Giới phân tích Mỹ cho rằng giữa nước này và Ấn Độ tồn tại khác biệt về ưu tiên hợp tác gây cản trở cho một liên minh thực sự.
Chưa thể hình thành liên minh
Theo trang Stratfor, Mỹ muốn củng cố quan hệ đối tác quốc phòng với Ấn Độ như một phần của nỗ lực rộng hơn nhằm đối phó với ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc tại khu vực và trên thế giới.
Ấn Độ cũng muốn thách thức Trung Quốc bằng cách tái khẳng định mình trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và chính trị của Đông Nam Á trong bối cảnh nước này theo đuổi chính sách “Hành động phía Đông”.
Tuy nhiên, dù hai nước có chung một đối thủ, song Washington và New Delhi có những mục tiêu khác nhau trong nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh. Sự khác biệt trong các chiến lược rốt cuộc sẽ cản trở Mỹ và Ấn Độ cải thiện quan hệ hợp tác tại khu vực.
Tiến độ củng cố quan hệ giữa Washington và New Delhi vẫn còn xa mới đạt được ngưỡng liên minh và điều này khiến Mỹ thất vọng.
Ấn Độ có truyền thống tự chủ về chiến lược và không thích thành lập các liên minh. Đây sẽ tiếp tục là mấu chốt trong quan hệ của nước này với Mỹ.
Đơn cử như New Delhi đã nhất trí chỉ ký một trong 3 hiệp định căn bản với Washington để trở thành đối tác quốc phòng của Mỹ. Văn bản có sửa đổi này là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài tới 10 năm và chỉ nhằm để hai nước có thể sử dụng căn cứ của nhau để tiếp nhiên liệu, do đó khó có thể xem đây là một bước nhảy vọt cho hợp tác quốc phòng.
Mặt khác, Mỹ và Ấn Độ cũng có những quan điểm khác nhau đối với vấn đề Biển Đông dù cùng chung quan ngại về các vùng biển tranh chấp.
Năm 2016, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã từ chối tiến hành tập trận chung với Hải quân Mỹ tại những vùng biển đang tranh chấp trên Biển Đông. Trong bối cảnh cả hai bên đều tăng cường quân sự dọc biên giới, có lẽ Ấn Độ sẽ tránh vượt quá ranh giới với Bắc Kinh.
Thay vào đó, New Delhi tập trung vào Ấn Độ Dương – một ưu tiên cao hơn đối với Ấn Độ do tầm quan trọng kinh tế của vùng biển này đối với họ. Giống như Mỹ, Ấn Độ phải bảo vệ các tuyến đường biển phục vụ những hoạt động mậu dịch then chốt của mình như nhập khẩu xăng dầu và tinh lọc dầu ở ngoài khơi.
Tàu hải quân của Mỹ và Ấn Độ tập trận chung trên Ấn Độ Dương |
Trung Quốc đang tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương. Bắc Kinh không chỉ có kế hoạch phát triển cảng Gwadar ở Pakistan và cảng Hambantota của Sri Lanka mà còn triển khai mỗi năm 8 tàu Trung Quốc tới khu vực dưới danh nghĩa là chống cướp biển.
Chưa hết, Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Pakistan, Bangladesh và Thái Lan để bán cho những nước này tàu ngầm, trong đó có các tàu chạy bằng dầu diesel lớp Nguyên và lớp Minh.
Những diễn biến này lý giải tại sao năm ngoái Ấn Độ tuyên bố họ sẽ tăng cường các cuộc tuần tra tại Ấn Độ Dương bằng cách triển khai ít nhất 12 tàu để giám sát tất cả các tuyến hàng hải trọng yếu.
Theo Stratfor, mặc dù cả hai nước tiếp cận vấn đề ở những góc độ khác nhau, song Ấn Độ và Mỹ đều coi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc là lý do chính đáng để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
Vùng biển mênh mông nối liền Tây và Đông bán cầu sẽ đóng vai trò ngày càng quyết định đến “cuộc chơi” chính trị quyền lực trong những năm tới. Trong quá trình đó, Mỹ sẽ tiếp tục khuyến khích Ấn Độ ứng phó với Trung Quốc – đối thủ đáng gờm nhất của nước này trong cuộc đua giành quyền chỉ huy các đại dương trên
Trò đùa của Trung Quốc?
Trang phân tích Á-Âu mới đây cũng có bài phân tích chỉ ra mối quan hệ không thực sự rõ ràng giữa Mỹ và Ấn Độ. Điển hình là trong cuộc xung đột ở Doklam hồi giữa năm 2017, Mỹ đã không thể hiện sự ủng hộ một cách rõ ràng đối với Ấn Độ.
Ngoài một bình luận hiếm hoi kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột trên, Washington không đưa ra bất cứ tuyên bố nào ủng hộ New Delhi.
Cuộc xung đột này cho thấy mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố củng cố mối liên kết chiến lược với Ấn Độ, Chính quyền Mỹ vẫn ưu tiên cho các lợi ích của họ trong quan hệ với Trung Quốc và các đối tác trong khu vực như Nhật Bản.
Ấn Độ ở mức thấp hơn nhiều trong danh sách thứ tự ưu tiên (của Mỹ) so với những gì người ta vẫn tưởng.
Mối quan hệ Mỹ-Ấn không mặn nồng như vẫn tưởng? |
Việc thiếu sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ đối với Ấn Độ đã được giải thích theo nhiều cách. Có ý kiến cho rằng do Chính quyền của Tổng thống Trump phải ưu tiên cho các vấn đề chính trị trong nước và sự vắng mặt của Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, điều này dường như không chắc đã đúng bởi Mỹ luôn nhanh chóng chỉ ra hành vi sai trái của quốc gia khác, đặc biệt là với Chính quyền Tổng thống Trump và “chiến thuật ngoại giao qua mạng xã hội Twitter” của ông Trump.
Cũng khó để tin rằng sự vắng mặt của một đại sứ Mỹ sẽ ngăn Tổng thống Mỹ đưa ra chỉ trích nhằm vào Trung Quốc như ông vẫn thường xuyên làm trong suốt chiến dịch tranh cử.
Một lập luận khác cho rằng Mỹ không muốn “gây thù chuốc oán” với Trung Quốc bởi họ cần nước này gây sức ép buộc Triều Tiên chấm dứt tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, giả thuyết này cũng thiếu sức thuyết phục. Tình hình Triều Tiên nóng lên từ tháng 1/2017, trong khi vào tháng 2, Tổng thống Trump đã ra tuyên bố ủng hộ những yêu sách của Nhật Bản đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, một động thái không được Bắc Kinh chấp nhận.
Tổng thống Mỹ D. Trump trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 11/2017 |
Cũng có ý kiến cho rằng Ấn Độ đã yêu cầu Mỹ không đưa ra bất cứ tuyên bố nào vì lo ngại sự dính líu của Mỹ sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng, điều mà New Delhi muốn tránh.
Trang phân tích Á-Âu bày tỏ hoài nghi với hàng loạt cách giải thích khác về thái độ của Mỹ và kết luận rằng mối quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn không mạnh như mọi người vẫn nghĩ.
Quan hệ Mỹ-Ấn chưa thể so sánh với các mối quan hệ của Mỹ với những đối tác khác như Nhật Bản, và lợi ích của Mỹ ở Trung Quốc vẫn “đánh bật” mối quan hệ giữa New Delhi và Washington.
Mặc không thể xác định chính xác các động cơ của Trung Quốc đằng sau dự án xây dựng một con đường ở Doklam, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã tìm cách làm phép thử đối với mối quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn được cho là đang cải thiện.
Nếu đúng như vậy, Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu của họ và có thể gieo rắc nghi ngờ. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể khiến Trung Quốc phải trả giá đắt vì sự quyết tâm của họ có thể dẫn đến hậu quả không thể lường trước là kéo New Delhi xích lại gần Washington hơn.