Tuesday, November 5, 2024
Trang chủBiển nóngTàu ngầm hạt nhân TQ bẽ mặt vì nổi gần Nhật Bản

Tàu ngầm hạt nhân TQ bẽ mặt vì nổi gần Nhật Bản

Các chuyên gia quân sự cho rằng tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc có thể chạy quá ồn nên dễ dàng bị hải quân Nhật Bản phát hiện khi gần đây tiến gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước.

Chiếc tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc nổi lên gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gần đây. Ảnh: Japan Times.

Sau vụ một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc bị hải quân Nhật Bản phát hiện khi vẫn đang ẩn dưới vùng biển tranh chấp ở Hoa Đông, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng con tàu này quá dễ bị phát hiện.

Tàu ngầm lớp Shang dài 110m của Hải quân Trung Quốc nổi lên mặt nước trên vùng biển quốc tế với lá cờ Trung Quốc trên nóc hôm 12/1 sau khi bị Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản theo dõi trong 2 ngày.

Một số chuyên gia quân sự tin rằng, con tàu này bị buộc phải nổi lên, nhưng một số người khác nói rằng chưa đủ thông tin để khẳng định điều đó. Báo Hong Kong South China Morning Post cho biết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa phản hồi câu hỏi của họ về vấn đề này.

Điều đã được báo chí đăng tải rộng rãi là tàu ngầm Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa đầy 24 hải lý. Nằm giữa Đài Loan và quần đảo Okinawa ở phía nam Nhật Bản, quần đảo không có người ở này đang do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Đó là lần đầu tiên một tàu ngầm của hải quân Trung Quốc tiến gần quần đảo tranh chấp như vậy, dẫn đến suy đoán rằng đó là hành động cố tình của Trung Quốc nhằm thể hiện yêu sách chủ quyền của họ.

Nhưng theo các chuyên gia quân sự, việc con tàu nổi lên sớm và lâu như vậy cho thấy nó chạy không đủ êm. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, các tàu và máy bay chống ngầm của họ đã theo dõi tàu ngầm Trung Quốc từ ngày 10/1. Chiếc tàu ngầm hạt nhân này của Trung Quốc được đưa vào sử dụng từ năm 2006, đang thực hiện nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương.

Hai tàu ngầm kiểu 093 được chế tạo trong những năm 2000 và ít nhất 2 tàu ngầm khác kiểu 093A được đưa vào biên chế trong năm 2016, theo báo cáo của Quốc hội Mỹ năm 2017.

Nhật Bản không nói con tàu của Trung Quốc mà họ vừa phát hiện có phải một trong những tàu đời đầu hay tàu được nâng cấp, nhưng các chuyên gia nói rằng đó là loại tàu mới. Loại tàu này được cho là có hệ thống phóng tên lửa hành trình chống hạm Y-18 theo phương thẳng đứng, và được kỳ vọng sánh ngang với các tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ hoặc ít nhất cũng chạy êm hơn thế hệ tàu 091 lớp Han nổi tiếng chạy ồn của Trung Quốc.

“Đây đúng là nỗi xấu hổ của hải quân”, South China Morning Post dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên ở Bắc Kinh bình luận. Nguồn tin này nói rằng, con tàu bị phát hiện vì quá ồn ào.

Vụ việc cũng thể hiện năng lực chống ngầm rất tốt của Nhật Bản khi nước này có sự hỗ trợ công nghệ của quân đội Mỹ, nhà bình luận quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh đánh giá. “Việc bị phát hiện cũng không quá tệ, vì sẽ thúc đẩy người Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để tàu ngầm chạy êm hơn. Là một cường quốc quân sự, Trung Quốc phải đủ tự tin để che giấu những điểm yếu và thất bại của mình”, ông Zhou nói.

Nhiều bất thường

Một điều bất thường khác được các chuyên gia chỉ ra là việc một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (bình thường có thể lặn dưới nước cả tháng) nổi lên mặt nước ngay trước mắt hải quân của nước khác, vì những tàu kiểu này thường phải ẩn mình và không để bị phát hiện.

“Một khi tàu ngầm bị phát hiện và tiếng động của nó bị ghi lại thì sẽ rơi vào thế cực kỳ bất lợi”, ông Li Jie, một nhà nghiên cứu công tác tại Viện Nghiên cứu hải quân ở Bắc Kinh, đánh giá.

Năm 2004, một tàu ngầm lớp Han 091 của Trung Quốc bị phát hiện khi đi qua vùng biển của Nhật Bản. Con tàu vẫn lặn cho đến khi trở lại vùng biển của Trung Quốc cho dù bị các tàu và máy bay Nhật Bản truy đuổi và thả phao âm thanh để thu thập âm thanh.

Theo chuyên gia quân sự Antony Wong Dong làm việc ở Macao (Trung Quốc), lần này tàu ngầm của Trung Quốc bị ép phải nổi lên. Chuyên gia này cho rằng, hải quân Trung Quốc thật không khôn ngoan khi để con tàu bị lộ đặc điểm và bị chụp ảnh.

Ông Wong cũng bác bỏ ý kiến cho rằng con tàu khi đó cắm cờ Trung Quốc để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư vì nó đã nổi trên vùng biển quốc tế.

“Nếu họ muốn khẳng định yêu sách chủ quyền thì sao con tàu không đi vào vùng lãnh hải của quần đảo?”, ông Wong nói.

Cắm cờ là cách làm thông thường khi một tàu ngầm nổi lên trên vùng biển quốc tế. Nhưng ông Li cho rằng, có thể giải thích theo cách khác là con tàu Trung Quốc khi đó cần liên lạc thông suốt hơn, hoặc đang gặp vấn đề về định vị hoặc kỹ thuật.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, một tàu khu trục của Trung Quốc cũng bị phát hiện trong ngày tiếp theo phát hiện tàu ngầm gần quần đảo tranh chấp, nhưng không rõ tàu khu trục này có còn ở khu vực đó khi tàu ngầm nổi lên hay không.

Theo báo cáo của Quốc hội Mỹ, hải quân Trung Quốc có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lên 6 trước khi hoàn thành thế hệ tàu ngầm tiếp theo là loại 095 – với hy vọng loại này sẽ êm hơn đáng kể khi được sử dụng vào năm 2020.

RELATED ARTICLES

Tin mới