Wednesday, January 8, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCon đường nào để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình?

Con đường nào để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình?

Cách duy nhất để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình là thay đổi mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển KHCN, nâng cao năng suất lao động.

Đó là khẳng định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) khi bàn về con đường để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.

PV: Theo thống kê của Navigos Search, công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao thuộc tập đoàn Navigos Group, hầu như không có ứng viên Việt khi tuyển dụng nhân sự giữ vị trí giám đốc công nghệ, giám đốc điều hành… dù mức lương được trả lên tới trên 10.000 USD/tháng. Đây không phải là lần đầu tiên ghi nhận thực trạng này, bởi trước đó, đại diện tổ chức thương mại châu Âu cũng nhiều lần đề cập tới việc không chọn được lao động Việt làm những vị trí chủ chốt và nhận lương cao.

Ông bình luận ra sao trước những thông tin trên? Thực trạng này có phải rất đáng buồn không, khi mà thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ ở mức 2.400 USD/năm?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: – Điều đáng buồn là thực trạng trên là đúng. Tôi được biết có nhiều ngân hàng ở Việt Nam than vãn không thể tìm được tổng giám đốc ưng ý, dù mức lương được trả lên tới hàng chục ngàn USD mỗi tháng.

Làm sao có thể có được lao động trình độ cao khi chất lượng giáo dục của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới? Việc đào tạo lao động thông thường đã không được Việt Nam chú ý một cách đúng mực, thì để có được lao động có kỹ năng cao lại càng khó hơn.

Trong đội ngũ lao động được đào tạo của Việt Nam, số lao động được đào tạo đúng ngành nghề rất thấp. Chúng ta mới đang cố gắng đào tạo lao động gọi là cho có bằng cấp và số có bằng cấp ấy nhiều khi chỉ qua một lớp đào tạo nào đó, kể cả lớp đào tạo ngắn hạn. Có đến một nửa số lao động Việt Nam chưa hề qua đào tạo. Đó là về phần khâu đào tạo gốc.

Ngoài ra, các khâu đào tạo qua thực tiễn và yêu cầu người lao động phải cập nhật để có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động cũng có nhiều vấn đề. Ở các nước, người lao động luôn có ý thức nâng cao trình độ, năng lực bản thân, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động để có việc làm ổn định, thu nhập xứng đáng. Nhưng ở Việt Nam, việc này chưa thực sự được quan tâm, bộ phận người lao động thực sự bỏ tiền ra đầu tư để có kiến thức, kỹ năng cao không nhiều.

Đó là chưa nói đến việc trong các công sở cơ quan nhà nước, tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về không phải là hiếm, số người làm được việc vẫn còn rất xa mới đáp ứng kỳ vọng. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu cho chọn lựa và tinh giản biên chế một cách sòng phẳng thì có lẽ các cơ quan, đơn vị có thể giảm được một nửa nhân lực.

Năng suất lao động đã thấp, phần lớn người lao động thay vì tự mình vươn lên để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cao hơn, thì lại ỷ lại cho thị trường và người sử dụng lao động, thế nên thu nhập thấp là chuyện tất yếu.

PV:-  Điều đáng lo ngại hơn, theo các chuyên gia, là Việt Nam có thể bị kẹt trong bẫy thu nhập trung bình như nhiều quốc gia đang phát triển khác. Quan điểm của ông về dự báo này ra sao? Bẫy thu nhập trung bình có liên quan thế nào với thực trạng doanh nghiệp FDI đang giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và việc Việt Nam đang có nhiều nguy cơ biến mình thành công xưởng gia công giá rẻ?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: – Bẫy thu nhập trung bình là tình huống một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập nhất định với một nguồn lực và lợi thế nhất định, mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn.

Về nguyên tắc, không chỉ Việt Nam, mà hầu hết các nước đang phát triển khi đã vượt khỏi mức thu nhập trung bình đều dễ rơi vào bẫy. Những điều dễ nhận thấy của kinh tế Việt Nam là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, tăng trưởng vẫn phải nhờ vào ngoại lực, năng suất lao động thấp…

Ở đây, tôi muốn lưu ý đến sự phụ thuộc quá lớn của kinh tế Việt Nam vào khu vực FDI, một trong những nguy cơ làm đất nước rơi vào trạng thái bẫy thu nhập trung bình.

Khu vực FDI có ý nghĩa rất lớn và quan trọng đối với các quốc gia chậm phát triển đang thiếu vốn. Vấn đề là sử dụng thế nào để đạt hiệu quả cho quốc gia. Khi doanh nghiệp FDI là trung tâm, đầu tàu về khoa học công nghệ và là một điểm thu hút, tạo ra những vệ tinh sản xuất cho nó, có sức lan tỏa đối với cộng đồng doanh nghiệp của quốc gia, thì lúc đó nó trở thành động lực thúc đẩy Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.

Ở chiều ngược lại, nếu doanh nghiệp FDI chủ yếu nhập khẩu linh phụ kiện, sản xuất để bán hàng cho Việt Nam và xuất khẩu, tận dụng lợi thế nào đó của Việt Nam trong nhất thời như lao động giá rẻ, rồi xả thải ra môi trường gây ô nhiễm, làm cho sự cạnh tranh trong nền kinh tế không công bằng sòng phẳng, bằng hình thức chuyển giá, trốn thuế, thì khi ấy nó lại trở thành gánh nặng cho quốc gia.

Khu vực FDI ở Việt Nam chưa làm được điều ở vế đầu tiên và có nhiều dấu hiệu như ở chiều ngược lại vừa đề cập. Chính sách Việt Nam áp dụng cho các doanh nghiệp FDI có quá nhiều ưu đãi, trong khi họ kết nối với các doanh nghiệp trong nước rất kém, không chuyển giao công nghệ, chỉ đến tận dụng nhân công rẻ và môi trường rẻ, nhiều doanh nghiệp xả thải ra môi trường. Nói không ngoa, nếu cứ mê mải với FDI, thế hệ sau ở Việt Nam sẽ phải trả giá.

Điều đáng nói, trước nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình, cái khó của Việt Nam là từ người lao động đến chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước dường như đang thiếu động lực để thoát bẫy. Khi muốn thoát  bẫy, trước hết con người phải tự nhận thức được vấn đề, nhưng ở Việt Nam, vì đã có thu nhập đến mức nào đó có thể chấp nhận được nên người lao động cứ đủng đỉnh. 

Thứ hai, phải có sự thay đổi về cách thức, phương thức quản lý và quan hệ trong xã hội, trong thanh toán và những công việc khác. Nếu không đầu tư công nghệ bài bản, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, thì năng suất thấp, hiệu quả thấp. Nhưng nếu chủ doanh nghiệp không có được cái nhìn tổng thể để thấy rằng phải nhập dây chuyền tốt hơn, phải liên kết với doanh nghiệp khác để chuyên môn hóa, tạo ra chuỗi giá trị sản xuất, thì sẽ cứ luẩn quẩn không vượt lên được.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, nếu tạm yên tâm với cái mình đang có, không bị sức ép sống chết phải tăng trưởng khi lúc đang ở dưới mức thu nhập trung bình, thì chính cơ quan quản lý cũng quên mất việc làm thế nào để tạo động lực cho cá nhân người lao động, doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, bình đẳng và sòng phẳng để vươn lên.

Như bây giờ, trong chính sách vẫn đang tồn tại sự bất bình đẳng giữa DNNN với tư nhân, giữa tư nhân với tư nhân, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI thì làm sao có thể thúc đẩy sự phấn đấu của doanh nghiệp?

PV: – Đứng từ cách tiếp cận này, có ý kiến cho rằng, cách duy nhất để Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình là phải thay đổi mô hình tăng trưởng, tăng trưởng về chất thay vì chỉ về lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư dựa vào các yếu tố khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động…

Ông có đồng tình với quan điểm này không? Ông đánh giá như thế nào về khả năng thực hiện một sự chuyển đổi trong cách thức và mô hình tăng trưởng của Việt Nam vào thời điểm hiện tại?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: – Đúng như vậy và tôi cho rằng, điểm mấu chốt để thoát bẫy thu nhập trung bình là phải nâng cao được năng suất lao động, đồng thời phải có sự liên kết giữa các khâu với nhau. Có công nghệ mới, hiện đại thì đòi hỏi người sử dụng phải nâng cao trình độ và để có được năng suất lao động cao thì phải có sự liên kết để tạo ra sự chuyên môn hóa.

Ở Việt Nam đang tồn tại tình trạng sản xuất theo ý thích chủ quan, mà thiếu sự liên kết giữa khâu sản xuất, chế biến với thị trường. Cách thức của Việt Nam là cách thức của người làm nông nghiệp, cái gì cũng tự lo, tự làm, nên năng suất thấp. Cần phải có công nghệ cao, kỹ thuật mới, đáp ứng được các hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính chất chuyên môn hóa thực sự. Muốn vậy, tất cả các khâu phải liên kết được với nhau. Khi tạo ra được một dây chuyền thống nhất, hợp tác chặt chẽ, khăng khít như vậy thì mới giải quyết được khâu thị trường.

Ở thời điểm hiện tại, sản xuất kinh doanh ở Việt Nam đã có những nét chuyển động nhất định theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp khác, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, kể cả nông nghiệp và công nghiệp, nhưng mới chỉ mang tính khởi động, là mô hình thí điểm ở cấp độ nhỏ lẻ, chưa phải là một trào lưu chung, một sự thay đổi rõ nét.

Để tạo ra được sự thay đổi mạnh mẽ, tổng thể cần có thời gian và đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của cả nền kinh tế, tất cả các cơ quan, ban ngành. Đặc biệt, về phía Nhà nước phải tiên phong thay đổi chứ không phải chỉ dừng ở việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động trong nền kinh tế phát triển.

PV: – Nếu thực sự rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì diện mạo nền kinh tế Việt Nam sẽ thế nào? Ai là người sẽ chịu thua thiệt nhiều nhất trong kịch bản xấu này, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: – Nếu cứ thực sự như hiện nay thì việc mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình là đương nhiên và khó có thể bước qua được. Một khi rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tụt hậu, mãi là người đi sau. Cơ sở vật chất, hạ tầng của đất nước, các ngành công nghiệp, sản xuất của đất nước không có chút vị thế nào, không thể phát triển được. Còn người lao động thì đương nhiên là đối tượng chịu thiệt thòi nhất, khi trong chuỗi giá trị toàn cầu chúng ta hầu như không hiện diện, giá trị tạo ra quá ít và chỉ được hưởng mức thu nhập thấp, không vượt lên được.

Tóm lại, diện mạo kinh tế Việt Nam khi sập bẫy thu nhập trung bình không lấy gì làm tự hào. Và nói thì có chút buồn khi nhìn sang các nước khác, mà Nhật Bản là điển hình. Sau Thế chiến thứ hai, mãi đến năm 1950 Mỹ mới trao lại nền kinh tế cho người Nhật, hàng loạt nhà máy mới được xây dựng, sản lượng công nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực như sắt thép và đóng tàu, tăng nhanh chóng. Đến năm 1967, Nhật Bản quốc tế hóa đồng yên và năm 1970, Nhật Bản trở thành cường quốc thứ hai thế giới về kinh tế, thu nhập đầu người tăng hàng chục lần.

Trong khi đó, Việt Nam đã qua 30 năm đổi mới, nhưng đến nay thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ ở mức 2.400 USD/năm.

Thoát bẫy thu nhập trung bình là một việc rất khó khăn và nếu cứ tiếp tục cách thức, suy nghĩ như hiện nay thì còn lâu Việt Nam mới thoát khỏi bẫy. Quan trọng nhất là phải thay đổi về tư duy và chính sách, cần có sự nỗ lực của cả xã hội, cá nhân người lao động, cơ quan quản lý nhà nước và chủ doanh nghiệp.

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội): Lý do khó thoát bẫy thu nhập trung bình

Điều trở ngại trên con đường thoát bẫy thu nhập trung bình chính là Việt Nam đang cố gắng trở thành công xưởng giá rẻ khi chủ yếu gia công cho nước ngoài. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 400 tỷ USD, trong đó đóng góp chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Bởi chỉ gia công nên phần gia tăng của Việt Nam rất khiêm tốn.

Việt Nam khó thoát bẫy vì tăng trưởng kinh tế không vững chắc, dù chỉ tiêu về GDP đạt cao nhất từ trước đến nay (6,81%). Đằng sau tấm huân chương ấy, chất lượng tăng trưởng vẫn là bài toán chưa giải được. Thành tích xuất nhập khẩu đã dựa vào FDI, về sản xuất trong nước, chưa có mặt hàng nào của Việt Nam mang tính chất đột phá để tạo ra giá trị lớn.

Cách duy nhất để thoát bẫy thu nhập trung bình là phải quyết liệt thay đổi mô hình tăng trưởng, ngay cả tư duy, suy nghĩ về cách làm ăn của Việt Nam cũng phải thay đổi về căn bản.

Lâu nay, doanh nghiệp Việt vẫn giữ kiểu làm ăn chụp giật, “đánh quả”, tranh thủ dự án. Mặt khác, suất đầu tư cho các dự án lớn, nên nó càng đẩy chi phí lên nhưng chất lượng không được như kỳ vọng. Việt Nam đang hội nhập sâu, bài toán cần giải là phải đi vào chất lượng, hay như chúng ta vẫn nói là phải đi vào thực chất.

Thực tế cho thấy, nhiều chủ trương, chính sách đề ra nhưng cách triển khai, thực hiện không đạt hiệu quả cao. Đơn cử như câu chuyện giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội và TP.HCM đến nay vẫn chưa thể làm được. Tại TP.HCM, dù chiến dịch được người dân ủng hộ, nhưng cuối cùng lại chìm xuồng, đến nỗi ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1 phải từ chức. Chuyện đó rất đáng buồn.

Từ câu chuyện ấy, nhìn sang các vấn đề khác cũng thấy tình trạng tương tự, chính sách thì nhiều nhưng cuối cùng đi vào cuộc sống không hiệu quả. Lĩnh vực dịch vụ logistics là một ví dụ khác. Nhà nước đã ban hành một loạt văn bản quản lý hoạt động logistics, như: Quyết định số 169 năm 2014 phê duyệt đề án phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2020; Quyết định 1012 năm 2015 phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; và mới nhất là Quyết định 200 năm 2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Tuy nhiên thực hiện vẫn chưa đâu vào đâu.

Muốn phát triển theo chiều sâu, đi vào chất lượng thì phải hợp tác, liên kết để giảm chi phí, mà liên kết thực chất là giải bài toán logistics. Phát triển đường bộ mà không liên kết với đường sắt, đường sông, đường thủy thì không bao giờ giải quyết được, và ngược lại, phát triển một mình đường sắt cũng không giải quyết được. Bài toán đường sắt Việt Nam thất bại, kém hơn các nước là do vấn đề không kết nối, không liên kết được.

Nguy cơ Việt Nam sa vào bẫy thu nhập trung bình như một số nước là khá hiện hữu. Cho nên, đã đến lúc Việt Nam phải tính toán lại các kế hoạch, các phương án.

Việt Nam đã thành công trong hơn 30 năm đổi mới, đã đến lúc phải chuyển đổi, không thể phát triển bằng sức lao động, phát triển theo chiều rộng mà phải phát triển theo hướng khoa học công nghệ phải chi phối, chọn các lĩnh vực, ngành nghề cho ra tấm ra món.

Chừng nào còn tư tưởng làm ăn theo kiểu đánh quả, chụp giật, theo kiểu chiến dịch, phong trào, thì khó đi vào thực chất, đi vào chiều sâu được. Nếu không có những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chuyên sâu thì không thể nào cho ra được những sản phẩm độc đáo, khác biệt, có giá trị gia tăng lớn.

Rơi vào bẫy thu nhập trung bình, kinh tế Việt Nam sẽ tụt hậu, và thực tế so với Lào, Campuchia, có những cái Việt Nam đã yếu thế hơn, điển hình là năng suất lao động.

RELATED ARTICLES

Tin mới