Áp đặt một lệnh cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ cho Triều Tiên sẽ đồng nghĩa với một sự phong tỏa hoàn toàn và sẽ bị Bình Nhưỡng coi là một hành động tuyên chiến, Đại sứ Nga tại Triều Tiên hôm qua (31/1) đã thận trọng cảnh báo như vậy.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó có biện pháp cắt giảm hoạt động nhập khẩu xăng dầu của Bình Nhưỡng. Đây được xem là đòn đáp trả mạnh tay của Liên Hợp Quốc đối với vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên.
Đại sứ Nga tại Triều Tiên – ông Alexander Matsegora vừa lên tiếng phản đối viễn cảnh cắt đứt hoàn toàn hoạt động cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên. “Nếu hoạt động cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ bị cắt đứt, đều đó đồng nghĩa với sự phong tỏa hoàn toàn đối với Triều Tiên”, ông Matsegora cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Ria Novosti ngày hôm qua. Bình Nhưỡng liên tục cảnh báo, một động thái như vậy sẽ “được coi là hành động tuyên chiến và nó sẽ dẫn đến mọi hậu quả”.
Ông Matsegora cho biết, các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu mỏ cho Triều Tiên xuống còn khoảng 540.000 tấn từ Trung Quốc và khoảng 60.000 tấn từ các nước khác mỗi năm.
“Chúng ta không thể hạ thấp mức trên thêm nữa”, ông Matzegora nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Nga, tình trạng thiếu hụt năng lượng sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng về mặt nhân đạo. “Các đại diện chính thức của Bình Nhưỡng nhiều lần nhấn mạnh rõ, một sự phong tỏa như vậy sẽ được Triều Tiên coi là hành động tuyên chiến và nó sẽ dẫn đến tất cả những hậu quả kéo theo sau đó”.
Bắc Kinh được tin là nguồn cung cấp chính của Bình Nhưỡng, chiếm khoảng gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu năng lượng và giao dịch thương mại với Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt mới đã dẫn đến tình trạng sụt giảm 50% giao dịch thương mại Trung-Triều trong tháng 12 vừa rồi.
Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện nay được 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua, Washington còn áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương. Những động thái như vậy luôn bị Moscow chỉ trích, miêu tả là hành động không thể chấp nhận theo luật quốc tế.
Washington vẫn đang kêu gọi các đồng minh gia tăng sức ép với Triều Tiên trong cuộc họp ở Vancouver gần đây. Cuộc họp do Mỹ và Canada đồng chủ trì hồi giữa tháng 1 đã chứng kiến 20 quốc gia nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Nga và Trung Quốc – hai nước không được mời đến cuộc họp ở Vancouver – đã lên án gay gắt bước đi trên. Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, cuộc họp ở Vancouver là một minh chứng cho sự “coi thường” thẩm quyền của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nga cũng nói thêm rằng, cuộc họp ở Canada không đưa ra được bất kỳ biện pháp thay thế nào cho sáng kiến của Nga và Trung Quốc nhằm tháo ngòi nổ trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Moscow và Bắc Kinh đưa ra sáng kiến “chấm dứt kép” theo đó Mỹ và Hàn Quốc sẽ ngừng các cuộc tập trận chung để đổi lấy việc Triều Tiên chấm dứt tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên, sáng kiến này nhanh chóng bị Mỹ bác bỏ.
Trong một diễn biến mới nhất, trong thông điệp liên bang đầu năm trước Quốc hội Mỹ hôm 30/1, Tổng thống Donald Trump thề sẽ tiếp tục tăng cường áp lực lên Triều Tiên để ngăn chặn nước này phát triển các tên lửa có thể vươn tới nước Mỹ.