Mỹ xác định có thể mở ra hai chiến tuyến với Trung Quốc và Nga. Trong đó, phương thức xảy ra xung đột với quân đội Trung Quốc rất có thể là giao chiến trên biển và trên không ở biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Sau khi Mỹ công bố chiến lược quốc phòng mới, dựa trên tinh thần của văn kiện này, các loại kế hoạch và biện pháp cũng bắt đầu được thực hiện. Với tính chất là các hành động cụ thể ứng phó với Trung Quốc và Nga – những “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, quân đội và Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu bắt tay tái điều chỉnh cơ cấu quân đội và xây dựng kế hoạch tác chiến nhằm vào hai nước Trung Quốc và Nga.
Do trước đây quân đội Mỹ luôn sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, đồng thời bị kiềm chế bởi các nhân tố như trần ngân sách và sự chỉ đạo chiến lược phát triển không rõ ràng thời kỳ Barack Obama. Điều đó làm cho kế hoạch tác chiến, phương pháp tác chiến và cơ cấu biên chế quân đội hiện nay của quân đội Mỹ đều khó có thể đáp ứng nhu cầu đối đầu với Trung Quốc và Nga.
Trong khi đó, những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đã đạt được tiến bộ rõ rệt về phát triển khả năng tác chiến mới nhằm triệt tiêu ưu thế công nghệ quân sự của Mỹ.
Trong tình hình này, xây dựng kế hoạch tác chiến mới và nghiên cứu phương pháp tác chiếm giúp cho quân đội Mỹ giành lại địa vị ưu thế đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của quân đội Mỹ hiện nay.
Theo tờ Defence News Mỹ, phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, thượng tướng không quân Paul Selva gần đây cho rằng cạnh tranh nước lớn đã “quay trở lại”. Để thích ứng với sự thay đổi này, chiến lược an ninh và quốc phòng của Mỹ sẽ lấy triển khai cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga làm trọng điểm.
Paul Selva cho biết đây là vấn đề “chúng ta (Mỹ) cần ý thức được từ 10 năm trước”. Trong 10 năm qua, Mỹ đã nhìn thấy một quá trình “trỗi dậy của Trung Quốc” và “mở rộng của cải và ảnh hưởng” của Nga ở đại lục Âu – Á.
Thượng tướng không quân Paul Selva, phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Ảnh; The Australian.
Trong khi đó, chiến lược quốc phòng mới của Mỹ cho rằng tình hình này yêu cầu quân đội Mỹ sẽ có thể đồng thời ứng phó với hai nước Trung Quốc và Nga trong tương lai. Nói cách khác, đã đưa ra khả năng quân đội Mỹ đối mặt với tác chiến trên hai chiến tuyến trong tương lai.
Như vậy, quân đội Mỹ đang nghĩ như thế nào về hình thái tác chiến trên hai chiến tuyến có khả năng xuất hiện trong tương lai? Mặc dù hiện nay kế hoạch tác chiến mới của quân đội Mỹ vẫn chưa thành hình, nhưng tướng lĩnh cấp cao quân đội Mỹ đã đưa ra một số manh mối trong kế hoạch của quân đội Mỹ.
Theo tờ The Times Anh, tướng Paul Selva cho biết xây dựng năng lực quân sự đồng thời tác chiến với Trung Quốc và Nga sẽ liên quan đến rất nhiều nguồn lực quân sự.
Đồng thời, do môi trường chiến trường có thể nổ ra xung đột với Trung Quốc và Nga tồn tại khác biệt, vì vậy ngoài một phần lực lượng tác chiến có thể đồng thời tiến hành ứng phó với Trung Quốc và Nga, quân đội Mỹ còn phải lần lượt “tùy chỉnh” kế hoạch tác chiến và đầu tư nguồn lực tương ứng nhằm vào Trung Quốc và Nga.
Trong ý tưởng hiện nay của quân đội Mỹ, phương thức xảy ra xung đột với quân đội Trung Quốc rất có thể là giao chiến trên biển hoặc tấn công đường không. Mặc dù điều này hoàn toàn không có nghĩa là lực lượng tác chiến của lục quân và thủy quân lục chiến có thể đứng ngoài, nhưng đối với quân đội Mỹ, lực lượng mặt đất sẽ trở thành lực lượng mang tính chi viện trong giao chiến trên biển, trên không tiềm tàng với Trung Quốc.
Trong khi đó, khu vực có khả năng nổ ra xung đột nhất giữa Mỹ và Nga là đại lục châu Âu, vì vậy phương thức xảy ra giao chiến giữa Mỹ và Nga rất có thể là lấy tác chiến mặt đất và trên không làm chính. Đồng thời thông qua tuyến đường vận chuyển trên biển triển khai lực lượng quân Mỹ đến khu vực xảy ra xung đột với Nga.
Nhìn vào những ý tưởng nêu trên của Mỹ, địa điểm nổ ra xung đột tiềm tàng giữa Trung – Mỹ rõ ràng sẽ là các vùng biển ở Tây Thái Bình Dương cho đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ khi chính quyền Obama thúc đẩy thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” đến nay, phương hướng biển Hoa Đông và Biển Đông luôn là khu vực mà quân đội Mỹ muốn tăng cường hiện diện quân sự.
Cụm tấn công hai tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ trên vùng biển Philippines. Ảnh: The Japan Times.
Đồng thời, cam kết phòng thủ của Mỹ đối với các đồng mình tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở các khu vực nói trên cũng đã tăng mạnh rủi ro làm cho quân đội Mỹ bị lôi kéo vào các cuộc xung đột với Trung Quốc ở những khu vực này. Ngoài ra, khu vực eo biển Đài Loan cũng là khu vực có thể nổ ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong khi đó, nhìn vào thông tin công khai trên báo chí và những đánh giá của Mỹ đối với loạt diễn tập “Phương Tây” của Nga, ngòi nổ xung đột giữa Mỹ – Nga có thể là hành động tấn công và thâm nhập của Nga ở các nước Đông Âu như Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic.
Quân đội Mỹ nhận định, quân đội Nga có thể tận dụng cơ hội các nước Đông Âu rơi vào khủng hoảng chính trị hoặc an ninh, phát động tập kích mặt đất kiểu “chiến tranh chớp nhoáng” đối với các nước láng giềng Đông Âu, đồng thời sử dụng các thủ đoạn như tấn công mạng, tìm cách làm cho lực lượng vũ trang của nước bị tấn công mất đi khả năng tác chiến trong thời gian ngắn.
Nhiệm vụ của quân đội Mỹ hiện nay là ngăn chặn các “hành động xâm lược” của quân đội Nga trong khuôn khổ NATO, đồng thời nhanh chóng tiếp viện cho lực lượng triển khai trên tuyến đầu để tiến hành đáp trả đối với quân đội Nga.
Sau khi đề xuất phương thức tiềm tàng xảy ra xung đột với Trung Quốc và Nga trong tương lai, quân đội Mỹ cũng đã đưa ra quan điểm xây dựng lực lượng tác chiến để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến nêu trên.
Cụm tấn công tàu sân bay USS Nimitz trên Biển Đông. Ảnh: Business Insider.
Báo chí Anh cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ bổ nhiệm một tướng lĩnh cấp cao để phối hợp thống nhất các lực lượng tác chiến đối kháng với quân đội Nga hoặc Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh thông thường.
Huấn luyện tác chiến của quân đội Mỹ cũng sẽ từ hành động tác chiến chống khủng bố trước đây chuyển đổi sang ứng phó với các hành động tác chiến thông thường.
Trong khi đó, căn cứ vào mục tiêu xây dựng quân đội trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, trong tương lai, quân đội Mỹ sẽ ra sức đầu tư cho hệ thống chỉ huy, kiểm soát hiện đại, tăng cường năng lực do thám và giám sát, kiểm soát trạng thái chiến trường, đồng thời tập trung phát triển các lực lượng tác chiến chất lượng mới như hệ thống phòng thủ tên lửa, vũ khí năng lượng định hướng, các trang bị tác chiến thông minh nhân tạo và không người lái.
Đồng thời, quân đội Mỹ sẽ còn tiếp tục tích hợp các lực lượng tác chiến hiện có, nâng cao năng lực tác chiến hiệp đồng và tấn công liên hợp, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, sử dụng các nguồn lực quân sự có hạn để thực hiện hết khả năng nhiều nhiệm vụ.
Nhìn vào tình hình nêu trên, tư tưởng xây dựng của quân đội Mỹ trong tương lai tập trung vào các trọng điểm như đối kháng thông thường, sẵn sàng chiến đấu và các năng lực tác chiến chất lượng mới.
Dưới sự chỉ đạo của chiến lược và kế hoạch quân sự mới, quân đội Mỹ một mặt quay lại với “truyền thống”, tăng cường lực khả năng ứng phó với tác chiến thông thường cường độ cao của lực lượng hiện có nhằm thoát khỏi tình cảnh khó khăn, lâu dài trong huấn luyện tác chiến chống nổi dậy; một mặt tìm cách thông qua phát triển lực lượng tác chiến chất lượng mới có ưu thế công nghệ tương đối lớn của Mỹ, sử dụng các trang bị công nghệ cao triệt tiêu năng lực tác chiến truyền thống của quân đội Trung Quốc và Nga, đồng thời “áp chế” Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực công nghệ cao.
Mặc dù quân đội Mỹ đã phác thảo ra kế hoạch tương đối rõ ràng về mô hình tác chiến và xây dựng lực lượng trong tương lai, nhưng muốn thực hiện được các mục tiêu nêu trên, quân đội Mỹ còn đang đối mặt với một số khó khăn và trở ngại.
Nhân tố chính ảnh hưởng đến thực hiện ý tưởng tác chiến của quân đội Mỹ chính là vấn đề ngân sách chi phối quân đội Mỹ trong nhiều năm. Bất kể mở rộng quy mô quân đội, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu hay phát triển các trang bị công nghệ cao và hệ thống tác chiến hiện đại để đối đầu với Trung Quốc và Nga, đều cần phải đầu tư kinh phí quân sự rất lớn và ổn định.
Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ nhấn mạnh, chỉ có bảo đảm ngân sách quốc phòng tăng trưởng liên tục và có thể biết trước thì mới có thể bảo đảm thực hiện các mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, chính giới Mỹ tồn tại tranh cãi phổ biến về mở rộng ngân sách quân sự, quy mô lực lượng tác chiến của các quân chủng quân đội Mỹ không đủ, chương trình phát triển các loại trang bị cần có nguồn vốn lớn để nghiên cứu phát triển và chế tạo – những điều này đều làm cho việc đáp ứng mục tiêu ngân sách gặp khó khăn.
Ngoài ra, mặc dù quy hoạch phát triển của chiến lược quốc phòng Mỹ có thể được thực hiện, nhưng việc khôi phục và phát triển sức mạnh quân sự của quân đội Mỹ cũng phải đến năm 2023 mới có thể thực hiện được.
Trong khi đó, những biến số về chiến lược, quan hệ quốc tế và cấp độ công nghệ quân sự có thể xảy ra trong thời kỳ này đều có thể làm cho quy hoạch hiện nay bị phá sản.
Ngày 5/2/2018, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Tina Kaidanow kêu gọi ASEAN đoàn kết trước Trung Quốc. Ảnh: VOA.
Trên phương diện môi trường chiến trường và hình thái tác chiến theo ý tưởng của quy hoạch, kế hoạch hiện nay của quân đội Mỹ cũng tồn tại một số hạn chế. Mặc dù quân đội Mỹ cấp bách thoát khỏi huấn luyện tác chiến chống khủng bố, nhưng trong tương lai không xa, những thách thức của tác chiến chống nổi dậy của quân đội Mỹ vẫn nghiêm trọng.
Các hành động tấn công khủng bố ở Afghanistan, tấn công lực lượng IS tàn dư ở Iraq và Syria, các hành động tác chiến triển khai ở châu Phi của quân đội Mỹ đều đang thách thức trình độ tác chiến chống nổi dậy của quân đội Mỹ.
Trong khi đó, “chiến tranh hỗn hợp” của quân đội Nga được quân đội Mỹ bắt đầu quan tâm gần đây cũng là hành động tác chiến phi thông thường mà quân đội Mỹ có thể đối mặt trong tương lai.
Sự chi phối của các cuộc chiến hiện có nêu trên cũng sẽ tiêu tốn các nguồn lực chuyển đổi của quân đội Mỹ. Đồng thời, nội bộ quân đội Mỹ đã có tướng lĩnh ý thức được rằng quân đội Trung Quốc và Nga rất có thể sẽ không tác chiến theo phương thức quân đội Mỹ tưởng tượng, mà là tìm kiếm các kênh phát huy ưu thế của mình để triệt tiêu sức mạnh của quân đội Mỹ.
Vì vậy, quân đội Mỹ tập trung vào kế hoạch tương lai “đồng thời đối kháng với quân đội hai nước Trung Quốc và Nga” e rằng còn đang đối mặt với rất nhiều thách thức.