Wednesday, January 8, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ "đe nẹt" Singapore và Nhật Bản

TQ “đe nẹt” Singapore và Nhật Bản

Trong quan hệ Trung Quốc – Singapore xảy đến là do chính sách Biển Đông của Singapore đã “xâm phạm lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Thủ Tướng Singapore và chủ tịch TQ Tập Cận Bình

Singapore đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2018, đồng thời còn là quốc gia điều phối viên quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc.

Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, với vai trò kép nói trên, Singapore sẽ là chìa khóa để phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN – Trung Quốc trong năm nay.

Những năm gần đây, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore đã có lúc gập ghềnh sóng gió.

Mùa thu năm ngoái, Singapore đã có “sáng kiến để cải thiện quan hệ với Trung Quốc” với chuyến thăm chính thức Bắc Kinh của Thủ tướng Lý Hiển Long trước thềm Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Quan hệ Trung Quốc – Singapore “đã dần trở lại bình thường”, tuy nhiên theo Thời báo Hoàn Cầu, quốc đảo này có thể sẽ phải đối phó với một số thách thức.

Chất vấn và cảnh báo Singapore

Thứ nhất, Thời báo Hoàn Cầu đặt câu hỏi, Singapore sẽ tiếp tục “đi dây” giữa các cường quốc hay không?

Trong nhiều năm qua Singapore đã theo đuổi chiến lược cân bằng ngoại giao với các nước lớn.

Nhưng lập trường chiến lược và chính sách đối ngoại của Singapore thực sự nghiêng về phía Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề quân sự.

Singapore có thể ứng xử bình đẳng với Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ từ năm 2018 hay không?

Thứ hai, Singapore sẽ cân bằng quan hệ với Trung Quốc thông qua mối quan hệ với Ấn Độ và Australia?

Hai tháng trước, Singapore và Ấn Độ đã ký Hiệp định Hợp tác quốc phòng sửa đổi để tăng cường hợp tác an ninh hàng hải.

Văn bản này cho phép các tàu chiến hải quân Ấn Độ cập cảng Singapore. Đây là một bước đột phá quan trọng trong hợp tác quốc phòng song phương.

Trong khi đó, Singapore đang có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa ASEAN với Australia tại Sydney vào tháng Ba, liệu Singapore có tìm kiếm động lực nào để đối trọng với Trung Quốc hay không?

Thứ ba, vấn đề cuối cùng không kém phần quan trọng là Singapore có điều chỉnh chính sách của mình về Biển Đông?

Cơn ớn lạnh trong quan hệ Trung Quốc – Singapore xảy đến là do chính sách Biển Đông của Singapore đã “xâm phạm (cái gọi là) lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Singapore cấp quyền truy cập căn cứ hải quân Changi cho quân đội Mỹ, cho phép tàu quân sự tuần tra ven biển của Hoa Kỳ đồn trú tại đây.

Thậm chí Singapore còn cho phép máy bay do thám Mỹ sử dụng lãnh thổ của mình để giám sát các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong khi nhiều nước ASEAN, đặc biệt là Philippines, đã bắt đầu điều chỉnh chính sách của họ trên Biển Đông, Singapore có làm như vậy?

Thời báo Hoàn Cầu nhắn nhủ:

“Chúng tôi tin rằng Singapore có đủ khôn ngoan và năng lực thoát khỏi tình trạng khó xử trong đối ngoại của mình. Chúng tôi cũng hy vọng họ sẽ góp phần làm tốt hơn mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN. 

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc trước thềm Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm ngoái, ảnh: Youtube.

Thứ nhất, Singapore cân bằng khá giỏi trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Singapore dự kiến cũng sẽ cân bằng tốt trong mối quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc.

Chúng tôi ủng hộ Singapore hành động độc lập khi tham gia hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực. Nhưng bên cạnh đó, Singapore nên thận trọng về chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.

Chiến lược này vẫn còn đang trong quá trình phôi thai. Trước khi Singapore tìm thấy chỗ đứng của riêng mình trong chiến lược này, họ cần phải cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Thứ hai, Singapore nên thúc đẩy việc ký kết bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Với nhiều năm nỗ lực, Trung Quốc và các nước ASEAN đã thông qua một khuôn khổ đàm phán COC, Trung Quốc đã đề xuất đàm phán COC diễn ra một cách thực tế, làm nền tảng cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”

Nhắc nhở Nhật Bản

Cũng trong ngày 30/1, hãng thông tấn Tân Hoa Xã có bài xã luận: “Tokyo cần làm nhiều hơn nói để cải thiện quan hệ với Trung Quốc”. [2]

Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức.

Tân Hoa Xã cho rằng, chuyến thăm này phản ánh sự sẵn sàng mạnh mẽ của Tokyo để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đánh giá: Trong chuyến thăm của ông Taro Kono, Trung Quốc và Nhật Bản đã nhất trí tạo môi trường thuận lợi cho một cuộc họp 3 bên Trung – Nhật – Hàn.

Ông cũng bày tỏ thái độ tích cực về khả năng Nhật Bản tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Thái độ của Ngoại trưởng Taro Kono “phảng phất” nội dung những phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe vào các dịp khác nhau kể từ nửa cuối năm ngoái về mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên vẫn còn một vài vấn đề tồn tại từ lâu đang chờ được giải quyết một cách đúng đắn, trước khi hai nước có thể hoàn toàn sửa chữa mối quan hệ song phương rắc rối trước đây.

Tuần trước, Nhật Bản đã mở cửa bảo tàng trưng bày các văn bản và bản đồ khẳng định chủ quyền của Nhật Bản với quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku).

Nhật Bản phải tuân thủ các văn bản chính trị đã ký kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1972, nói đi đôi với làm về các vấn đề lịch sử.

Nhật Bản cũng phải đóng một vai trò mang tính xây dựng trong các vấn đề an ninh khu vực, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chính sách “một Trung Quốc” và không can thiệp vào vấn đề Biển Đông.

Thái độ nước lớn lạc lõng trong thế giới văn minh

Những bình luận của truyền thông Trung Quốc với Singapore và Nhật Bản cho thấy một thái độ nước lớn rất lạc lõng và trịch thượng trong thế giới văn minh, hội nhập và toàn cầu hóa.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Trung Quốc cưỡng chiếm, chiếm đóng, đảo hóa và quân sự hóa bất hợp pháp cấu trúc địa lý này, đe dọa trực tiếp an ninh khu vực. Ảnh: liveeuamap.com.

Cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển Đông phải được xác lập dựa trên hệ thống luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi;

Nó bao gồm nguyên tắc và thực tiễn pháp lý quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, cũng như việc vận dụng chính xác Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982;

Chứ không phải “lợi ích cốt lõi” thích là “tuyên bố”, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để cưỡng đoạt của nước khác làm của mình.

Singapore là một cường quốc về pháp lý, nơi rất nhiều tổ chức pháp lý và trọng tài quốc tế đặt hội sở.

Nếu Trung Quốc thực sự đàng hoàng và thượng tôn pháp luật, trỗi dậy hòa bình như những nỗ lực tuyên truyền, xin hãy chứng minh một cách khách quan, khoa học và cầu thị, đừng nên dùng những lời đao to búa lớn để cả vú lấp miệng em.

Ứng xử như thế không tương xứng với vị thế một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Bởi việc thượng tôn pháp luật, bảo vệ hòa bình, ổn định và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế mới làm nên sức mạnh mềm của Trung Quốc, chứ không phải nhân dân tệ hay sức mạnh vũ lực đi sau.

Còn về COC, ký kết hay không phụ thuộc vào thái độ cầu thị của Trung Quốc đến đâu mà thôi. ASEAN thì luôn sẵn sàng, nhưng cũng luôn bám chặt Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Bởi đã là quy tắc, thì phải có tính pháp lý ràng buộc, chế tài xử lý, và đặc biệt là căn cứ của nó là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

COC đàm phán kéo dài hàng chục năm không đi đến đâu vì đối tượng và phạm vi áp dụng.

Chừng nào Trung Quốc còn đòi áp dụng COC trong phạm vi đường lưỡi bò để biến không thành có, biến vùng biển không tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa các nước ven Biển Đông thành vùng biển có tranh chấp, thì không bao giờ có COC.

Đây là vấn đề cốt lõi, nếu Trung Quốc không chịu thay đổi tư duy và cách tiếp cận kiểu giật bát cơm từ tay người khác rồi đòi đàm phán phân chia, thì sẽ không thể có được bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Biển Đông ngoài 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc và một số bên chiếm đóng bất hợp pháp các cấu trúc địa lý, còn là nơi tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế đi qua.

An ninh, an toàn và tự do hàng hải – hàng không ở Biển Đông không chỉ là lợi ích của các nước Đông Nam Á, mà của bất kỳ quốc gia nào có hoạt động thương mại đi qua Biển Đông.

Do đó việc yêu cầu Singapore “cảnh giác” với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở của Hoa Kỳ, hay đòi hỏi Nhật Bản không được can thiệp vào vấn đề Biển Đông để làm tiền đề cải thiện, “sửa chữa” quan hệ giữa 2 nước này với Trung Quốc là điều rất vô lý và không bao giờ có được.

RELATED ARTICLES

Tin mới