạp chí Hải quân (Navy Times) của Mỹ. Trong thời gian đó, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự, tạp chí này cho biết.