Theo báo Ấn, dù chưa rõ liệu Bắc Kinh có thành công trong việc biến Ấn Độ Dương thành Trung Quốc Dương nhưng New Delhi lại đang rất khó chịu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Trong bài viết với tựa đề “Trung Quốc muốn biến Ấn Độ Dương thành Trung Quốc Dương” đăng tải trên Forbes mới đây, tác giả Panos Mourdoukoutas khẳng định New Delhi vô cùng khó chịu vì Bắc Kinh không ngừng mở rộng ảnh hưởng kinh tế và thương mại trên Ấn Độ Dương.
Mourdoukoutas viết: “Để thực hiện kế hoạch quan trọng này, Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào một số dự án cơ sở hạ tầng. Ví dụ như cảng Sri Lanka Colombo và Hambantota – giúp Bắc Kinh xây dựng tiền đồn thương mại ở Ấn Độ Dương. Và Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, kết nối các lãnh thổ phía tây Trung Quốc với Ấn Độ Dương”.
Ông này cho biết thêm, gần đây, Trung Quốc đang biến Maldives thành một cửa ngõ thương mại khác sau khi mua lại đất đầu tư và ký một hiệp định thương mại tự do với quốc đảo này.
Theo Đa chiều (Mỹ), các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Sri Lanka đã khiến Ấn Độ lo lắng bởi ngày 9/12/2018 tới đây, chính phủ Sri Lanka sẽ chính thức bàn giao tài sản và quyền quản lý cảng Hambantota ở miền nam Sri Lanka cho Tập đoàn China Merchants Group (GMG).
Đây là dự án đầu tiên trong lịch sử của Sri Lanka do nước khác đầu tư và quản lý, đồng thời cũng là một trong những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn do Trung Quốc tham gia xây dựng, tờ này nhấn mạnh.
Trước những động thái của Bắc Kinh, New Delhi lo ngại, Trung Quốc sẽ biến cảng Hambantota trở thành một căn cứ hải ngoại. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Sri Lanka tại Trung Quốc – ông Nihal Rodrigo cho rằng đây là những phỏng đoán thiếu tin cậy.
Trước đây, India Today (Ấn Độ) cũng từng cho biết, chính quyền New Delhi bày tỏ sự hoài nghi với dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan bởi họ lo lắng dự án này sẽ đi qua khu vực Kashmir – lãnh thổ mà cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền.
Gần đây, sau khi khủng hoảng chính trị bùng nổ tại Maldives, tờ First Post (Ấn Độ) cho rằng, Maldives sẽ trở thành chiến trường mới trong “cuộc chiến người ủy nhiệm” giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Trước đó, cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed cáo buộc Bắc Kinh đang mua toàn bộ quần đảo ở Ấn Độ Dương này nhưng chính quyền Trung Nam Hải đã lên tiếng phủ nhận và tuyên bố, Trung Quốc chỉ đầu tư tài chính và không kèm yêu cầu chính trị với Maldives.
Nhận định về hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Maldives, tờ Hindustan Times (Ấn Độ) cho rằng, sự tiến triển này đang khiến New Delhi lo lắng.
Theo báo Ấn, dù vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có thành công trong việc biến Ấn Độ Dương thành Trung Quốc Dương hay không nhưng có một sự việc rất rõ ràng: Đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ cùng các đồng minh sẽ leo thang, khi Bắc Kinh thúc đẩy kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương.
“Và điều đó làm tăng nguy cơ địa chính trị”, Hindustan Times cho biết, hôm thứ Năm (15/2), chính phủ Maldives đã bác bỏ vai trò của Ấn Độ cũng như các nước khác trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị của quốc đảo này.
Tuy nhiên, tờ này dẫn lời Bộ trưởng Phát triển kinh tế Mohamed Saeed – đặc phái viên của Tổng thống Abdulla Yameen được cử sang Trung Quốc để tham vấn về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị của nước này khẳng định rằng, Bắc Kinh sẽ tăng cường sự hiện diện về kinh tế tại Ấn Độ Dương.
Forbes cho biết, có hai nguyên nhân dẫn đến lo lắng của Ấn Độ trước sự hiện diện của Trung Quốc. Thứ nhất, về kinh tế. “Sri Lanka và Maldives có thể trở thành cơ sở cho Trung Quốc tung sản phẩm vào thị trường Ấn Độ. Ví dụ, Maldives, Trung Quốc và Ấn Độ đều ký thỏa thuận thương mại tự do. Điều này có nghĩa, Trung Quốc có thể xuất khẩu hàng hóa sang Maldives và sau đó tái xuất sang Ấn Độ “.
Thứ hai, về địa chính trị. Theo Forbes, Ấn Độ luôn cho rằng, Trung Quốc muốn biến tiền đồn thương mại thành tiền đồn quân sự để bao vây nước này.