Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngHàn Quốc phớt lờ Mỹ khi tiến hành đàm phán với Bình...

Hàn Quốc phớt lờ Mỹ khi tiến hành đàm phán với Bình Nhưỡng?

Khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gợi ý rằng Triều Tiên có thể tham dự Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 sắp diễn ra, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và các trợ lý đã nhanh chóng triệu tập một cuộc họp, để tạo ra một phản ứng thân thiện đối với ông Kim.

Các quan chức Hoa Kỳ chỉ được thông báo trước vài tiếng đồng hồ về việc Seoul chính thức tuyên bố sẽ đàm phán với Bình Nhưỡng, và họ đã rất kinh ngạc về điều này, Nhật báo Phố Wall (WSJ) đưa tin.

Theo các quan chức cấp cao của cả Hoa Kỳ và Hàn Quốc, thái độ cởi mở của Hàn Quốc đối với Triều Tiên đã gây ra nhiều căng thẳng giữa Seoul và Washington, bất chấp các lời tuyên bố công khai trước đây về sự nhất quán của liên minh Mỹ – Hàn trong vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại bán đảo Đông Bắc Á này.

Một quan chức trong lĩnh vực ngoại giao đã nói rằng: “Hôm nay là một ngày tốt lành đối với chúng ta, nhưng sẽ có rất nhiều bài kiểm tra đối với chính sách ngoại giao hiện nay, và chúng ta sẽ phải đối mặt những bài thi đó trong những ngày sắp tới đây và sau khi Thế vận hội Mùa đông 2018 kết thúc. Đó sẽ là một con đường đầy chông gai và thử thách.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong Thông điệp Liên bang đầu năm, đã nhắc lại lời kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Triều Tiên, bất chấp một sự kiện được dự tính sẽ diễn ra, đó là: Các vận động viên của cả hai miền Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ tham gia diễu hành dưới một lá cờ chung, khi Thế vận hội Mùa đông sẽ khai mạc vào thứ Sáu tuần này tại Hàn Quốc.

Các quan chức và các nhà ngoại giao của cả Washington và Seoul đều đã phải vật lộn để xử lý những mối quan hệ phức tạp giữa chính phủ Moon Jae-in và chính phủ Donald Trump. Ông Moon Jae-in đã từ lâu ủng hộ việc cải thiện quan hệ chính trị với Triều Tiên, trong khi ông Donald Trump luôn đi đầu trong việc kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bằng cách cô lập Bình Nhưỡng, và cảnh báo rằng Mỹ có thể có hành động quân sự nếu Triều Tiên không đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

Hai quốc gia đồng minh này đã bày tỏ những quan điểm hoàn toàn khác biệt, đối với bài phát biểu ngày 01/01/2018 của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tại Nhà Trắng, chính phủ Hoa Kỳ cảm thấy như bị tấn công, bởi bài phát biểu hiếu chiến của ông Kim (người đã ra lệnh sản xuất hàng loạt các đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cũng như kêu gọi thống nhất bán đảo Triều Tiên), nói rằng ông sẽ theo đuổi “chiến thắng cuối cùng của cuộc cách mạng”.

Ngược lại, tại Nhà Xanh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và các cố vấn của ông lại cảm thấy như được khích lệ, bởi sự sẵn lòng của ông Kim trong việc tham gia Thế vận hội Mùa đông 2018.

Hành động đơn phương tiếp cận Bình Nhưỡng, và loại bỏ Washington ra khỏi quy trình đàm phán của Seoul, đã khiến các quan chức Hoa Kỳ thất vọng. Bên cạnh đó, vào năm ngoái, ông Moon cũng đã nhiều lần yêu cầu Hoa Kỳ phải có sự chấp thuận của Hàn Quốc trước khi có bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Triều Tiên.

Các quan chức Hàn Quốc nói với các đồng nghiệp người Mỹ rằng, sự tức thì của Thế vận hội Mùa đông (Winter Olympics 2018) sắp tới đã khiến Hàn Quốc phải hành động nhanh chóng để tận dụng bài phát biểu đầu năm mới của lãnh tụ họ Kim.

Tổng thống Donald Trump đã nói chuyện điện thoại với Tổng thống Moon Jae-in vào ngày 4/1 vừa qua, và hai người đã cùng đồng ý hoãn các cuộc tập trận quân sự thường niên Mỹ – Hàn cho đến khi Thế vận hội Mùa đông dành cho người khuyết tật (Winter Paralympics 2018) kết thúc vào ngày 18/3 năm nay.

Lo ngại về sự rạn nứt ngoại giao trong liên minh Mỹ – Hàn, Tổng thống Moon, trong một cuộc họp báo ngày 10/1 năm nay, đã thừa nhận rằng giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc tồn tại một khoảng cách nhất định trong chính sách đối ngoại với Triều Tiên, nhưng ông Moon cũng trấn an Hoa Kỳ rằng Hàn Quốc sẽ nỗ lực tổ chức các cuộc đối thoại liên Triều, và điều này sẽ đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân vốn đã kéo dài rất dai dẳng này.

Sau đó, trong một cuộc họp không chính thức vào giữa tháng Giêng ở San Francisco, Trung tướng Herbert Raymond McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, đã nhấn mạnh với các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản về tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì áp lực đối với Triều Tiên.

Tướng McMaster cũng nói rằng cần phải tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung và duy trì sự đoàn kết trong liên minh Mỹ – Hàn – Nhật, để đối phó với các âm mưu của Bình Nhưỡng nhằm chia rẽ liên minh này từ bên trong.

Để tránh có những rạn nứt lớn hơn trong mối quan hệ ngoại giao hiện nay, Hoa Kỳ đã hủy chuyến thăm Hàn Quốc của tàu ngầm tấn công USS Texas (vào tháng 2/2018 theo dự kiến trước đây), để trấn an Seoul rằng Washington sẽ không làm xấu đi mối quan hệ liên Triều trong hiện tại.

Đổi lại, để xoa dịu những lo lắng của Hoa Kỳ, Seoul đã đồng ý với Washington là sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung sau khi Paralympics kết thúc vào ngày 18 tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thể tăng hoặc giảm cường độ và quy mô của các cuộc tập trận này, tùy thuộc vào tiến triển của cuộc đối thoại liên Triều và các hành động tiếp theo của Triều Tiên.

Khoảng cách địa lý là một trong những nguyên nhân cho sự khác biệt quan điểm giữa Seoul và Washington. Trong khi Tổng thống Donald Trump đã cứng rắn tuyên bố sẽ không cho phép Triều Tiên phát triển một hệ thống tên lửa hạt nhân có thể tấn công nước Mỹ, thì Hàn Quốc từ lâu đã chung sống yên ổn với lực lượng vũ trang 1,1 triệu người của Triều Tiên. Bất kỳ hoạt động quân sự nào của Hoa Kỳ đều có nguy cơ biến Seoul – thủ đô sầm uất của Hàn Quốc –  thành một bãi chiến trường tàn khốc.

Hôm 2/2, Joseph Yun, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề Triều Tiên, đã bắt đầu một loạt các cuộc họp với các bộ phận khác nhau của chính phủ Hàn Quốc tại Seoul. Ông Yun nói với các phóng viên rằng ông không tin rằng Hoa Kỳ sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự.

Cùng ngày, theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề quyền con người tại Triều Tiên, trong buổi gặp gỡ tại Phòng Bầu Dục với một nhóm tám người đã đào thoát khỏi Triều Tiên. Đây là chi tiết không xuất hiện trong bài phát biểu tại Nhà Xanh của chính phủ Hàn Quốc.

Tổng thống Donald Trump cũng đã từng mô tả chính sách đối ngoại của Seoul trong vấn đề Triều Tiên là “những hành động xoa dịu”, và cũng gợi ý rằng các khoản viện trợ cho Triều Tiên trong tương lai “sẽ không có tác dụng gì cả”.

Tại Washington, tướng McMaster đã nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp quân sự trong trường hợp không thể giải quyết cuộc đối đầu với Triều Tiên một cách hòa bình, trong khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp ngoại giao.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ dẫn đầu phái đoàn thể thao Hoa Kỳ đến tham dự Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 sắp tới đây. Các quan chức Hàn Quốc đang hi vọng ông Pence sẽ phát biểu nhiều hơn về các triển vọng hòa bình tại bán đảo này, và ít hơn về các hành động khiêu khích của Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới