Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinMục đích thực sự của Trung Quốc trong việc chế tạo tên...

Mục đích thực sự của Trung Quốc trong việc chế tạo tên lửa đẩy KZ-1

Kênh truyền hình CCTV9 vừa phát sóng bộ phim tài liệu có tên gọi “Trung Quốc đổi mới”, trong đó đã xuất hiện một phương tiện phóng vệ tinh rất lạ mắt.

Tên lửa vũ trụ KZ-1 của Trung Quốc trên xe mang phóng tự hành

Theo truyền thông Trung Quốc, phương tiện này chính là tên lửa đẩy vũ trụ KZ-1, nó có “họ hàng” rất gần gũi với dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong (Dongfeng) của nước này, được thiết kế cho mục đích đưa vệ tinh cỡ nhỏ lên quỹ đạo trong trường hợp khẩn cấp với chi phí rẻ hơn đáng kể so với phương thức truyền thống.

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc công khai phương tiện mang phóng đặc biệt trên mà từ tháng 11/2014 họ đã thử nghiệm cách phóng vệ tinh nhanh tại Trung tâm vũ trụ Cửu Tuyền và ngày 25/9/2017 vừa qua, loại tên lửa này đã đưa thành công một vệ tinh lên quỹ đạo.

Tên lửa vũ trụ KZ-1 sử dụng nhiên liệu rắn, cho phép nó có thể được vận chuyển thông qua xe mang phóng tự hành không khác gì lên tên lửa đạn đạo, giúp Bắc Kinh đưa ra phản ứng tức thời trong trường hợp các cơ sở mặt đất bị đánh phá đến mất khả năng hoạt động trong điều kiện chiến tranh.

Truyền thông Trung Quốc nói thêm rằng nước này cần bắt đầu xây dựng “Hệ thống chiến đấu phản ứng nhanh không gian”. Khái niệm này lần đầu được đề xuất bởi Quân đội Mỹ để dự phòng viễn cảnh một vệ tinh bị hư hỏng khi bị kẻ thù tiến hành các biện pháp phá hoại, lúc đó sẽ phải có một phương tiện thay thế trong thời gian ngắn.

Việc đưa một vệ tinh nhỏ, nhẹ lên quỹ đạo thông qua tên lửa đẩy cơ động trên xe mang phóng tự hành sẽ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống chiến thuật, ngoài thời gian khắc phục nhanh, chi phí tiết kiệm thì còn triển khai được với số lượng lớn hơn cách thông thường.

Đồng thời khái niệm trên còn được mở rộng hơn, đó là một vệ tinh có thể đưa lên quỹ đạo bất cứ lúc nào theo yêu cầu của giới chức quân sự để đảm nhiệm vai trò cung cấp thông tin hay đáp ứng nhu cầu đa dạng của chiến trường.

Bên cạnh đó, báo chí Trung Quốc còn tự hào rằng tuy là quốc gia đưa ra khái niệm về “Hệ thống chiến đấu phản ứng nhanh không gian” nhưng chương trình trên của Hoa Kỳ chưa về tới đích do gặp phải nhiều khó khăn về kỹ thuật hay công nghệ. Bằng việc đưa thành công vệ tinh lên quỹ đạo vào năm ngoái, Bắc Kinh đã vượt qua cả Washington.

Không chỉ có vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự thì thông qua tên lửa đẩy KZ-1, ngoài việc đưa vệ tinh lên vũ trụ thì nó còn đảm nhiệm thêm được cả vai trò tên lửa chống vệ tinh khi cần thiết, dựa vào khả năng cơ động cao và tầm bay rất lớn của mình.

Rõ ràng, trong tay Quân đội Trung Quốc đang có một phương tiện đa dụng vô cùng lợi hại, tiềm lực quân sự và khoa học công nghệ của họ đang ngày càng phát triển và tiệm cận với những cường quốc hàng đầu trên thế giới, không thể bị xem nhẹ trong cả hiện tại lẫn tương lai gần.

RELATED ARTICLES

Tin mới