Giới chuyên gia cho rằng cảm biến âm thanh dưới đáy biển giúp Trung Quốc nghe lén liên lạc của tàu ngầm Mỹ từ độ sâu khoảng 10 km.
Trung Quốc đã hạ đặt và đang vận hành cảm biến âm thanh hiện đại dưới lòng biển ở khu vực tây Thái Bình Dương, theo tờ South China Morning Post. Những thiết bị này do Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc (CAS) triển khai hoạt động từ năm 2016 nhưng thông tin chỉ vừa được công bố trong tháng 1. CAS tuyên bố cảm biến mới có thể bắt được sóng âm từ khoảng cách hơn 1.000 km và chống chịu áp suất khủng khiếp ở những vị trí cực sâu dưới lòng đại dương.
Mục đích mập mờ
South China Morning Post dẫn lời một chuyên gia họ Chu thuộc CAS khẳng định việc phát triển thành công cảm biến mới là bước đột phá của ngành khoa học Trung Quốc. Dù kích thước khá nhỏ nhưng nhờ các loại vật liệu đặc biệt và công nghệ phức tạp nên trên lý thuyết, thiết bị này có thể hoạt động ở độ sâu tối đa lên đến 12.000 m mà lại tiêu tốn rất ít năng lượng. Một sợi dây cáp dài sẽ kết nối các cảm biến từ sâu dưới đáy biển với phao nhỏ trên mặt biển gắn những thiết bị liên lạc vệ tinh, đồng thời cung cấp nguồn điện cho cảm biến hoạt động trong hơn 1 năm.
CAS tuyên bố cảm biến nhằm phục vụ các dự án nghiên cứu như quan sát động đất, bão hay theo dõi cá voi. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá chúng hoàn toàn có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Chính một nhà phân tích giấu tên của Trung Quốc tiết lộ với South China Morning Post cảm biến có chức năng thu thập sóng âm tần số thấp phát ra từ việc di chuyển hoặc liên lạc của tàu ngầm, cung cấp thông tin hữu ích về hoạt động của chiếc tàu. Nhà phân tích James Lewis, Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington D.C), còn cho rằng ngoài ẩn mình dưới đáy biển, cảm biến có thể được lắp trên thiết bị lặn tự hành để triển khai tại các khu vực nhạy cảm như Biển Đông hoặc tích hợp vào một hệ thống giám sát với nhiều thiết bị giúp đo đạc độ nhiễu động, nhiệt độ và độ mặn, những yếu tố ảnh hưởng đến việc truyền âm thanh trong nước. “Một số tần số âm thanh di chuyển được khoảng cách rất xa dưới nước và hệ thống máy tính hiện đại có thể phân tích những thông tin đó để định vị tàu ngầm từ khoảng 1.000 km”, ông Lewis giải thích.
Theo dõi tàu ngầm Mỹ
Đáng chú ý, theo thông tin do CAS công bố, một trong những cảm biến được đặt tại nơi sâu nhất được biết đến trên trái đất là vực thẳm Challenger thuộc rãnh Mariana (độ sâu 10.916 m). Một cảm biến khác được triển khai gần đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Hai địa điểm này lần lượt cách đảo Guam của Mỹ 300 km và 500 km về phía tây nam, và nằm dọc theo tuyến đường nhanh nhất để tàu ngầm di chuyển từ đảo Guam qua biển Celebes để đến quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Guam còn là nơi có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại tây Thái Bình Dương, đóng vai trò trung tâm bảo dưỡng và tiếp tế quan trọng cho tàu ngầm Mỹ tại khu vực.
Hải quân Mỹ tại Guam được cho là đã thiết lập hệ thống liên lạc dọc theo các tuyến đường mà tàu ngầm thường di chuyển và cảm biến âm thanh của Trung Quốc hoàn toàn có khả năng nghe lén tín hiệu từ hệ thống này. Bên cạnh đó, chuyên gia Lewis cho biết thêm là ngoài Trung Quốc, nhiều nước khác cũng thiết lập mạng lưới cảm biến tương tự dưới đáy đại dương cho mục đích tác chiến chống ngầm.
Mỹ công nhận chủ quyền vùng biển Indonesia
Ngày 24.1, Hãng tin UPI dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố “Mỹ sẽ giúp Indonesia giữ vững an ninh hàng hải tại vùng biển Bắc Natuna”. Hồi tháng 7.2017, Indonesia đặt tên lại phần phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nước này ở Biển Đông là biển Bắc Natuna, động thái được cho là nhằm chống lại tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực. Lâu nay, Indonesia khẳng định không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, phần được đặt tên cũng không nằm trong khu vực tranh chấp nhưng vẫn bị bản đồ đường lưỡi bò phi pháp “liếm trúng”. Thời gian qua, lực lượng chức năng nước này không ít lần va chạm với tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna. Vì thế, theo giới quan sát, việc Bộ trưởng Mattis sử dụng tên gọi Bắc Natuna trong chuyến thăm Indonesia là dấu hiệu cho thấy Mỹ không “xao nhãng” trước những diễn biến đáng quan ngại trên Biển Đông.