Saturday, May 4, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 05/02/2018

Bản tin Biển Đông ngày 05/02/2018

Bản tin Biển Đông ngày 05/02/2018.

Trung Quốc muốn “chốt hạ” Biển Đông

Ngày 02/02, tạp chí The National Interest đăng bài viết “Trung Quốc sẽ chốt hạ Biển Đông” của nhà báo Gordan Chang. Trong bài viết, tác giả cho rằng trong tranh chấp Biển Đông, Bắc Kinh có thể “thắng mà không cần đánh” như một số học giả quốc tế cảnh báo nhưng không thể “chiến thắng mà không phải đối đầu”, thậm chí tham vọng của nước này còn lớn hơn là chỉ thôi thúc một cuộc đối đầu ở Biển Đông, đó là “ra cú chốt hạ” đối với Mỹ và các nước khác ở khu vực, bằng cách sử dụng vũ lực để tranh giành lợi thế, điều không hề lạ nếu nhìn từ cách hành xử của nước này bấy lâu nay. Theo Yu Maochun thuộc Đại học Hải chiến Mỹ “Đối đầu là không thể tránh khỏi”, “Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng biên giới lãnh thổ và mở rộng kiểm soát các vùng biển lân cận” “ưu tiên địa chính trị và địa chiến lược của Trung QUốc là nhằm định đoạt lại hay thay đổi trật tự quốc tế đã được hình thành dựa trên luật lệ, quy định và thông lệ đối với nhiều di sản chung của toàn cầu, bao gồm cả Biển Đông” hay đơn giản chỉ là “Chủ nghĩa xét lại tất dĩ mang đến cuộc đối đầu không thể tránh”. Đáng nói, Anders Corr, tác giả cuốn “Nước lớn, chiến lược lớn: Ván cờ mới ở Biển Đông”, cho rằng “So với Mỹ, Trung Quốc chấp nhận rủi ro của sự leo thang ở một cấp độ lớn hơn vì Trung Quốc đag dùng đối đầu để thay đổi nguyên trạng có lợi cho mình. James Fanell, một trong những sỹ quan tình báo hàng đầu của Hạm đội Thái BÌnh Dương thuộc Hải quân Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc đang mong muốn sự đối đầu nhằm đạt được “mục tiêu thiên niên kỷ của sự phục hưng vĩ đại” (một điểm nhấn quan trọng trong báo cáo công tác của Đại hội Đảng lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Nhân dân Trung Quốc) mà đòi hỏi “Trung Quốc phải củng cố tất cả các vùng lãnh thổ đã có được, bao gồm các vùng biển ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Tác giả cho rằng, tham vọng của Trung Quốc đang ngày càng lớn hơn và vượt ra ngoài yêu sách đường 9 đoạn, thể hiện qua vụ việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Mỹ ở vùng biển quôc tế vào tháng 12/2016. Theo Fanell, Trung Quốc rất có thể sẽ tấn công khi tàu Mỹ đi qua Biển Đông nhằm hất cẳng Mỹ và cảnh cáo khu vực rằng giờ đây hải quân và không quân Trung Quốc đã làm chủ khu vực”, “Trung Quốc sẽ tích cực tìm đến một cuộc đối đầu quân sự trong tương lai gần ở Biển Đông”.

Trung Quốc sẽ mở dịch vụ viễn thông 4G+ trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông – một bước thắt chặt gọng kìm “vô hình” trên Biển Đông

Ngày 03/02, tờ The Philippine Star đưa tin, ngày 02/02, hãng Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết hải quân và các công ty truyền thông của Trung Quốc đang triển khai nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc trên các cấu trúc chiếm đóng trên Biển Đông, thông qua việc đưa dịch vụ 4G+ tới khu vực. Cụ thể, Hải quân Trung Quốc đã ký một thoả thuận với ba công ty viễn thông lớn nhất của Trung Quốc nhằm “nâng cấp toàn diện” hệ thống liên lạc dân sự trên các cấu trúc ở Hoàng Sa và Trường Sa là Đảo Phú Lâm, Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, dự kiến hoàn tất vào tháng 5/2018. Theo Tân Hoa xã, “ngoài việc cải thiện đời sống dân sự và quân sự trên các đảo, đá, việc nâng cấp (hệ thống liên lạc) cũng được cho là sẽ hỗ trợ cho các ngư trường, ứng phó khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn trên biển, và cứu trợ nhân đạo ở các vùng biển gần”.

Thượng Nghị sỹ Philippines kêu gọi Chính phủ nâng cao năng lực tự sản xuất tàu để bảo vệ lãnh thổ

ABS-CBN đưa tin, ngày 04/02, Thượng Nghị sỹ Philippines Richard Gordon kêu gọi Chính phủ Philippines cần có những nỗ lực nhằm tăng cường năng lực quân sự để bảo vệ các vùng biển của mình và đối phó với những nguy cơ trong lẫn ngoài nước. Ông cho rằng Chính phủ cần “khẳng định một cách nhất quán chủ quyền của quốc gia đối với các vùng lãnh thổ, bao gồm bãi cạn Scarborough và Benham Rise”, “Hải quân và Cảnh sát Biển Philippines cần có đủ khả năng để tuần tra và bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của mình”. Ông Gordon cũng cho biết thêm, “việc Philippines có thể tự sản xuất tàu sẽ góp phần tiết kiệm chi phí và đồng thời cũng có thể yêu cầu các nhà công trình sư hoàn thiện sản phẩm theo ý muốn”.

Ấn Độ tìm kiếm hợp tác quân sự với Philippines, ASEAN

Ngày 5/2, The Philippine Star đưa tin, phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị Thượng đỉnh nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Ấn Độ – ASEAN, bà Pritee Saran phụ trách Vụ các vấn đề Đông Á, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định đã đến lúc Ấn Độ cần khởi động quan hệ hợp tác quân sự với Philippines và các nước láng giềng ở Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông. Bà nhấn mạnh, hoà bình và an ninh khu vực là một trong những nội dung mấu chốt trong Kế hoạch Hành động Hợp tác Ấn Độ – ASEAN năm 2016 – 2020. Bà cho biết, Chính phủ Ấn Độ luôn xem an ninh biển ở khu vực đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ đang ngày càng phát triển giữa Ấn Độ và ASEAN. Bà tái khẳng định lập trường của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rằng tất cả các tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cần phải được giải quyết hoà bình theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), không có bên nào được phép sử dụng vũ lực để yêu sách chủ quyền đối với các với các vùng biển quốc tế dành cho tất cả các quốc gia”. Bên cạnh đó, bà Saran khẳng định, Ấn Độ – một trong các siêu cường quân sự ở Châu Á – sẽ tiếp tục giữ cam kết ủng hộ lập trường của ASEAN về tôn trọng quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Vivekananda cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Chính phủ Ấn Độ về tranh chấp Biển Đông. Giám đốc Viện Vivekananda cũng đồng tình rằng Ấn Độ đã sẵn sàng thúc đẩy hợp tác biển với ASEAN và khởi động đối thoại về diễn tập chung với các nước thành viên ASEAN. Nghiên cứu viên Vinod Anand khẳng định Chính phủ Ấn Độ luôn luôn ủng hộ vai trò của luật pháp quốc tế đối vớ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới