Ấn Độ và Mỹ tăng cường các hợp tác về mặt quân sự, đặc biệt là hải quân song liên minh Mỹ- Ấn chống Trung Quốc khó thành.
Sputniknews đưa tin, Hải quân Mỹ ngày 7/2 thông báo đã triển khai những tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey và USS Sterett tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ một nhóm tấn công “hỏa lực”, bao gồm tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp vừa tới cảng của căn cứ Mỹ tại tỉnh Nagasaki hồi tháng 1/2018.
Theo thông cáo báo chí, các tàu chiến “tăng cường khả năng của lực lượng đổ bộ nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng yếu tại những vùng ven biển, đặc biệt trong khu vực tranh chấp”
Trong khi triển khai, các tàu Dewey và Sterett sẽ huấn luyện với các tàu đổ bộ được triển khai ở tuyến trên trong mọi nhiệm vụ và cải thiện hơn nữa những chiến thuật, kỹ thuật và những thủ tục hợp nhất với một nhóm tấn công viễn chinh.
Lợi ích của Mỹ và Ấn Độ ở khu vực Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương đang ngày càng thúc đẩy hai bên tìm kiếm tiếng nói chung trong nỗ lực kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm mới nhất tới Ấn Độ hôm 4/2, Tướng David Goldfein, Tư lệnh Không quân Mỹ đã có cuộc hội đàm với Tư lệnh Không quân Ấn Ðộ Dharmo BS Dhanoa cũng đã nhắc tới tầm quan trọng của khu vực Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương trong chính sách của hai nước nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược.
Tướng Goldfein cũng cho biết, liên minh bộ tứ giữa Mỹ, Ấn Ðộ, Nhật Bản và Australia sẽ đem lại hợp tác sâu rộng hơn giữa lực lượng không quân hai nước.
Dẫu có nhiều quan điểm tương đồng về khu vực hàng hải chiến lược ở Ấn Độ Dương nhưng theo giới quan sát, ít có khả năng cho thấy Ấn Độ và Mỹ tìm được tiếng nói chung để thành lập một liên minh đối trọng với Trung Quốc ở châu Á.
Bình luận về quan hệ Mỹ-Ấn Độ, mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor có bài viết cho rằng Washington và New Delhi có những mục tiêu khác nhau trong nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh. Sự khác biệt trong các chiến lược rốt cuộc sẽ cản trở Mỹ và Ấn Độ cải thiện quan hệ hợp tác tại khu vực dẫn tới việc thành lập một liên minh là điều rất ít có khả năng xảy ra.
Bởi trước hết, Ấn Độ có truyền thống tự chủ về chiến lược và không thích thành lập các liên minh. New Delhi đã nhất trí chỉ ký một trong ba hiệp định căn bản với Washington để trở thành đối tác quốc phòng của Mỹ.
Mỹ và Ấn Độ cũng có những quan điểm khác nhau đối với các vùng biển tranh chấp. Dù quan ngại về sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông nhưng Ấn Độ nhưng không làm gì nhiều để hỗ trợ cho chiến dịch mà Washington quảng bá là đảm bảo an ninh hàng hải tại khu vực.
Theo quan điểm của New Delhi, làm như vậy có nguy cơ sẽ chọc giận Bắc Kinh, có thể thổi bùng sự trả đũa dọc biên giới tranh chấp hay dẫn đến các cuộc tuần tra chung giữa Trung Quốc-Pakistan tại vùng biển Arập.
Trong bối cảnh cả hai bên đều tăng cường quân sự dọc biên giới, có lẽ Ấn Độ sẽ tránh vượt quá ranh giới với Bắc Kinh. Thay vào đó, New Delhi sẽ tập trung vào Ấn Độ Dương – một ưu tiên cao hơn đối với Ấn Độ do tầm quan trọng kinh tế của vùng biển này đối với họ.
Tư lệnh Không quân Mỹ, Tướng Goldfein (bên phải) tại cuộc gặp Tư lệnh Không quân Ấn Ðộ Dhanoa. |
Giống như Mỹ, Ấn Độ phải bảo vệ các tuyến đường biển phục vụ những hoạt động mậu dịch then chốt của mình như nhập khẩu xăng dầu và tinh lọc dầu ở ngoài khơi. Tương tự như ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đang tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương.
Bắc Kinh không chỉ có kế hoạch phát triển cảng Gwadar ở Pakistan và cảng Hambantota của Sri Lanka mà còn triển khai mỗi năm 8 tàu Trung Quốc tới khu vực dưới danh nghĩa là chống cướp biển. Chưa hết, Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Pakistan, Bangladesh và Thái Lan để bán cho những nước này tàu ngầm, trong đó có các tàu chạy bằng dầu diesel.
Những diễn biến này lý giải tại sao năm ngoái Ấn Độ tuyên bố họ sẽ tăng cường các cuộc tuần tra tại Ấn Độ Dương bằng cách triển khai ít nhất 12 tàu để giám sát tất cả các tuyến hàng hải trọng yếu.
Điều đó trước mắt cho thấy việc thành lập liên minh với Mỹ như cách tướng Mỹ gợi ý sẽ còn rất xa.