Thời báo Hoàn Cầu ngày 7/2 đưa tin, cùng ngày máy bay chiến đấu phản lực Su-35 của Trung Quốc đã được điều động xuống Biển Đông.
VOA ngày 5/2 đưa tin, bộ tứ gồm 4 quốc gia hùng mạnh Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang nỗ lực để bảo vệ tuyến hàng hải huyết mạch qua Biển Đông luôn an toàn, tự do và mở cửa, bất chấp Trung Quốc tăng cường kiểm soát.
4 quốc gia này không trực tiếp thách thức Trung Quốc với các căn cứ quân sự đã xây dựng (trái phép) trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, mà sẽ bảo vệ tự do hàng hải, giữ cho Biển Đông luôn mở, giúp đỡ các bên yêu sách khác.
Giáo sư Stuart Orr từ Đại học Deakin, Australia cho biết, sự hiện diện chiến lược của 4 quốc gia này trên BIển Đông được thúc đẩy bởi Washington;
Còn Ấn Độ và Nhật Bản tham gia ở mức độ thấp hơn, trong khi Australia cung cấp hậu cần cho các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Tháng 11 năm ngoái, lãnh đạo cấp cao 3 nước đã gặp nhau tại Manila, Philippines để thảo luận về việc bảo vệ Biển Đông luôn tự do và mở cửa.
Sau đó Nhật Bản và Australia kêu gọi bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, cũng như việc tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Còn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói với các nhà lãnh đạo từ 10 nước Đông Nam Á hôm 26/1 rằng, New Delhi sẽ cam kết làm việc với ASEAN và các nước khác nhiều hơn về an ninh hàng hải.
Ben Ho, chuyên gia phân tích cao cấp của Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore thì đưa ra nhận định:
“Tôi nghĩ điều cụ thể nhất họ (4 nước Mỹ-Nhật-Ấn-Úc) có thể làm là đưa ra một số báo cáo về tranh chấp ở Biển Đông.
Thậm chí tôi tin rằng Trung Quốc sẽ không bị chỉ mặt đặt tên rõ ràng trong các tuyên bố như thế.”
Còn theo Phó giám đốc Chương trình Nam Á, Trung tâm Stimson, Sameer Lalwani, Ấn Độ sẽ truy cập các cảng khẩu và tham gia bất kỳ cuộc tuần tra hải quân nào với các nước khác. Hợp tác Mỹ – Ấn sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ hơn.
Nhật Bản sẽ tiếp tục giúp các đồng minh và đối tác châu Á tăng cường năng lực, đặc biệt là huấn luyện quân sự, cung cấp thiết bị mới.
Các động thái mới của Trung Quốc
Trung Quốc dự kiến sẽ sử dụng thế mạnh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới để chống lại “liên minh tứ cực” này, đặc biệt là Australia sẽ phải đối mặt với các áp lực rất lớn từ Bắc Kinh.
Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Canberra kể cả về nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Chuyên gia Ben Ho tin rằng, Caberra có quá nhiều thứ bị đe dọa về kinh tế nếu Bắc Kinh phản ứng.
Trong một động thái có liên quan, Thời báo Hoàn Cầu ngày 7/2 đưa tin, cùng ngày máy bay chiến đấu phản lực Su-35 của Trung Quốc đã được điều động xuống Biển Đông.
Từ Quang Dụ, một Thiếu tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu được Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời bình luận:
Sự xuất hiện của Su-35 sau J-20 Trung Quốc trên Biển Đông cùng với các tàu chiến của nước này là để “phản ứng với Mỹ”.
Chiến đấu cơ Trung Quốc đưa xuống “tuần tra” Biển Đông, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu. |
Bản tin từ truyền thông (Trung Quốc) không nói rõ, Su-35 được bố trí tại địa điểm nào ở Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Dụ tin rằng, nếu triển khai trên một hòn đảo nào đó ở Biển Đông, nó sẽ là vật cản đáng kể đối với cái Bắc Kinh gọi là “các thế lực bên ngoài muốn gây rối ổn định trong khu vực”.
Bản tin trên Tân Hoa Xã ngày 7/2 thì đưa tin, Trung Quốc “gần đây” đã điều động Su-35 thực hiện hoạt động tuần tra trên bầu trời Biển Đông để tăng cường khả năng tác chiến.
Su-35 Trung Quốc mua của Nga và chiếc đầu tiên được bàn giao trong tháng 12/2106.
Tuần qua lực lượng quân sự Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên quần đảo Hoàng Sa và 7 cấu trúc địa lý ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã hợp tác với tập đoàn viễn thông lớn nhất nước này để phủ sóng mạng 4G ở 2 quần đảo này.
Dự kiến trong tháng Năm 2018 dịch vụ 4G sẽ đi vào hoạt động.
Giới phân tích tin rằng động thái này là một bước tiến mới hòng độc chiếm Biển Đông.
Ngoài các động thái quân sự hóa, Trung Quốc còn ráo riết thúc đẩy các công nghệ giúp họ có thể tạo ưu thế kĩ thuật để kiểm soát Biển Đông trên thực tế, tiến tới đưa dân ra sống và biến các đảo họ chiếm đóng thành các điểm tiền tiêu.