Thách thức đối với an ninh của Mỹ hiện nay chưa hẳn đã là Triều Tiên, thách thức mà Trung Quốc đang tạo ra ở Thái Bình Dương mới thực sự đe dọa lợi ích của Mỹ.
Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên vẫn đang thu hút sự quan tâm của thế giới, khi mà những đợt “sóng ngầm” vẫn đang âm ỉ và có thể nổ ra thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, còn một thực tế khác nữa cũng không kém phần “nóng” ở khu vực này, đó là các đồng minh của Hoa Kỳ ở tây Thái Bình Dương hiện đang hết sức lo lắng trước những thách thức từ Trung Quốc.
Trung Quốc gia tăng tập trận, tuần tra khiến Nhật Bản, đảo Đài Loan quan ngại
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh các cuộc tập trận không quân và hải quân, cũng như tiến hành các hoạt động tuần tra ở các khu vực nhạy cảm gần đảo Đài Loan và Nhật Bản.
Động thái này của Bắc Kinh được cho là một phần nằm trong nỗ lực mở rộng sự hiện diện quân sự của nước này về tây Thái Bình Dương.
Theo thống kê của cơ quan quốc phòng Đài Loan, tính từ tháng 10/2016 đến hết tháng 12/2017 lực lượng Không quân Trung Quốc đã tiến hành 16 cuộc tập trận gần không phận hòn đảo này, tạo ra mối đe dọa thường trực đối với vùng lãnh thổ Đài Loan.
Bên cạnh đó, giữa tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã điều động một số máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay do thám vượt qua eo biển Tsushima tới biển Nhật Bản để thực hiện bài “kiểm tra khả năng chiến đấu ngoài đại dương”.
Trong năm 2017, Trung Quốc đã nhiều lần đưa tầu tuần tra đi vào khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.
Đầu tháng 1 vừa rồi, Trung Quốc lại tiếp tục điều một tàu khu trục cỡ nhỏ và một tàu ngầm đi vào khu vực này.
Những động thái tập trận và tuần tra liên tục của Trung Quốc đã khiến Đài Loan và Nhật Bản hết sức quan ngại, vì cho rằng những hành động này của Bắc Kinh đang đe dọa lợi ích an ninh của họ và làm mất ổn định khu vực.
Các máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc đang đợi cất cánh trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trong một cuộc tập trận ở vịnh Bột Hải (Ảnh: Reuters) |
Vì vậy, đáp lại các cuộc tập trận và tuần tra của Trung Quốc, Nhật Bản luôn đặt lực lượng phòng vệ bờ biển của nước này trong tình trạng báo động và thành lập khẩn cấp một trung tâm xử lý nguy cơ nhằm ứng phó với các thách thức từ Trung Quốc.
Còn nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn không ngừng chỉ trích các hành động tập trận của Trung Quốc đang tạo ra nguy cơ xung đột giữa hai bờ eo biển, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngay các hoạt động này.
Trong khi đó, Trung Quốc lại cho rằng, các hoạt động tập trận và tuần tra ở khu vực biển xa chỉ là các hoạt động thường xuyên đã được lên kế hoạch từ trước nhằm “bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.
Tuy nhiên, cả Nhật Bản và Đài Loan đều rất quan ngại trước những hành động quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Cả hai nước này đều coi đây như là một phần trong chiến lược “bắp cải” của Bắc Kinh nhằm tạo ra nhiều lớp vòng vây an ninh bao quanh các khu vực nhạy cảm (không phận đảo Đài Loan và vùng biển đang tranh chấp với Nhật Bản).
Tàu hộ vệ Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Hoa Đông hồi đầu tháng 12/2017 (Ảnh: Reuters) |
Bắc Kinh cũng ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn đối với Hoa Kỳ
Không chỉ tạo ra thách thức đối với các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực, Trung Quốc còn ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn với Washington trong xử lý các mối quan hệ.
Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện các tương tác với Chủ tịch Tập Cận Bình chủ yếu tập trung vào vấn đề khủng hoảng Triều Tiên và hoạt động thương mại song phương giữa hai nước.
Mặc dù vậy nhưng Bắc Kinh lại có cách tiếp cận khác hơn khi thường xuyên đưa ra những tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền” trên biển của Trung Quốc.
Từ những tuyên bố “chủ quyền” phi lý này, Trung Quốc ngày càng tạo ra thách thức đối với các nước trong khu vực có cùng yêu sách và lợi ích trên biển với Bắc Kinh, trong đó có các đồng minh và đối tác của Washington.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng luôn đưa ra những chỉ trích và răn đe gay gắt đối với các hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ theo đúng luật pháp quốc tế trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Bắc Kinh luôn rêu rao rằng, các hoạt động tuần tra của Washington đã xâm phạm “chủ quyền” của Trung Quốc.
Đồng thời, Trung Quốc đã lợi dụng ngay vào các hoạt động tuần tra hợp pháp của Hoa Kỳ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông để cáo buộc Washington đang tạo ra thách thức đối với Bắc Kinh;
Từ đó thúc đẩy nhanh hơn việc thực hiện ý đồ quân sự hóa và thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trung Quốc đang thách thức lợi ích của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (Ảnh: AP) |
Đến nay dường như Hoa Kỳ đã nhận thức được đầy đủ những thách thức từ Trung Quốc.
Bởi vậy, trong Chiến lược quốc phòng mới mà Lầu Năm Góc công bố hồi tuần trước, Washington đã lên án hành động quân sự hóa và thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông của Bắc Kinh, coi đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích an ninh của Hoa Kỳ.
Ngay sau đó Trung Quốc đã phản đối lại những chỉ trích này của Hoa Kỳ và cáo buộc Washington đang theo đuổi tư duy Chiến tranh Lạnh giữa các cường quốc.
Đồng thời, Bắc Kinh tìm cách đổ lỗi cho “các quốc gia khác” đang tạo ra thách thức “chủ quyền” trên biển của Trung Quốc.
Chính sách của Washington hiện nay là chưa đủ để đồng minh tin tưởng
Trong khi các thách thức từ Trung Quốc đối với lợi ích an ninh của Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác của Washington ở tây Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng, thì các chính sách của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ đồng minh, đối tác và chính lợi ích của họ lại chưa đủ để kiềm chế thách thức từ Bắc Kinh.
Bởi vì, với chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump cùng những phản ứng chậm chạm, thiếu mạnh mẽ và thiếu quyết đoán trước những thách thức đặt ra từ Trung Quốc, đang làm dấy lên mối quan ngại của các đồng minh và đối tác về độ tin cậy của Hoa Kỳ trong việc giúp ngăn chặn áp lực từ Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (Ảnh: AP) |
Ngoài mục tiêu dài hạn sẽ thống nhất Đài Loan về Trung Quốc đại lục, Bắc Kinh còn luôn xác định mục tiêu chiến lược trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm độc chiếm và chi phối toàn bộ Thái Bình Dương rồi tiến về Ấn Độ Dương.
Thế nhưng với chính sách bảo vệ “chưa đủ sức nặng” cùng tính cách khó đoán định của Tổng Thống Donald Trump đã khiến các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trở nên dao động lòng tin.
Do đó, họ phải điều chỉnh chính sách để tự chủ hơn trong việc bảo vệ lợi ích an ninh cũng như nâng cao năng lực phòng thủ của họ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của hãng tin Sputnik, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã đưa ra tuyên bố:
Đài Loan sẽ tăng chi ngân sách quốc phòng lên ít nhất 3% mỗi năm để mua sắm các loại vũ khí hiện đại nhằm đối phó với Trung Quốc.
Hồi tháng trước, chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua khoản chi ngân sách quốc phòng năm 2018 của nước này lên mức kỷ lục, vào khoảng 47 tỷ USD.
Trong đó ngoài việc sẽ chi cho mua sắm tên lửa để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên, còn lại sẽ tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực phòng vệ trên biển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chủ động tổ chức một cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull vào tuần trước tại một căn cứ quân sự của nước này, để thúc đẩy nỗ lực hình thành liên minh “tứ cực” giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhằm bảo vệ an ninh và sự ổn định trong khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: AP) |
Như vậy, những thách thức đối với lợi ích an ninh của Hoa Kỳ hiện nay chưa hẳn đã là Triều Tiên.
Vì rõ ràng chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của nước này chỉ nhằm để tự vệ.
Trong khi đó, các thách thức mà Trung Quốc đang tạo ra ở Thái Bình Dương dường như mới thực sự đe dọa lợi ích an ninh chiến lược của Hoa Kỳ.
Do đó, nếu Washington tập trung quá nhiều vào Triều Tiên, trong khi lại nơi lỏng trước các thách thức khác ở Thái Bình Dương – nơi mà Hoa Kỳ có quá nhiều lợi ích chiến lược, để đến khi mọi hiện trạng đã thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc, lúc đó Washington muốn kiềm chế hay đảo ngược xem ra cũng khó mà thành công.