Thursday, January 16, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCuộc đấu ngầm của Mỹ-Triều: Bóng tối đang phủ lên Thế vận...

Cuộc đấu ngầm của Mỹ-Triều: Bóng tối đang phủ lên Thế vận hội Mùa đông như thế nào?

Dù được kì vọng là “Olympic Hòa bình” cho tình hình bán đảo, kì đại hội này vẫn không thể ngăn cản hai bên Mỹ và Triều Tiên đối đầu nhau bằng nhiều hình thức chính trị khác biệt.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong Nam. Ảnh: Getty/Kyodo News

Hàn Quốc hiện đang rất mong chờ vào Thế vận hội Mùa đông sắp được khai mạc vào thứ Sáu (9/2) tới đây tại Pyeongchang.

Theo Washington Post ngày 4/2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tuyên bố sẽ đưa cha của Otto Warmbier – sinh viên Mỹ thiệt mạng sau khi trở về từ Triều Tiên – tới buổi khai mạc Thế vận hội để “dằn mặt” Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, ban lãnh đạo Triều Tiên cử ông Kim Yong Nam – Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên – tới thăm Hàn Quốc để thể hiện thiện chí trong việc cải thiện mối quan hệ bán đảo.

Ông Kim Yong Nam, 90 tuổi, là cựu ngoại trưởng Triều Tiên và là 1 trong 3 quan chức cấp cao nhất của nước này, bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un. 

Ông Kim sẽ là quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên đến thăm Hàn Quốc trong vòng 4 năm qua.

Bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho rằng sự xuất hiện của ông Kim Yong Nam thể hiện sự nghiêm túc của Bình Nhưỡng đối với quá trình khôi phục quan hệ bán đảo và sự thành công của Thế vận hội Mùa đông.

Cùng lúc, Triều Tiên cũng tổ chức màn diễu hành quân sự với hàng trăm tên lửa tầm xa, xe thiết giáp, để ngầm khẳng định rằng thế giới – đặc biệt là Mỹ – không nên coi thường sức mạnh của Bình Nhưỡng. CNN dẫn nguồn tin quân sự cho biết, màn trình diễn được Triều Tiên sử dụng để “khiến người Mỹ kinh hồn khiếp vía”.

Theo nhà phân tích Anwita Basu thuộc nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) của tạp chí kinh tế The Economist, Mỹ không hài lòng với sự tiến triển trong mối quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên.

Bà nhận định: “Những động thái từ Washington và Bình Nhưỡng là cách 2 bên công kích lẫn nhau trên trường chính trị. Căng thẳng chắc chắn sẽ leo thang”.

Hàn Quốc là quốc gia đứng trước nhiều rủi ro nhất trong cuộc chiến chính trị giữa các bên. Việc Triều Tiên tham gia Olympic đã trở thành sự kiện quá lớn, khiến nhiều người dân Hàn Quốc bất bình cho rằng thế giới đã quên đi vai trò quan trọng mang tầm thế giới của Hàn Quốc khi tổ chức Thế vận hội.

Bên cạnh đó, đội khúc côn cầu chung Triều Tiên – Hàn Quốc và việc 2 quốc gia bán đảo cùng diễu hành dưới lá cờ chung tại lễ khai mạc đại hội cũng không làm hài lòng một bộ phận người dân.

Trả lời CNN, một người dân phản đối Triều Tiên bày tỏ: “Rất khó để Hàn Quốc có được cơ hội tổ chức Olympic. Vậy mà bây giờ chúng tôi người Hàn Quốc còn không được tự giương cao lá cờ của mình mà phải diễu hành dưới lá cờ chung với Triều Tiên.”

RELATED ARTICLES

Tin mới