Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tinNhững vũ khí Nga mà NATO không thể từ bỏ

Những vũ khí Nga mà NATO không thể từ bỏ

Theo Sputnik, Ba Lan, cũng như các thành viên “mới” khác trong khối NATO vẫn chưa thể từ bỏ hoàn toàn vũ khí Liên Xô.

Xe tăng PT-91.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaschak thông báo rằng, quân đội Ba Lan sẽ tiếp nhận các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ, giá trị giao dịch có thể đạt 4,5 tỷ USD.

Đây là một bước trong chương trình trang bị các loại vũ khí mới theo chuẩn NATO.

Mặc dù vậy, rõ ràng là Ba Lan, cũng như các thành viên “mới” khác trong khối NATO vẫn chưa thể từ bỏ hoàn toàn “di sản quân sự” từ thời Hiệp ước Warsaw. Sau đây là bài bình luận của Sputnik về vấn đề này.

27 năm trước, Tổ chức Hiệp ước Warsaw đã chấm dứt tồn tại nhưng lực lượng xe tăng của Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Romania, Bulgaria vẫn được trang bị các xe tăng Liên Xô T-55 và T-72 hoặc những phiên bản địa phương của các loại xe tăng đó. Chỉ có Ba Lan đang sở hữu các xe tăng của NATO.

Vào những năm 2000, Warsaw đã nhận được từ Berlin hơn 230 chiếc Leopard đã qua sử dụng. Ba Lan có cả 232 chiếc xe tăng PT-91 Twardy “sản xuất trong nước”. Song, loại xe tăng này không thể được gọi “sản phẩm được phát triển ở Ba Lan”.

Về cơ bản, PT-91 Twardy chính là xe tăng T-72 của Liên Xô mà trước đây Ba Lan đã sản xuất theo giấy phép. Xe tăng này cho thấy khả năng thực chiến thành công trong nhiều cuộc xung đột vũ trang nên người Ba Lan không muốn từ bỏ nó.

Vũ khí Xô Viết vẫn chiếm ưu thế trong lực lượng tên lửa và pháo binh của các quốc gia Đông Âu. Trong phân khúc “vũ khí hạng nặng” có pháo tự hành 2S1 Gvozdika, 2S3 Akatsiya, pháo xe kéo D-20, pháo phản lực BM-21 Grad.

Bulgaria có thể tự hào với tên lửa Liên Xô tầm cỡ lớn nhất: trong kho vũ khí của nước này có một số quả tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka. Quân đội các thành viên mới của khối NATO vẫn được trang bị hàng trăm xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp và xe trinh sát bọc thép của Liên Xô.

Hầu như toàn bộ hệ thống phòng không khu vực Đông Âu được điều khiển bằng các hệ thống tên lửa đất đối không của Nga. Trước hết, đây là các hệ thống S-125 và S-200.

Bulgaria và Slovakia sở hữu các hệ thống mới nhất, dưới thời Liên Xô mỗi nước đã nhận được một tiểu đoàn pháo binh S-300PMU. Chỉ có Romania đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không của Mỹ, trong biên chế lực lượng không quân của nước này có 8 tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung MIM-23 Hawk lỗi thời.

“Nói về hệ thống phòng không của các nước này thì trên thực tế, ở khu vực Đông Âu đã không có các tổ hợp tên lửa hiện đại khi khối Hiệp ước Warsaw chấm dứt tồn tại và những tổ hợp còn lại bây giờ đang lưu giữ trong kho” – Tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc, Đại tá Viktor Murakhovski cho biết.

Ở một số nơi, S-125 và S-200 vẫn đang duy trì chế độ sẵn sàng chiến đấu nhưng đây là những tổ hợp riêng biệt không tạo thành một hệ thống. Nếu bạn nhìn về phía đông và phía đông nam châu Âu thì chỉ có một nước đang sở hữu số lượng đáng kể các tổ hợp tên lửa của Liên Xô… đó là Hy Lạp, một thành viên cũ của NATO. Ở nước này có các tổ hợp tên lửa S-300 và Buk.

Ở sườn phía Đông, tình hình với hệ thống phòng không của NATO có vẻ tốt hơn. Song, ở đây vẫn có các tổ hợp tên lửa của Liên Xô: Osa-AK, Kub, Shilka, Strela-10, tổ hợp pháo-tên lửa Zu-23, tổ hợp phòng không di động Strela với những phiên bản khác nhau.

Và xét theo mọi thứ, Đông Âu chưa có ý định từ bỏ các loại vũ khí này. Trong năm 2010, Ba Lan đã bắt tay nâng cấp Shilka và các tổ hợp Osa đã có những sự sửa đổi để phù hợp với tên lửa không đối không IRIS-T của Đức. Ở Cộng hòa Séc, một số tổ hợp tên lửa Kub đã được sửa đổi để sử dụng tên lửa Aspide 2000 của Ý.

Tình hình trong lực lượng không quân không tốt lắm. Các loại máy bay cũ của Liên Xô như MiG-29, Su-22 và MiG-21 gần như đã cạn kiệt. Để thay thế chúng, NATO bắt đầu cung cấp những chiếc máy bay đã qua sử dụng.

Những chiếc F-16 qua sử dụng đã trở thành phổ biến ở Đông Âu. Chúng hiện có ở Ba Lan và Romania, Bulgaria cũng đã thảo luận về khả năng mua mấy chiếc F-16. Tuy nhiên, chỉ có Hungary đã có thể từ bỏ hoàn toàn các chiếc máy bay chiến đấu của Liên Xô. Nước này thuê 12 chiếc Saab JAS 39 Gripen của Không quân Thụy Điển.

Theo ông Aleksandr Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và Quân sự Nga, Đông Âu vẫn sử dụng kỹ thuật quân sự của Liên Xô vì cảm thấy chúng cần thiết.

Song, kỹ thuật của Liên Xô đã cạn kiệt hoặc hầu như cạn kiệt. Do đó, quá trình tái trang bị các loại vũ khí mới là không thể tránh khỏi, chỉ có điều, ở các nước khác nhau thì quá trình này diễn ra theo những cách khác nhau.

Còn có một lý do khác khiến Đông Âu không vội từ bỏ thiết bị quân sự của Liên Xô. Đó là hiện nay ở Đông Âu có hơn 350 doanh nghiệp quốc phòng chuyên sản xuất thiết bị theo các tiêu chuẩn của Liên Xô.

Các phân khúc phát triển nhất bao gồm sản xuất đạn dược, bảo dưỡng, sửa chữa và hiện đại hóa thiết bị. Vì thế, việc từ bỏ vũ khí của Liên Xô có thể tiêu diệt ngành công nghiệp quốc phòng địa phương.

“Đông Âu đang vật lộn để duy trì các cơ sở sản xuất thiết bị Liên Xô” – ông Ivan Konovalov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của Nga, cho biết.

Các quốc gia Đông Âu đang có xu hướng lợi dụng tình hình bất ổn trên thế giới để bán vũ khí cho các vùng xung đột, ví dụ, trong những năm gần đây, Bulgaria rất hào phóng trên phương diện cung cấp vũ khí cho khu vực Trung Đông, kể cả cho Syria. Nhu cầu vũ khí Liên Xô vẫn cao, bởi vì các loại vũ khí này có độ tin cậy và hiệu quả cao.

Khi nào Đông Âu sẽ từ bỏ hoàn toàn các loại vũ khí của Liên Xô? Đây là một câu hỏi khó để trả lời. Thậm chí nếu các thành viên “trẻ” của NATO đột nhiên có đủ nguồn tài chính thì quá trình tái trang bị cũng sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Chẳng hạn, khoảng thời gian từ khi ký kết hợp đồng về cung cấp vũ khí đến ngày đưa hệ thống phòng không vào tư thế sẵn sàng chiến đấu thường kéo dài 5-6 năm.

RELATED ARTICLES

Tin mới