Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiASEAN và bài toán xóa đói nghèo, thu hẹp khoảng cách phát...

ASEAN và bài toán xóa đói nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển

Nỗ lực xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển thực sự đã trở thành một cuộc đua trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi mà đây đang là những thách thức không nhỏ đặt ra với cả ASEAN cũng như nhiều nước thành viên.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga – Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 56 của Ủy ban Phát triển Xã hội (CSocD) trực thuộc Hội đồng Kinh tế – Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) ngày 29-1 đã nhấn mạnh, ASEAN cam kết mạnh mẽ với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đồng thời khẳng định xóa nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển luôn là những ưu tiên hàng đầu của hiệp hội.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng là người đại diện cho ASEAN để lên tiếng tại phiên họp có chủ đề “Xóa nghèo vì mục tiêu phát triển bền vững cho tất cả mọi người” của CSocD nhằm tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực xóa nghèo, đánh giá việc triển khai các kế hoạch và chương trình hành động của Liên hợp quốc về người khuyết tật, người già, thanh niên và gia đình. 

Những năm qua, không chỉ là tổ chức khu vực thành công, ASEAN còn là khu vực phát triển kinh tế năng động trên thế giới với nhiều quốc gia trong Hiệp hội luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Với tổng số khoảng 600 triệu dân, ASEAN hiện đã trở thành một trung tâm thương mại quan trọng trong bản đồ kinh tế toàn cầu, là nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới và thứ 3 châu Á với GDP đạt 2.550 tỷ USD năm 2016.

Nhờ phát triển kinh tế cũng như những chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách để xóa đói giảm nghèo, ASEAN đã đạt được những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực này. Trong thập kỷ qua, tỷ lệ người nghèo, người cực nghèo đã được giảm ở các nước thành viên đến hơn 4 lần, đặc biệt là giảm số người thuộc diện đói nghèo cùng cực từ 138 triệu người năm 2000 xuống 44 triệu người năm 2015. 

Trong số các thành viên ASEAN, Việt Nam không chỉ được khu vực,  cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận về những thành tựu mà còn được xem là hình mẫu trên thế giới về xóa đói giảm nghèo. Trong 15 năm qua, đã có khoảng 43 triệu người dân Việt Nam thoát khỏi nghèo đói; tỷ lệ nghèo giảm từ mức 29% năm 2002, xuống chỉ còn 8,4% năm 2014.

Dù vậy, ASEAN vẫn đang phải đứng trước những thách thức lớn về việc xóa đói giảm nghèo cũng như thu hẹp khoảng cách trong từng quốc gia thành viên cũng như giữa các nước thành viên với nhau. Khẳng định xóa nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển luôn là những ưu tiên hàng đầu của ASEAN, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nêu rõ, việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025 đã thể hiện cam kết và quyết tâm của các nước thành viên nhằm hiện thực hóa Cộng đồng hòa bình, thịnh vượng, tự cường, thu nạp và hướng tới người dân.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho biết, tại các hội nghị cấp cao vào tháng 11-2017, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố về Sáng tạo với các nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng các chính sách và môi trường thể chế thuận lợi cho khoa học, công nghệ và sáng tạo (STI) nhằm phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm và trao quyền cho người dân.

Đại sứ nêu những nỗ lực của ASEAN thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của người dân qua việc triển khai các chương trình như Thập kỷ Người khuyết tật, Trao quyền Kinh tế cho phụ nữ, Chỉ số Phát triển thanh niên… Cùng với nỗ lực của Hiệp hội, ASEAN coi trọng hợp tác quốc tế để thực hiện ưu tiên xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó đặc biệt là nỗ lực của ASEAN và Liên hợp quốc thúc đẩy tính bổ trợ giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình Nghị sự 2030 mà xóa nghèo được xác định là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên…

RELATED ARTICLES

Tin mới