Chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng và tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam có thể gửi đi một thông điệp cứng rắn của Hoa Kỳ tới Trung Quốc về Biển Đông.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có chuyến thăm Hà Nội, gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam.
Trang web của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hai bên đã chia sẻ những quan ngại về tự do hàng hải và “tôn trọng luật pháp quốc tế”, những điều mà khả năng liên quan đến tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo kế hoạch, một tàu sân bay Mỹ sẽ ghé thăm Việt Nam vào tháng 3.
Theo VOA, ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Chuyến thăm của ông Mattis và chuyến thăm của tàu sân bay vào tháng 3 là nhằm gửi tín hiệu tới Trung Quốc về hành vi quyết đoán của họ ở Biển Đông”.
“Các chuyến thăm này là một phần của một loạt các bước đi của Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm gần đây nhằm tăng cường mối quan hệ chính trị và an ninh khi Trung Quốc đang trỗi dậy và gia tăng các hoạt động ở Biển Đông”, ông nói.
Ông Sean King, phó chủ tịch Tư vấn Chiến lược Park, New York cho biết chuyến thăm Việt Nam của ông Mattis trong tháng này cho thấy một “đường hướng cứng rắn hơn với Bắc Kinh”.
“Quan hệ với Việt Nam hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết khi chúng ta dường như đã mất Philippines trong vấn đề Biển Đông”, ông King nói.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã trở nên lạnh nhạt với đồng minh lâu năm Hoa Kỳ nhằm tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc kể từ tháng 10 năm 2016. Ông Duterte cũng phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế về Biển Đông, một chiến thắng của Philippines trong đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển.
Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động xây dựng và trang bị quân sự trên Biển Đông.
Nhiều lãnh đạo hải quân Mỹ phê phán cựu Tổng thống Obama đã không cho phép các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, theo tạp chí Hải quân (Navy Times) của Mỹ. Trong thời gian đó, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự, tạp chí này cho biết.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã thể hiện một số động thái cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông. Tháng 7, ông phê duyệt kế hoạch một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.
Tháng 5, tàu chiến Mỹ đã tiến hành ‘cuộc thao diễn’ trong phạm vi 12 hải lý của hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Động thái này chưa từng xảy ra dưới thời Obama và được cho là một thách thức trực tiếp đến hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại khu vực.