Kênh đào Kra đang được vận động mạnh mẽ ở Thái Lan, cả trong lực lượng quân đội.
Tại Thái Lan, các hoạt động ủng hộ cho phép dự án kênh đào Kra “đi tắt” từ Biển Đông với biển Andaman ở Ấn Độ Dương đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Ngày 1/2, một hội thảo lớn về kênh đào Kra (kênh đào Thái Lan) đã được tổ chức tại tỉnh Phuket với sự tham dự của Tướng Pongthep Thesprateep – Chủ tịch Hiệp hội Kênh đào Thái Lan (TCA).
Đây là một tổ chức gồm toàn cựu chiến binh cao cấp thuộc quân đội Thái Lan.
Phát biểu tại Hội thảo, Tướng Thesprateep nói: “Chúng ta ngày nay chưa tiến gần hơn (đến việc xây dựng kênh đào) so với cách đây 340 năm. Nhưng vì người dân và đất nước, đây là lúc thích hợp để bắt đầu”.
Sự tham gia của Tướng Pongthep Thesprateep trong Hội thảo về kênh đào Kra đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt và cách thức vận động hành lang cũng như tầm quan trọng chiến lược của dự án.
Dù mang tới những ưu thế đặc biệt cho Thái Lan, kênh đào Kra được cho là đang gây tranh cãi lớn khi nó sẽ chia cắt quốc gia này làm đôi theo đúng nghĩa đen.
Kênh đào Kra khi đó sẽ rộng hơn cả Chao Phraya – con sông chảy ngang qua Thủ đô Bangkok được nhiều người Thái xem là trái tim tâm linh của đất nước.
TCA gần đây đổi tên dự án kênh đào từ “Kra” thành “Thái” – mang ý nghĩa đây là công trình dành cho tất cả người Thái, theo đúng di huấn của cố quốc vương Bhumibol rằng việc xây kênh đào phải do người dân quyết định.
Dẫn một khảo sát của Đại học Hoàng tử Songkhla, TCA dẫn chứng 74% cư dân thuộc 14 tỉnh miền nam Thái Lan đã đồng ý xây kênh đào.
Hiện dự án của Thái Lan thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia không chỉ do quy mô, ý nghĩa chiến lược, mà còn vì khối lượng hạ tầng khổng lồ đi kèm (sân bay, đường giao thông…).
Hội thảo được cho là một sự kiện nhằm “lobby” cho dự án Kênh Kra được đồng tài trợ bởi Phòng Thương mại Anh tại Thái Lan, Phòng Thương mại Pháp – Thái (FTCC), Phòng Thương mại Úc – Thái (AustCham), Phòng Thương mại Đức – Thái (GTCC), Phòng Thương mại Mỹ (AmCham)… và Hiệp hội Doanh nghiệp và thương mại châu Âu tại Thái Lan (EABC).
Vị trí kênh đào Kra của Thái Lan. |
Một hội thảo do TCA tổ chức tháng 9 năm ngoái được EABC hậu thuẫn, Công ty xây dựng Grand Dragon của Hong Kong (Trung Quốc) tài trợ và mới đây nhất là sự kiện ở Phuket đã cho thấy cách thức vận động hành lang dựa vào lực lượng quân đội Thái Lan đối với dự án.
Tuy nhiên, đến nay chính quyền quân sự Thái Lan vẫn tỏ ra thận trọng với dự án kênh đào, một phần do các vấn đề chính trị và cuộc bầu cử dân sự sắp diễn ra.
Trả lời phỏng vấn báo Asia Times, tướng Saiyud Kerdphol – cựu tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thái Lan – tin rằng đã đến lúc cần phải xây công trình thế kỷ này. Tuy nhiên, quyết định tối quan trọng này không thể do chính phủ đưa ra, mà phải là nhà vua Thái.
Cùng với sự chuyển giao quyền lực gần đây từ cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej sang vua Maha Vajiralongkorn (Rama X), các nhóm vận động kênh đào Kra hi vọng vị Tân Vương có gốc gác quân đội sẽ đồng ý cân nhắc dự án trên danh nghĩa “hòa bình quốc gia và phát triển”.
Viên ngọc trong Vành đai- Con đường
Khó có thể từ bỏ vị trí quan trọng của Bắc Kinh tại dự án kênh Kra khi là nhà đầu tư hào phóng cho dự án này.
Theo các nguồn tin Chính phủ Thái, tân đại sứ Trung Quốc tại Bangkok Lyu Jian gần đây liên tục nhắc lại trong các cuộc gặp cấp cao rằng “Trung Quốc hình dung kênh đào Thái Lan là một phần của sáng kiến hạ tầng toàn cầu Vành đai – con đường trị giá 1.000 tỉ USD”.
Giới quan sát cho rằng, đây dường như là lần đầu tiên Bắc Kinh tích cực vận động công trình kênh đào Kra như một phần của “Vành đai – con đường”, dù hiện tại Trung Quốc đã liên kết sáng kiến hạ tầng này với hành lang kinh tế phía đông của Thái Lan, bao gồm một đường sắt cao tốc nối hai nước chạy xuyên qua Lào vừa động thổ vào tháng 12/2017.
Kênh đào Kra nằm trong chuỗi vận chuyển hàng hóa Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc. |
Chuyên gia hàng hải Jinsong Zhao, thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, nhận định kênh đào Kra sẽ đặt Thái Lan ở vị trí trung tâm trong “cuộc cách mạng lần 3” của vận tải thương mại toàn cầu, khi thương mại điện tử đòi hỏi sự nhanh chóng trong khâu vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Còn tuyến đường biển qua eo Malacca hiện nay mất quá nhiều thời gian.
“Gửi đến các bạn Thái của tôi: Đừng lãng phí thời gian, đừng hoãn dự án này. Chúng tôi có công nghệ, chúng tôi có năng lực, chúng tôi có tiền, chúng tôi rất vui lòng được giúp đỡ. Nó tốt cho Thái Lan, châu Á và cả thế giới” – ông Jinsong kêu gọi tại hội nghị tổ chức ở Bangkok vào tháng 9/2017.
Vị chuyên gia cũng “nhắc khéo” nếu đợi thêm 20 năm thì việc tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc là không dễ.
Siêu kênh đào cắt ngang vùng Kra Isthmus ở miền nam Thái Lan sẽ giúp nền kinh tế bật lên như Singapore, thay đổi diện mạo Đông Nam Á và giải quyết tình trạng ùn tắc ở eo biển Malacca – tuyến hàng hải đông đúc nhất thế giới với Singapore là trung tâm trung chuyển.
Kênh đào Thái Lan sẽ tiêu tốn 20-30 tỉ USD tùy theo tuyến xây dựng và có thể mất 10 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, nó sẽ giúp tiết kiệm được 1.200km quãng đường di chuyển so với các lộ trình hàng hải hiện nay qua eo biển Malacca – nơi 84.000 tàu thuyền và 30% giao thương toàn cầu đi qua mỗi năm.